Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng về số vụ cháy 5 tháng đầu năm 2012 thì cháy lớn chỉ chiếm 4,2% số vụ, nhưng thiệt hại về tài sản chiếm 80% trong tổng số vụ cháy.
Điều đáng nói, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy lớn đa số bắt nguồn từ sự chủ quan của chủ cơ sở, doanh nghiệp.
Những vụ cháy kinh hoàng
Cho đến bây giờ nhiều người dân Đà Nẵng vẫn còn nhớ như in vụ cháy lớn xảy ra tại vũ trường New Phương Đông (đường Đống Đa, quận Hải Châu) vào ngày 23/12/2011. Ngọn lửa xuất phát từ một tia lửa hàn bất cẩn của những người thợ khi đang làm trần nhà, sau đó ngấm vào các tấm xốp cách âm và nhanh chóng bốc cháy dữ dội. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã huy động toàn bộ phương tiện và con người hiện có để dập lửa, nhưng phải mất hơn 5 giờ đồng hồ mới dập tắt, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.
Mới đây là vụ cháy tại kho hàng Viettrolimex Đà Nẵng (đường Bế Văn Đàn, quận Thanh Khê) vào trưa 20/4. Mặc dù lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã nỗ lực dập lửa, nhưng vụ hỏa hoạn cũng đã thiêu rụi lượng hàng lớn của công ty, ước tính thiệt hại trên 500 triệu đồng...
Thiếu tá Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng Phòng Tổng hợp - Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cho biết, cháy lớn xảy ra một phần do ý thức của một bộ phận cơ sở, doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp trang bị phương tiện PCCC còn thiếu, yếu, không bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn PCCC hiện hành. Đặc biệt, đa số các vụ cháy đều xảy ra ngoài giờ làm việc nên không được phát hiện kịp, lực lượng tại chỗ mỏng, không giải quyết được sự cố gây cháy lớn. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi thì đám cháy đã bùng lên khá lớn nên khả năng chữa cháy và cứu tài sản gặp nhiều khó khăn. Điển hình là vụ cháy tại vũ trường New Phương Đông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi phát hiện hỏa hoạn, do không có phương tiện chữa cháy, cộng với sự lúng túng trong công tác chữa cháy của lực lượng bảo vệ, nên ngọn lửa đã không được dập tắt kịp thời, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cần chủ động phòng cháy
Đại tá Duơng Cảnh Mai, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng khuyến cáo: Người đứng đầu cơ sở cần chủ động triển khai các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm an toàn PCCC; xây dựng hoàn thiện và ban hành hệ thống nội quy, quy định về an toàn PCCC trong đơn vị; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức PCCC nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân. Bên cạnh đó, phải xây dựng, củng cố đội PCCC tại chỗ đủ mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng; mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhiệm vụ PCCC khi có sự cố cháy nổ xảy ra; đồng thời thường xuyên tổ chức thường trực bảo đảm an toàn PCCC; tăng cường tuần tra, canh gác, nhất là ngoài giờ làm việc, kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót về PCCC, ngăn chặn không để phát sinh nguồn điện gây sự cố cháy...
Trao đổi với PV, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng cho biết, nhận thức vấn đề cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng nên thời gian qua, đơn vị đã tập trung đầu tư cho công tác này. Trước hết, chúng tôi thường phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để diễn tập các phương án chữa cháy theo định kỳ, qua đó giúp cán bộ, nhân viên nắm bắt được các quy trình về PCCC cũng như những kiến thức của Luật. Bên cạnh đó, trang bị đủ về số lượng phương tiện chữa cháy cũng như con người, đáp ứng theo tiêu chuẩn hiện hành. Nhờ đó, công tác phòng cháy tại siêu thị luôn đáp ứng trong điều kiện thực tế hiện nay.
“Thời gian đến, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ sở; đặc biệt là chú trọng công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về các quy định PCCC để có tính răn đe, phòng ngừa”, Đại tá Dương Cảnh Mai cho biết.
(Theo Baodanang)