SearchNews

Đổi đời từ những vùng đô thị hóa

06/11/2007 11:23

Hầu hết những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch đều đã có ít nhiều thay đổi kể từ khi đường rộng được mở, các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hoàn thành. Trong số đó, nhiều người đổi đời hoàn toàn.

Hầu hết những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch đều đã có ít nhiều thay đổi kể từ khi đường rộng được mở, các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hoàn thành. Trong số đó, nhiều người đổi đời hoàn toàn.

Bà Hai Một ở Gò Mây quận Bình Tân có 1,3 mẫu đất nông nghiệp, cũng như nhiều hộ nông dân ở đây, năm 2002, đất của bà lọt vào vùng quy hoạch khu đô thị mới Vĩnh Lộc, được đền bù 900 triệu đồng và một nền nhà tái định cư 200 m2.

Là một người kỹ tính, không dám tiêu pha, bà mang 900 triệu đồng gửi ngân hàng, mỗi tháng lấy lãi gần 6 triệu. Bà nghĩ, với 1,3 mẫu đất trồng lúa và hoa màu, cả đời cực nhọc nhưng chưa bao giờ mua được một lượng vàng, thậm chí cái nhà ở luôn trong tình trạng xiêu vẹo. Bấy giờ cầm trong tay 900 triệu đồng, bằng 200 lượng vàng, mỗi tháng sinh lãi gần 6 triệu đồng là một nguồn thu chưa từng có trong đời, lại được cái nền nhà trong khu đô thị, rõ ràng là một sự đổi đời. Thế nhưng 5 năm sau, giá vàng từ 4,5 triệu đồng vọt lên hơn 10 triệu một lượng, giật mình nhìn lại, bà mới hay đã mất đi hơn nửa số vàng.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Sáng ở xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có hai mẫu đất trồng cao su xen các loại hoa màu, nhà cửa ọp ẹp bên con đường đất, an phận với cuộc sống nghèo khó quanh năm. Đến 2003, đất của chị lọt vào vùng quy hoạch khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương, chị được đền bù 800 triệu đồng và 600 m2 đất tái định cư. Sau khi nhận tiền đền bù, chị đi mua 200 m2 đất ngoài vùng quy hoạch với giá 100 triệu đồng và xây một ngôi nhà ngói 150 m2, trị giá 200 triệu đồng. Số tiền còn lại, chị mua vàng dự trữ.

Đến đầu năm 2007, khu vực tái định cư hoàn tất cơ sở hạ tầng, chị bán vàng đầu tư xây một dãy nhà trọ 31 phòng và một cái quán điểm tâm, giải khát cạnh đó. Mỗi phòng trọ có bốn công nhân thuê mỗi tháng với giá 300.000 đồng. Riêng tiền trọ, chị thu mỗi tháng 9,3 triệu đồng, các dịch vụ điểm tâm, giải khát, nhu yếu phẩm phục vụ cho 120 công nhân ở trọ là một nguồn thu không nhỏ.

600 m2 đất của chị bây giờ trị giá gần 2 tỷ đồng, song, nó sẽ còn tăng gấp nhiều lần khi khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương hoạt động trong vài năm tới. Chị Sáng nói: “Hồi trước nghèo nhưng mà nhàn hạ, thảnh thơi, phó thác số phận mình cho ông trời, không cần lo nghĩ. Bây giờ thì khá giả hơn, nhưng đầu óc cứ quay cuồng, có khi cả đêm không ngủ được, buôn bán, làm ăn thì phải luôn luôn tính toán".

Cách dãy nhà trọ của chị Sáng vài chục mét là một hàng sân vườn không thua kém ở TP HCM của anh Tư Liêu. Anh Liêu cho biết, có 2,5 mẫu đất trồng cao su đang thu hoạch, cứ cách mỗi ngày cạo mủ một lần, thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng. Khi nhà nước triển khai dự án khu liên hợp, anh được bồi hoàn 1,2 tỷ đồng và 1.000 m2 đất thổ cư. Anh dùng số tiền ấy xây lại ngôi nhà mới khang trang trên diện tích 200 m2. Phần đất và tiền còn lại, anh đầu tư xây dựng nhà hàng. "Bây giờ thì sống cầm chừng, nhưng khi khu liên hợp ở đây hoàn tất, hàng trăm doanh nghiệp, hàng chục nghìn công nhân đổ về đây, tha hồ mà buôn bán”.

Bà Phạm Thị Dung, sau khi giao hai mẫu vườn cao su cho dự án, bà nhận bồi hoàn gần 900 triệu đồng cùng với 700 m2 đất thổ cư. Chồng bà, ông Phạm Văn Hiệp được ban quản lý dự án nhận vào làm công nhân chăm sóc cây xanh, cùng lúc ấy, đứa con gái của bà vừa tốt nghiệp ngành dược. Bà đầu tư xây dựng ngôi nhà và mở tiệm thuốc tây, đồng thời đang chuẩn bị xây thêm dãy nhà trọ trên 400 m2 đất còn lại. Cũng như nhiều gia đình khác, bà Dung đang đứng trước một cơ hội làm ăn lớn.

Vợ chồng ông Huỳnh Văn Tiết có bốn người con trai, hai con dâu và hai đứa cháu nội, với ngần ấy con người không thể sống nổi với một mẫu cao su, ông làm thêm nghề dịch vụ tiệc cưới. Nhưng giữa vùng rừng cao su, không có đường nhựa, mọi thứ phải vận chuyển bằng xe bò, vừa cực nhọc, vừa dễ rủi ro. Cho nên sau khi cơ sở hạ tầng trên khu tái định cư vừa làm xong, ông dùng ngay số tiền đền bù 480 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà rộng trên 600 m2 đất tái định cư. Trong đó ông đầu tư cho khu vực nhà bếp làm tiệc cưới, mở thêm tiệm tạp hóa và tiệm sắt, chuyên làm cửa cho các công trình xây dựng dân dụng quanh vùng. Ông nói: “Mới mua được chiếc xe tải để phục vụ tiệc cưới thay cho xe bò, đang chuẩn bị mua thêm chiếc nữa để thằng con đi giao cửa sắt”.

Trong 444 hộ nằm trong vùng quy hoạch, có trường hợp của anh Nguyễn Văn Nam là “rối” nhất. Anh là dân tha phương cầu thực, từ Tây Ninh sang đây, mượn đất của anh Tiết cất một căn chòi. Hai vợ chồng theo anh Tiết để nhận lại công đoạn rửa chén cho các đám tiệc. Khi dự án triển khai, anh Nam không có đất nên không có gì đền bù. Không lỡ để con anh lang thang, không có chỗ học hành, UBND xã làm tờ trình mang lên huyện, vận động ban quản lý dự án bán cho anh cái nền 150 m2 với giá 22 triệu đồng, số tiền ấy được Ủy ban mặt trận tỉnh chi trả, kế đến, Ủy ban xã xuất quỹ vì người nghèo để cất nhà cho anh Nam. Bây giờ, ngôi nhà của anh Nam tọa lạc ngay một ngã ba, gần khu công nghiệp, nó sẽ trở thành một quán cà phê lý tưởng trong nay mai. Chị Chính cho biết, anh Nam là người không có tài sản trên đất này, thậm chí cái giấy tạm trú cũng không có, nhưng anh vẫn được “ăn theo” dự án một cách đàng hoàng.

(Theo SGTT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu