> TP HCM chấm dứt lấn chiếm vỉa hè: Làm đột ngột sẽ phản tác dụng
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM xóa bỏ danh mục 112/112 tuyến đường sử dụng vỉa hè phục vụ kinh doanh, dịch vụ mà trước đây TP.HCM cho phép.
Tờ trình cũng đồng thời đề xuất bỏ 69/160 tuyến đường sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công có thu phí và bỏ 34/73 tuyến đường đậu xe dưới lòng đường có thu phí.
Xung quanh vấn đề trên, PV đã trao đổi với ông Đậu An Phúc, trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT TP.HCM.
- Thưa ông, vì sao lần này lại dẹp bỏ toàn bộ việc cho phép sử dụng vỉa hè kinh doanh và giảm khá nhiều điểm đậu xe ở lòng đường và vỉa hè?
Bởi vì TP thực hiện kế hoạch 455 ngày 6/12/2011 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các đô thị lớn phải kiên quyết lập lại trật tự quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn giao thông để vỉa hè dành cho người đi bộ.
Bên cạnh đó, sau hơn hai năm thực hiện quyết định 5010 ngày 3/11/2009 của UBND TP.HCM về việc cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa có sử dụng vỉa hè, Sở GTVT và các quận, huyện đã rà soát lại tình hình và nhận thấy có những bất cập như một số tuyến đường có lưu lượng phương tiện tăng nhiều nên việc cho phép đậu xe sẽ gây tình trạng ùn tắc và cản trở giao thông.
- Liệu việc dẹp bỏ sử dụng vỉa hè ở 112 tuyến đường có đột ngột, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân?
112 tuyến đường cho sử dụng vỉa hè kinh doanh nằm trên địa bàn các quận 2, 4, 6, 7, 8, 10, 11, Tân Phú, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Cần Giờ.
Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, Sở GTVT TP thống nhất trình TP dẹp bỏ toàn bộ 112 tuyến đường trước đây cho sử dụng vỉa hè. Hơn nữa, các quận, huyện cho biết việc cho phép sử dụng vỉa hè đã không đảm bảo về trật tự giao thông nên quận đã làm việc với các phường, xã về chủ trương dẹp bỏ. Vì vậy, sẽ không gây bất ngờ với các hộ dân có sử dụng vỉa hè để kinh doanh.
Dự kiến khi UBND TP ban hành quyết định mới này thì mười ngày sau sẽ có hiệu lực.
- Vì sao sở đề xuất dẹp bỏ 34/73 tuyến đường cho đậu xe dưới lòng đường có thu phí nhưng lại bổ sung 10 tuyến đường mới cho đậu xe. Tương tự, đề xuất bỏ 69/160 tuyến đường cho sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí nhưng lại bổ sung tám tuyến đường mới cho làm bãi giữ xe?
Qua kiểm tra, sở và các quận, huyện nhận thấy trên các tuyến đường cho đậu xe dưới lòng đường đang có số lượng xe tăng cao nên cần cương quyết dẹp bỏ để không gây cản trở giao thông. Còn trên các tuyến đường mới được xây dựng, nâng cấp có vỉa hè và mặt đường rộng trong khi lượng xe lưu thông chưa nhiều thì cần tận dụng để cho phép đậu xe. Bởi vì hiện nay diện tích bãi giữ xe không đáp ứng nên việc bổ sung điểm giữ xe nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân.
- Việc điều chỉnh lần này sẽ ổn định lâu dài?
Có thể nói đây là đợt điều chỉnh đầu tiên trong năm 2012. Tôi cho rằng việc cho phép sử dụng vỉa hè và lòng đường làm điểm đậu xe cần được tiếp tục theo dõi và sẽ còn điều chỉnh, vì mật độ xe lưu thông ở TP.HCM ngày càng tăng trong khi TP.HCM đang tiếp tục giải quyết để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trả lại vỉa hè để lưu thông
Theo kiến nghị của Sở GTVT TP.HCM, quận 5 là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất với hàng chục tuyến đường bị loại ra khỏi phụ lục của quyết định 5010. Tuy nhiên, bà Huỳnh Thị Thảo - chủ tịch UBND quận 5 - cho biết đề xuất của Sở GTVT là hợp lý và không gây bất ngờ cho địa phương.
Theo bà Thảo, do lịch sử để lại nên trên địa bàn quận 5 tồn tại nhiều chợ họp ngay trên đường. Năm 2009, khi UBND TP ban hành quyết định 5010, quận 5 có 14 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. Tuy nhiên, nhận thấy về lâu dài việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán là không hợp lý nên quận 5 đã có kế hoạch di dời và giải tỏa các chợ không phù hợp. Đầu năm 2012, quận 5 đã giải tỏa chợ Nguyễn Thời Trung, sắp tới sẽ tiếp tục giải tỏa một số chợ khác.
Ngoài ra, theo đề xuất của Sở GTVT, quận 5 có tới 31/45 tuyến đường phải chấm dứt cho phép sử dụng vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng. Để giải quyết chỗ đậu xe cho người dân, UBND quận 5 sẽ vận động các hộ dân có quỹ đất trống nhận trông giữ xe. Đồng thời có kế hoạch xây dựng nhiều bãi giữ xe cao tầng trên địa bàn quận.
Trong khi đó, đại diện Thanh tra xây dựng quận 1 cho biết việc chấm dứt cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để kinh doanh buôn bán là hợp lý để trả lại vỉa hè cho lưu thông.
Tuy nhiên, việc chấm dứt cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để đậu - giữ xe cần thực hiện theo lộ trình để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Theo quyết định 5010, quận 1 có 33 tuyến đường cho phép đậu ôtô dưới lòng đường có thu phí nhưng tới nay UBND quận 1 đã phối hợp với Sở GTVT chủ động loại bỏ chín trong số 33 tuyến đường trên.
Thực tế cho thấy nhu cầu gửi, đậu xe của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quận 1 là rất lớn, các bãi giữ xe không đủ nên nếu đột ngột chấm dứt hoàn toàn việc cho phép đậu xe trên lòng đường sẽ gây “sốc” cho người dân.
Thanh tra xây dựng quận 1 cũng cho rằng song song với việc dần loại bỏ các tuyến đường cho phép đậu xe, TP cần đẩy nhanh việc xây dựng các điểm đậu, giữ xe mới vì hiện nay các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm, điểm đỗ xe cao tầng tại TP.HCM đều được tiến hành rất chậm chạp.
|
(Theo TTO)