Phần lớn các con mương nhỏ chảy quanh Hà Nội đều ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan và đời sống đô thị.
Hà Nội hiện có 40 con mương lộ thiên với chức năng nhận, chuyên chở nước thải từ các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp để đổ ra sông. Các con mương đều chung đặc điểm là nước lúc nào cũng đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu... Dưới đây là 5 con mương ô nhiễm nhất giữa lòng thủ đô:
Mương trước Bệnh viện Thanh Nhàn
Hơn chục năm nay, người dân sống bên đoạn mương phố Thanh Nhàn (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn phải lắt léo đi lại trên những cây “cầu khỉ” nhỏ xíu xuống cấp trầm trọng. Đáng chú ý là những cây cầu này bấp bênh, hư hỏng nên rất nguy hiểm mỗi khi đi qua.
Nguy cơ không chỉ từ những cây cầu khỉ mà vấn đề quan trọng nhất là lòng mương sâu, chứa nhiều rác thải, bốc mùi hôi thối và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở.Người dân nơi đây sau nhiều lần phản ánh, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện nên họ chấp nhận sống chung với mương bẩn.
Mương Thụy Khuê
Mương Thụy Khuê là đường thoát nước quan trọng của hai quận Ba Đình và Tây Hồ. Tuyến mương này lộ thiên từ dốc La Pho, chạy dọc ven đường Thụy Khuê với chiều dài hơn 3km, thuộc địa bàn phường Thụy Khuê và phường Bưởi (quận Tây Hồ) rồi nối với hệ thống cống ngầm ở chợ Bưởi trước khi đổ ra sông Tô Lịch.
Nước dưới mương chủ yếu là nước thải xen lẫn các chất thải sinh hoạt và kinh doanh, xả trực tiếp xuống. Độ lưu thoát của mương rất chậm nên nước ngả màu đen sẫm và thường xuyên bốc mùi hôi tanh, rất khó chịu.
Từ trên bờ xuống mặt nước ngập ngụa, lưu cữu rác thải nên môi trường càng thêm ô nhiễm. Đặc biệt là tại đoạn liền kề với chợ Tam Đa (phường Thụy Khuê) và đoạn qua ngõ 335 (phường Bưởi). Bên cạnh đó, ở một số đoạn, ngõ đi chung của người dân trên bờ mương rất chật hẹp, lại không có hàng rào che chắn, gây nguy hiểm cho người qua lại, nhất là vào buổi tối.
Mương Y Cụ
Mương Y Cụ cắt ngang qua đường Tôn Thất Tùng, có vai trò thoát nước thải cho một số nhà máy hóa chất đóng trên địa bàn, và là nơi chứa nước thải của các hộ dân.
Càng ngày, nước mương càng đen sì, cộng với rác thải trôi lềnh bềnh, nên vào những ngày trời nồm hay nắng to, nhà dân hai bên mương phải đóng cửa kín mít. Còn những người đi qua đây đều cố đi thật nhanh để tránh mùi bốc lên hôi thối.
Từ năm 2006 thành phố đã có Dự án Cải tạo mương Y Cụ, nhưng đến nay mương mới chỉ được nạo vét định kỳ, còn các hạng mục khác vẫn chưa được triển khai.
Mương Liễu Giai – Cống Vị
Mương Liễu Giai – Cống Vị, Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) quanh năm màu đen, nhớt với vô số rác và chất thải. Không khí xung quanh con mương này bị nhiễm bẩn nặng nề. Vào đầu mùa hè, khi mặt trời đổ lửa cũng là lúc mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nhất.
Nhưng dường như những người sống dọc theo con kênh dẫn nước đã quá quen với điều này, họ vẫn ngồi nhàn nhã hóng mát cạnh bờ mương. Hầu hết trong số những gia đình sống ở đây đều là hộ nghèo, họ dựng lên một cái lều tạm bợ, kiếm chốn nương thân để mưu sinh. Có lẽ vì vậy mà họ thản nhiên chấp nhận cuộc sống cạnh bờ mương ô nhiễm này.
Mương Thái Hà
Đoạn mương kéo dài song song với phố Thái Hà, quận Đống Đa, trung tâm Hà Nội bao năm qua luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Nước mương luôn có màu đen sì, hai bên bờ mương ngổn ngang vật liệu xây dựng, rác rưởi của nhà dân.
Rất nhiều người dân sống sát mương cho biết quanh năm phải sống trong mùi hôi thối nồng nặc của con mương bốc lên. Đặc biệt sau những cơn mưa rào, mùi thối lại xông lên, rất khó chịu. Người dân tại đây cho biết chỉ khi dự án cống hóa mương Thái Hà hoàn thiện, họ mới thoát khỏi cảnh sống chung với bờ mương nặng mùi xú uế.
Mỹ Anh (Tổng Hợp)