Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị với Chính phủ, nếu các doanh nghiệp không tái xuất gần 7.000 tấn thép phế ở cảng Hải Phòng và TP HCM thì sẽ tiến hành tiêu hủy. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, nhà nhập khẩu sẽ thiệt hại nặng, thậm chí có thể phá sản.
Tuần qua, Bộ Tài nguyên Môi trường đã chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan để quyết định số phận của 7.000 tấn phế liệu đã bị Hải quan hai cảng Hải Phòng và TP HCM giữ lại từ 4 tháng nay, vì lý do vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường. Trước đó, từ ngày 9 đến 11/1, đoàn thanh tra liên ngành do bộ chủ trì, đã tiến hành giám định và kết luận, số thép phế liệu này chứa những chất nguy hại, có lẫn các vỏ hộp đựng sơn, dầu, hóa chất... dùng hết và ép thành bánh, nhưng vẫn thuộc danh mục cấm.
Đại diện các ngành liên quan cho rằng cần tái xuất hoặc tiêu hủy số thép này, còn Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp nhập khẩu lại đề nghị được giữ lại đưa vào sản xuất.
Theo ông Phạm Chí Cường, lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhập khẩu thép phế liệu mà không bị ách tắc. Việc không cho thông quan gần 7.000 tấn thép phế lần này đã gây bất ngờ cho đơn vị nhập khẩu. Doanh nghiệp sản xuất thép từ trước đến nay chỉ hiểu Luật Môi trường cấm nhập các chất phế thải nguy hại, chất nổ, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, chất có vi trùng gây bệnh. Những loại như vỏ thùng dầu, vỏ hộp sơn, vỏ hộp thuốc diệt muỗi, côn trùng ... sau khi dùng hết ép lại thì lâu nay vẫn dùng, kể cả với các nước như Singapore, Hàn Quốc.
Ông Cường đề nghị sớm cho phép giải phóng lô hàng gần 7.000 tấn thép nói trên để bán cho các công ty luyện thép, tránh cho các doanh nghiệp nhập khẩu khỏi tổn thất nặng nề dẫn tới phá sản. Trước mắt, Hiệp hội Thép sẽ thông báo cho các doanh nghiệp tạm ngừng nhập các lô hàng thép ép bánh vỏ lon hộp để tránh tình trạng ách tắc tương tự có thể xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, đại diện của Bộ Công Thương trong đoàn thanh tra, lô hàng thép phế liệu nói trên không phù hợp với quy định tại Luật Môi trường. Việc xử lý của Hải quan Hải Phòng và TP HCM là hợp với quy định của pháp luật.
Còn đại diện Bộ Y tế thì cho rằng, đoàn thanh tra tuy chưa có kết luận về mức độ nguy hại, nhưng đã có chứa chất độc hại là không được nhập. Ngay cả trong trường hợp tiến hành tiêu hủy, thì cũng phải chú ý giữ an toàn.
Trong kết luận cuối cùng, ông Nguyễn Công Thành, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, khẳng định, sau khi tiến hành rà soát, việc giữ lại và yêu cầu tái xuất số hàng của Hải quan Hải Phòng và TP HCM là đúng quy định. Doanh nghiệp nhập khẩu thép phế liệu vi phạm đã rõ. Kết luận của đoàn thanh tra là khách quan. Bộ sẽ đề nghị lên Chính phủ, cho các doanh nghiệp tái xuất lần cuối cùng, nếu không được sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng. Ông Thành nói: "Cần phải xử lý kiên quyết trường hợp này, để tránh tạo ra tiền lệ xấu về sau".
Trước đó, các doanh nghiệp đã tiến hành tái xuất số hàng theo yêu cầu của Hải quan, nhưng ngoài Hòa Phát, không doanh nghiệp nào thành công.
Kiên Thành