Nhiều khách hàng mua sắm tại trung tâm thương mại Grand Plaza bức xúc bày tỏ vì giá tiền gửi xe quá cao.
Phí gửi xe ô tô 10.000 đồng/giờ
Với diện tích lên tới 16.000m2, nằm ở vị trí đắc địa cuối đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), xung quanh là các khu dân cư như The Manor, Trung Hòa - Nhân Chính hay các dự án căn hộ, văn phòng và khách sạn cao cấp trong quần thể đang được xây dựng như Keangnam Hanoi Landmark Tower, CEO Tower, JW Marriott Hotel, Trung tâm Thương mại Grand Plaza hứa hẹn là “thiên đường mua sắm” tuyệt vời của khách hàng trong nước và ngoài nước. Nhưng sự thực thì không phải như thế! Kể từ lúc chính thức khai trương từ 17/7/2010 đến nay, lượng khách tham quan và mua sắm tại đây vẫn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là khá vắng vẻ.
Bởi lẽ, khách hàng tới Grand Plaza nếu không nắm được “luật”, vào gửi xe ô tô sẽ bị tính phí theo giờ (10.000 đồng/tiếng). Khách đến thăm một lần không ai dám trở lại vì phí dịch vụ gửi xe này cao quá, khiến trung tâm mua sắm lớn nhất HN những ngày vừa qua “vắng như chùa bà đanh”. Thêm vào đó, việc barrie luôn luôn đóng kín ngoài cổng trước khi khách ra vào, làm cho nơi đây trông cách biệt khiến khách vãng lai ngại đến gần.
Có mặt tại TTTM Grand Plaza lúc 17h chiều, mặc dù những tên tuổi lớn của làng thời trang thế giới đã có mặt tại đây như Montblanc, Cartier, Valentino, Giovanni, Just Cavalli, hay những hãng mỹ phẩm, trang sức từ lâu vốn đã quen thuộc với dân sành điệu như Bourjois Paris, The face shop, Pupa, Star Ruby... nhưng các gian hàng vẫn rất thưa thớt người. Tại quầy bán mỹ phẩm thời trang, do không có khách hỏi han, mua sắm, các nhân viên tại đây đứng nhìn nhau, không làm gì khác ngoài việc… tán gẫu. Trên tầng M, nơi bán các loại kính mắt sành điệu, người bán hàng vẻ mặt buồn thiu vì không khí mua bán ế ẩm. Một nhân viên bán hàng tại đây cho biết: Việc phí gửi xe quá cao (phí gửi xe ô tô được tính theo giờ: 10.000 đồng/giờ) đã phần nào đó ảnh hưởng tới doanh thu của gian hàng. Thông thường khách tới mua sắm phải có thời gian để lang thang thăm quan cũng như thảnh thơi lựa chọn sản phẩm, nếu tính phí gửi xe theo giờ, khách chỉ còn cách duy nhất là xem vội, đi nhanh. Nếu đủng đỉnh cả ngày, tiền phí gửi xe ô tô phải trả lên tới vài trăm nghìn là điều dễ hiểu.
Hào hứng bớt chút thời gian rảnh rỗi ngày cuối tuần để vào Grand Plaza mua sắm, chị Bùi Nguyệt Hà (Mễ Trì, Hà Nội) “tá hỏa” khi quay trở ra, chị phải trả 40.000 đồng cho hơn 3 tiếng gửi xe ô tô trên phần bãi trước cửa TTTM. Trò chuyện với pv Giáo Dục Việt Nam, chị bực bội: “Đây là lần đầu tiên tôi đi mua sắm ở Grand Plaza và cũng sẽ là lần cuối cùng tôi đến đây. Khi tôi hỏi “40.000 đồng/xe, sao đắt thế”, họ nói: "Tính theo giờ". Tôi rất bức xúc về điều này nhưng vì bận nên không to tiếng xô xát, chỉ có điều chắc chắn rằng lần sau, tôi sẽ không gửi xe ở đây nữa”.
Anh Hùng, một khách hàng khác cũng cho biết: “Lần đầu tiên tôi vào đây nghỉ ngơi, ăn uống tại khách sạn cũng phải chịu phí gửi xe 10.000 đồng/tiếng. Tuy nhiên, sau đó được người ta “mách nước” là chỉ cần lấy hóa đơn mua sản phẩm thì sẽ được miễn phí dịch vụ gửi xe”. Tuy nhiên, không ít trường hợp, khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ không hề cầm phiếu thanh toán, hoặc nhiều người giữ hóa đơn trong túi nhưng không biết lấy ra để đổi vé miễn phí trông xe.
Từ sự việc này mà việc cãi nhau giữa khách hàng và bảo vệ trông xe tại Grand Plaza xảy ra không ít. Bảo vệ tòa nhà luôn miệng than thở: “Bọn em không sung sướng gì đâu, dân tình lúc quay ra, trả tiền vé xe rất bức xúc, chửi nhau om sòm”.
Mất tiền khi không biết “luật”?
Khách hàng tới TTTM trước khi ra về đều có thể dễ dàng nhìn thấy tấm biển lớn được dựng tại cổng ra của Grand Plaza, trên đó ghi quy định mức giá gửi xe cho bãi đỗ xe của Khách sạn Grand Plaza Hà Nội, khu trung tâm thương mại, tòa nhà Charm Vit, áp dụng từ ngày 15/03/2011. Cụ thể:
- Xe dưới 9 chỗ: 10.000 đồng/lần (trong 30 phút), mỗi tiếng vượt quá 10.000 đồng.
- Xe trên 9 chỗ: 20.000 đồng/lần (trong 30 phút), mỗi tiếng vượt quá 10.000 đồng.
- Xe máy: 2.000 đồng/lần (trong 30 phút), mỗi tiếng vượt quá 1.000 đồng.
Phía dưới còn ghi thêm: “Xe của khách của các văn phòng thuê đề nghị phải trình xác nhận của công ty đó. Trường hợp làm mất vé xe phải nộp phạt 100.000 đồng (bao gồm phí chế tạo vé)”.
Tại một số tòa nhà chung cư cao cấp như Sky City, phí gửi xe cho khách vãng lai vẫn được áp dụng mức tính theo giờ là 10.000 đồng/tiếng, tuy nhiên, đó là vào khu căn hộ, khác hẳn so với vào khách sạn hay vào khu TTTM. “Chẳng nhẽ chúng tôi đã bỏ tiền ra đi ăn ở khách sạn lại mất thêm một số tiền lớn cho phí gửi xe. Thậm chí, đến đây nếu không mua được gì, quay trở ra lại mất hàng trăm nghìn tiền gửi xe ô tô?” – Đó là những bất cập mà khách hàng đã phản ánh khi tới mua sắm tại TTTM Grand Plaza.
Thắc mắc về vấn đề này với đại diện của chủ đầu tư thuộc tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc), ông Nguyễn Đức Dũng - trợ lý Phó Tổng Giám đốc cho biết: Mỗi nơi có các hình thức kinh doanh khác nhau nên khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ cho mình. “Tất nhiên, TTTM ở đây có nhiều bất cập vì giá cả quá cao so với mặt bằng chung, khách hàng có thể lựa chọn chỗ nào có phí dịch vụ hợp lý hơn” để mua sắm.
Trả lời về mức phí gửi xe, ông Dũng phân trần: Mức phí trông xe được tính theo giá hợp đồng và đã có sự nhất trí thông qua của tất cả các đơn vị trong tòa nhà. Để tạo điều kiện cho khách hàng, Chamvit đã nhiều lần sửa đổi vấn đề thu phí đỗ xe. “Nếu khách hàng chỉ ra vào văn phòng trong vòng 5 – 15 phút, chúng tôi có thể đóng một cái dấu miễn phí cho khách hàng, thậm chí đã công văn thông báo tới các văn phòng trong tòa nhà đều biết đến điều đó”. Tuy vậy, các nhân viên của tòa nhà đều than thở: Khi sinh ra cái dấu lại phát sinh nhiều vấn đề, những người đóng dấu hoặc làm việc trong các đơn vị của tòa nhà cũng không tận tình hướng dẫn khách. “Những người gửi xe họ không biết nên cứ loạn hết cả lên, đi tới “cổng ra” nếu không có vé gửi xe thì không cho ra nhưng nếu vé không có dấu thì vẫn phải mất tiền”, khiến mọi thứ cứ rối tung, rối mù.
Riêng đối với việc phí gửi xe của Trung tâm Thương mại Grand Plaza, ông Dũng đẩy trách nhiệm sang một đơn vị khác – Công ty CP Quản lý Tài sản IDJ. Bởi theo thông tin từ ông Dũng, IDJ đã mua đứt 1.700 m2 tại tầng hầm B2 và 10 chỗ để xe ô tô trên sân phía trước tòa nhà làm chỗ để xe riêng cho những khách hàng vào TTTM mua sắm.
“Trách nhiệm thuộc về IDJ trong việc truyền tải thông tin tới khách hàng” – Ông Dũng nói. Theo đó, nếu khách hàng vào TTTM Grand Plaza để xe tại tầng hầm B2 hoặc đúng vị trí trên sân (những diện tích mà IDJ đã mua) thì được miễn phí gửi xe, còn nếu để ở những vị trí khác thì vẫn chịu mức phí như bình thường theo giá trong hợp đồng của Charmvit đối với các khách hàng vãng lai.
Như vậy, có không ít người đã mất tiền oan do không để đúng vị trí bãi đỗ xe dành riêng cho khách hàng vào TTTM Grand Plaza đặc biệt là những xe ô tô, khi vào cửa được hướng dẫn đỗ ở trên sân, phía trước tòa nhà.
Trao đổi với pv Giáo dục Việt Nam, đại diện của Trung tâm thương mại Grand Plaza cũng có ý kiến: Đây không chỉ là bức xúc của khách hàng mà còn là nỗi trăn trở của Trung tâm thương mại Grand Plaza.
Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, cũng như thúc đẩy việc kinh doanh, thu hút người mua đến mua sắm nhiều hơn tại TTTM, Ngày 1/4/2011, Trung tâm thương mại Grand Plaza (do IDJ Financial độc quyền thuê lại và phát triển) đã có văn bản số 79/CV/2011 gửi đến các gian hàng đang kinh doanh tại TTTM về việc khách hàng đến mua sắm tại TTTM Grand Plaza sẽ được phát vé miễn phí dành cho ô tô và xe máy ở nơi trông giữ xe của TTTM tại tầng hầm B2.
Để tránh những bất cập đối với khách hàng đến mua sắm tại TTTM, Công ty cũng đã nhiều lần gửi công văn tới Charmvit, có ý kiến về việc thu phí theo giờ, tuy nhiên, Charmvit vẫn chưa có câu trả lời triệt để cho vấn đề này. Trong khi đó, trả lời Pv Báo Giáo Dục Việt Nam, ông Dũng (đại diện của Charmvit) chỉ ậm ừ: Charmvit sẽ tiếp thu và thay đổi, “sẽ nói lại với Giám đốc, trong thời gian tới sẽ có những thay đổi hợp lý hơn”; “sẽ giảm hơn nếu đó là trăn trở của khách hàng của TTTM”.
Tuy nhiên, chừng nào Charmvit chưa thay đổi, vẫn còn thu phí gửi xe theo giờ và nếu khách hàng tới TTTM không được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để đậu xe đúng nơi quy định thì chừng đó, người tiêu dùng vẫn phải rút tiền trả cho điều phi lý như vậy.
(Theo GDVN)