UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã tự ý đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng khu vực dưới gầm cầu Thanh Trì.
UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã tự ý đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng khu vực dưới gầm cầu Thanh Trì, vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão. Phía công ty lại nói, số đất, phế thải đó là “tồn tại lịch sử”.
Nói mãi không nghe?
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, tháng 5/2011, Sở GTVT đã giao cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tạm tiếp nhận, quản lý, duy trì và vận hành diện tích khu vực dưới gầm cầu Thanh Trì để sử dụng vào mục đích trông giữ xe ô tô, xe máy. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, công ty đã tự đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng mà chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền (do vị trí trên nằm trong khu vực thoát lũ).
Cùng quan điểm, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có văn bản khẳng định “không chấp thuận dự án xây dựng điểm đỗ xe khu vực gầm cầu Thanh Trì từ trụ số 31 đến trụ số 44 thuộc bãi sông Hồng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai” và “việc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tự đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng là vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão”.
Từ tháng 9/2011, UBND quận Hoàng Mai đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan chức năng liên quan và Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, “yêu cầu chấm dứt ngay việc đổ đất, phế thải xây dựng ra diện tích được giao quản lý, san gạt trả lại mặt bằng, đảm bảo yêu cầu thoát lũ tại khu vực gầm cầu Thanh Trì phía ngoài đê và chỉ được triển khai khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền...”. Tuy nhiên, cho tới tháng 5/2012, khi kiểm tra thực tế tại khu vực nói trên, UBND quận Hoàng Mai phát hiện, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội vẫn tiếp tục đổ đất, phế thải và làm hàng rào lưới B40 xung quanh khu vực...
Lại sau một loạt văn bản và cuộc họp liên ngành, UBND quận Hoàng Mai đề nghị UBND TP Hà Nội vào cuộc để “chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng UBND quận Hoàng Mai có biện pháp để xử lý dứt điểm vi phạm”. Ông Nguyễn Đức Hải đề xuất: “Nếu công ty không tự khắc phục, bốc xúc toàn bộ đất, phế thải xây dựng đã đổ trái phép, san gạt mặt bằng theo đúng cốt phòng chống lũ, thì đề nghị TP cho phép tổ chức cưỡng chế theo quy định”.
Đang khắc phục vi phạm
Chiều 17/7, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, ông Trần Quốc Hoan cho biết: “Khu đất gầm cầu Thanh Trì ngày trước rất trũng. Trong quá trình thi công cầu Thanh Trì, đất, phế thải cũng đã có nhưng ít thôi. Khi được tạm giao khu đất này, Công ty Khai thác điểm đỗ đã bỏ mặc, không quản lý. UBND phường đã yêu cầu công ty phải có trách nhiệm quản lý, không thể đổ tại cho phường được nhưng nạn đổ đất, phế thải trái phép vẫn tiếp diễn. Gần đây, phường đã phải lập 2 chốt gác thì tình trạng đổ phế thải mới được ngăn chặn”. Ông Trần Quốc Hoan cho rằng: “Biện pháp cưỡng chế hiệu quả nhất là thu hồi lại khu đất đã giao cho Công ty Khai thác điểm đỗ. Nếu TP giao cho quận, việc xử lý khắc phục vi phạm là quá đơn giản...”.
Cũng trong ngày 17/7, trao đổi với PV về sự việc trên, ông Bùi Đăng Thắng, Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: “Đó là lịch sử tồn tại. Số đất, phế thải đó có từ lâu rồi, không phải chúng tôi tự đổ. Trước đây, khi chúng tôi chưa quản lý, khu đất chưa có rào, xe vào đổ lung tung cả. Dù vậy, chúng tôi đã đứng ra nhận việc đó chứ không đổ trách nhiệm cho ai. Sự thực là chúng tôi đang khắc phục. UBND TP đã giao và công ty bắt đầu làm ngay rồi. Thế nhưng, khối lượng đất, phế thải rất lớn, có khi phải mất tiền tỷ mới dọn hết chỗ đó đi được. Chúng tôi cũng đề nghị quận Hoàng Mai là xung quanh khu vực đó còn điểm vi phạm nào nữa thì phải xử lý cho bằng hết đi...”.
Xử lý xong trước 31/7
Liên quan tới vụ việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Xuân Việt đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội không được tiếp tục đổ đất, phế thải xây dựng. Đồng thời, công ty phải bốc xúc toàn bộ đất, phế thải xây dựng đã đổ trong khu vực được giao quản lý đến đúng nơi quy định, báo cáo kết quả về UBND TP. Trường hợp công ty tiếp tục vi phạm, hoặc không bốc xúc toàn bộ đất, phế thải xây dựng đã đổ, UBND quận Hoàng Mai lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền, tổ chức lực lượng cưỡng chế theo quy định của pháp luật xong trước ngày 31/7. Nếu sau đó, công ty vẫn cố tình vi phạm, UBND TP giao CATP điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
|
(Theo ANTĐ)