SearchNews

TP HCM đề xuất cơ chế tài chính mới

18/07/2012 08:47

UBND TP HCM đề xuất Bộ Kế hoạch Đầu tư dành cơ chế đột phá về tài chính như tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, quản lý và tự chủ về tài chính...

Chiều 17/7, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP HCM với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh về cơ chế chính sách mới tạo đột phá cho thành phố, ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cho biết, do tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố đã giảm từ 33% xuống còn 23% và trong năm nay thành phố thực hiện miễn, giảm và giãn nộp thuế cho doanh nghiệp nên tình hình vốn đầu tư phát triển thiếu hụt trầm trọng.

tp hcm


Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2012 lên đến gần 40.000 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn cân đối cho chi đầu tư phát triển chỉ có khoảng 15.000 tỷ đồng. "Dự báo trong các năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vốn tăng cao nhưng khả năng đáp ứng vốn lại thấp", ông Rê nói.

TP HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư ưu tiên xem xét, sớm trình Thủ tướng đưa 19 dự án trọng điểm về hạ tầng với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 13 tỷ USD vào danh mục các dự án được sử dụng nguồn ODA như tuyến đường sắt số 5 (đường Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), tuyết monorail số 2 (đường Nguyễn Văn Linh - Hầm Thủ Thiêm), nhà ga trung tâm Bến Thành...

Đồng thời, hỗ trợ thành phố tìm nguồn vốn và bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện 19 dự án giai đoạn 2012 - 2015 về y tế, giáo dục, chống ngập nước... với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Các dự án này gồm xây dựng 4 bệnh viện tại bốn cửa ngõ thành phố, xây dựng ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM, xây dựng đê bao bờ tả sông Sài Gòn...

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư chấp thuận cho thành phố tự quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cấp bách thuộc các lĩnh vực hạ tầng. Đồng thời, giao quyền quyết định cho nhà đầu tư và có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong trường hợp gặp rủi ro do yếu tố khách quan không lường trước. "Cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra, giám sát về khối lượng, quy mô, chất lượng công trình và tiến độ thực hiện", ông Rê nói.

Để có thể hoàn thành các mục tiêu trên trên, TP HCM đề xuất cơ chế chính sách mới tạo đột phá cho thành phố. Cụ thể, thành phố đề xuất thành lập Tổ công tác Liên bộ do Bộ Kế hoạch Đầu tư làm Tổ trưởng. Tổ trưởng sẽ có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan và UBND TP HCM nghiên cứu tìm các cơ chế mới có tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tiếp đó, thành phố đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa thành phố và Trung ương, bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, trước khi chưa tăng tỷ lệ điều tiết, hàng năm xem xét tăng nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho thành phố ở các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải thành phố đã được Chính phủ phê duyệt.

Thành phố đề xuất Bộ Kế hoạch Đầu tư phân cấp cho chính quyền thành phố được quản lý và tự chủ về tài chính, đất đai, nguồn nhân lực, hành chính... theo mô hình chính quyền đô thị. Tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho thành phố trong một số lĩnh vực như quản lý tài chính công, tăng hơn tính tự chủ cho thành phố về ngân sách, quy hoạch, nhân sự, thẩm quyền quyết định xử phạt hành chính...

Thành phố cũng muốn tăng thẩm quyền cho UBND khi quyết định việc cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, quyền quyết định giấy phép đầu tư...

Trước các kiến nghị và đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết sẽ đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết ngay từng vấn đề cụ thể mà TP HCM nêu ra và báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét.

Để có vốn xây dựng các công trình trọng điểm, ông Vinh đề nghị TP HCM huy động nguồn vốn trong nhân dân, kêu gọi nguồn vốn ngoài nhà nước vào đầu tư và phải đảm bảo đó là dự án "ngon" và dễ hoàn vốn. "TP HCM nên là nơi đi đầu trong việc mở toang cách cửa để chào mời nguồn vốn ngoài vốn ngoài nhà nước vào đầu tư, trong đó có đầu tư theo hình thức PPP (quan hệ đối tác công - tư, nhà nước và tư nhân cùng nhau làm)", ông Vinh nói.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, đầu tư theo hình thức PPP là một hướng đi mới nhưng không nên kỳ vọng vào nó quá. Vì theo ông, muốn thành công TP HCM phải làm theo nguyên tắc: Những gì mà tư nhân làm được và làm có hiệu quả thì thành phố nên dành lĩnh vực đó cho tư nhân đầu tư, còn không thì tư nhân cũng không muốn làm.

Do đó, ông Vinh cũng đề nghị, TP HCM xúc tiến ngay một vài dự án quan trọng để thử nghiệm đầu tư theo hình thức PPP. Nếu thành công sẽ nhân rộng ra các dự án quan trọng khác.

Xem thêm bài viết liên quan:
> Đề xuất đổi tên UBND thành Ủy ban Hành chính TPHCM
> 8 tỉnh, thành báo cáo về mô hình chính quyền đô thị
> Đà Nẵng sắp đoạn tuyệt với chính quyền nông thôn

(Theo VnExpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu