SearchNews

Giải pháp nào để cứu thị trường BĐS?

18/03/2012 09:09

Những tín hiệu tích cực khả quan gần đây đang thồi bùng hi vọng cho thị trường BĐS. Nhưng để chủ động cứu được thị trường cần có những giải pháp tổng thể

Những tín hiệu tích cực khả quan gần đây đang thồi bùng hi vọng cho thị trường BĐS. Nhưng để chủ động cứu được thị trường cần có những giải pháp tổng thể.

Trước thực trạng bất động sản đóng băng, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nhiều chuyên gia và lãnh đạo đầu ngành đa đưa ra nhiều ý kiến và giải pháp nhằm “cứu” thị trường BĐS.

BĐS

Theo đánh giá của Quản lý nhà và thị trường BĐS, thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề vốn của thị trường. Thực trạng giao dịch yếu, doanh nghiệp kinh doanh đối diện với tình trạng đình trệ sản xuất, tín dụng thắt chặt,... điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chung của thị trường BĐS. Trong tương lai gần, thị trường này sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí theo nhiều chuyên gia, thị trường đang chính thức bước vào chu kỳ đi xuống sau giai đoạn phát triển bùng nổ trong vài năm gần đây. Do đó, nhiều ý kiến được đưa ra nhằm giải cứu thị trường BĐS.

Thu hẹp nguồn cung nhà ở cao cấp

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản hiện nay vừa thừa, vừa thiếu. Nhiều dự án chung cư cao tầng bị ế ẩm, thiếu đầu ra với những căn hộ bỏ không, trong khi một số lượng lớn người lao động không có nhà để ở.

Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản cho biết, hiện thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng giá vẫn ở mức cao so với thu nhập chung của người dân. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cung – cầu khó có thể bắt nhịp.

BĐS

Để giải quyết tình trạng này, một trong những giải pháp được cục đánh giá là hết sức quan trọng, đó là điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng của các khu đô thị mới. Trong đó, đáng chú ý có biện pháp tăng tỉ lệ nhà ở chung cư cao tầng lên trên 80% tại Hà Nội và TPHCM, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự; căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số nhà ở thương mại xây dựng mới. Không triển khai các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị, thực hiện quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ dự án. Đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê.

Kiểm soát dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS

Mặt khác, ngoài việc thị trường bất động sản còn non trẻ nên đang phải đối mặt với thực tế mất cân đối cơ cấu hàng hóa, hệ thống tài chính đi kèm chưa hoàn thiện thì thị trường này còn phụ thuộc nhiều vào các động thái chính sách tiền tệ, tín dụng nhất là khi nguồn vốn trung và dài hạn bị hạn chế.

BĐS

Khi nguồn vốn này bị thắt chặt, Ngân hàng cho vay ngắn hạn và lãi suất cao đã tác động mạnh mẽ tới kế hoạch triển khai dự án của chủ đầu tư. Thị trường bất động sản không còn “màu mỡ”, người dân có xu hướng chuyển dòng tiền nhàn rỗi sang đầu tư vàng hay gửi tiết kiệm. Doanh nghiệp điêu đứng khi nguồn huy động dòng vốn trong dân cũng không còn. Hàng loạt các dự án đình công, dời ngày hoàn thành, giãn tiến độ, giao dịch nhà đất suy yếu. Xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư trong nước có dự án nhưng thiếu vốn đầu tư đã phải chuyển nhượng dự án hoặc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài.

Như đã biết, trung bình một dự án bất động sản có khoảng 10 - 30% vốn doanh nghiệp tự có, phần còn lại chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay Ngân hàng. Một khi nguồn vốn này bị thắt chặt, các ngân hàng gần như nói “không” với tín dụng bất động sản theo chủ trương thắt chặt tiền tệ sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp đi vào “ngõ cụt”.

Do đó cần kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt để tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường. Với một số biện pháp cụ thể, không coi tín dụng BĐS ở một số danh mục là lĩnh vực phi sản xuất, không tăng tỉ trọng tín dụng BĐS nhưng cần điều chỉnh linh hoạt, nghiên cứu thêm hình thức “chuyển nợ” từ chủ đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với chủ đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà, theo đề xuất của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, bằng cách này sẽ không làm tăng tỉ trọng tín dụng BĐS nhưng sẽ tạo thanh khoản cho chủ đầu tư có vốn để tái đầu tư.

Cải cách thủ tục hành chính

Có thể khẳng định rằng hệ thống chính sách, văn bản pháp luật hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản Việt Nam. Nhưng hệ thống này cũng cần được điều chỉnh kịp thời để tạo nên xung lực mới cho thị trường bất động sản để không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà còn tồn tại phát triển lâu dài, theo kịp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Khó khăn nhất của chủ đầu tư là giai đoạn đầu tìm hiểu và tiếp cận đất đai để hình thành và phát triển dự án. Hệ thống văn bản và trình tự thủ tục về kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản chưa theo kịp những diễn biến thực tiễn của cuộc sống. Khi có sự việc xảy ra, rất khó để phân định trách nhiệm của các chủ thể liên quan hay việc xác định tính công ích, tính thương mại của một công trình.

Nên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án để các sản phẩm BĐS nhà ở sớm đủ các điều kiện tham gia thị trường.

Hiện nay, thị trường bất động sản đang ở giai đoạn thiếu ổn định. Nếu cứ duy trì tình trạng như hiện nay thì thị trường bất động sản sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy, để vượt qua thời kỳ khó khăn này, doanh nghiệp phải tìm nguồn lực vốn thay thế thông qua các giải pháp như: Phát hành cổ phiếu, trái phiếu, liên doanh liên kết, lọc lại danh mục đầu tư để chọn lựa những công trình có vòng quay nhanh, giãn tiến độ một số dự án, nhằm thu hồi vốn nhanh và hạn chế đầu tư dàn trải.

(Theo VietNamNet)


Tin đã lưu

Xóa tất cả