Nhằm hạn chế ách tắc, phát triển giao thông đô thị theo hướng tích cực, Hà Nội cần hạn chế xây chung cư cao tầng trong nội đô.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội mở rộng từ 921km2 lên 3.344km2, dân số 6,232 triệu người. Trong đó, vấn đề hạ tầng kỹ thuật cũng được xem xét toàn diện, mà một trong các vấn đề quan trọng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật Thủ đô là quy hoạch hệ thống giao thông đô thị.
Trước đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 1998 đã xác định vùng hạn chế phát triển gồm 4 quận nội thành cũ và 1 phần Q.Tây Hồ với quy mô dân số khống chế khoảng 80 vạn dân, bình quân 45m2 đất đô thị/người để đảm bảo điều kiện tối thiểu nhu cầu thiết yếu của người dân về chỗ ở, đi lại và không gian công cộng cho hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, học tập và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau đến nay vẫn chưa kiểm soát được gia tăng dân số tại khu vực trung tâm đặc biệt là tăng dân số cơ học. Hiện tại dân số trong khu vực hạn chế phát triển khoảng 1,2 triệu dân, vượt mức khống chế khoảng 40 vạn làm quá tải hạ tầng đô thị cho khu vực hạn chế phát triển.
Nguyên nhân quá tải về tình trạng giao thông hiện nay của Hà Nội trước hết là do chưa kiểm soát được gia tăng dân số cơ học vào khu vực nội thành, đặc biệt là khu vực hạn chế phát triển (trung bình mỗi năm tăng 16 vạn trong giai đoạn 2007 - 2010 chưa kể khách vãng lai); Chậm triển khai thực hiện quy hoạch giao thông đặc biệt là giao thông công cộng đô thị; Chưa tạo được các cực hút ra ngoài khu vực nội đô bằng các khu đô thị mới xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị và đảm bảo chất lượng môi trường sống tốt hơn cho người dân đô thị tại các khu vực này. Bên cạnh đó, việc phân bổ các cơ sở sản xuất, các trường đào tạo, dạy nghề, các cơ sở bệnh viện chất lượng cao chưa hợp lý, còn tập trung quá lớn trong khu vực nội đô TP. Việc cải tạo xây dựng các công trình như cao tầng hỗn hợp có nhà ở, chung cư cũ trong khu vực hạn chế phát triển cũng làm gia tăng thêm dân số cơ học vào trung tâm TP.
Ngoài ra, công tác quản lý và khai thác các điểm đỗ xe còn thiếu, văn hóa của người tham gia giao thông và ý thức chấp hành pháp luật còn kém; Thiếu các tuyến cao tốc kết nối liên hoàn mạng lưới. Các tuyến hướng tâm, vành đai chưa xây dựng hoàn chỉnh, chưa hạn chế được luồng xe quá cảnh vào trung tâm TP gây sức ép lên giao thông đô thị. Vị trí các bến xe liên tỉnh chưa hợp lý khi đô thị đã mở rộng. Nhiều bến đã nằm sâu trong khu vực nội thành, chậm triển khai các bãi đỗ xe trong TP theo quy hoạch, thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư cho loại hình này…
Để khắc phục tình trạng ách tắc giao thông trong nội đô nói riêng và TP nói chung, cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ cả trước mắt cũng như lâu dài. Cần sớm triển khai việc lập và phê duyệt quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật về giao thông Thủ đô cho phù hợp, làm cơ sở để quản lý và xác định các dự án hạ tầng kỹ thuật khung đô thị. Tiếp đó, cần kiểm soát gia tăng dân số cơ học vào trung tâm TP. Từng bước di dời các cơ sở sản xuất, đào tạo dạy nghề, y tế gây ô nhiễm môi trường ra khỏi trung tâm TP, quỹ đất sau khi di dời ưu tiên cho mục đích công cộng. Hạn chế tối đa xây dựng nhà ở mới vào quỹ đất này.
Cùng với việc không đưa thêm dân cư mới vào các khu chung cư cũ đã cải tạo, cần xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại có chất lượng sống tốt, đẩy nhanh xây dựng các khu đô thị vệ tinh tạo lực hút ra bên ngoài, giảm chất tải cho TP trung tâm. Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng, xây dựng nhanh tuyến đường vành đai 4 để hạn chế các luồng xe quá cảnh. Nâng cao ý thức cộng đồng tham gia giao thông, có chế tài xử phạt đúng mức phân luồng, phân tuyến đặt biển hợp lý, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo giờ cao điểm. Việc áp dụng một số giải pháp tình thế trong giai đoạn trước mắt: như thay đổi giờ học, giờ làm, làm cầu chui vượt cho các nút giao thông thường xuyên ách tắc, giải quyết bài toán đỗ xe trong khu vực trung tâm… là những việc làm cần thiết trước mắt.
Để kiểm soát quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển đô thị và đầu tư phát triển giao thông theo quy hoạch là vấn đề rất quan trọng, mang tính cấp bách cần đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị để từng bước cải tạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông Thủ đô ngày một hiện đại, văn minh như mục tiêu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra.
(Theo BXD)