Sẽ thiếu trầm trọng quỹ nhà tái định cư (TĐC) phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án trong năm 2012 và các năm tiếp theo - đó là thông tin do Sở Xây dựng công bố tại hội nghị kiểm điểm về việc sử dụng quỹ nhà TĐC năm 2011 và cân đối quỹ nhà TĐC năm 2012 vừa được UBND TP Hà Nội tổ chức.
Hầu hết dự án đều chậm tiến độ
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay toàn TP đã hoàn thành 12.073 căn hộ TĐC. Trong số này, đã có 10.816 căn được đưa vào sử dụng, còn 1.257 căn đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý). Tuy nhiên, ngay cả số này cũng đã cơ bản được bố trí hết cho các dự án trọng điểm của TP. Cụ thể, đã bố trí 360 căn tại nhà CT14 Khu đô thị (KĐT) Nam Thăng Long cho dự án cầu Nhật Tân; 350 căn tại nhà B6A, B6C, A6 KĐT Nam Trung Yên cho dự án đường Văn Cao - Hồ Tây. Các căn hộ còn lại tại nhà A6, B6, B10 KĐT Nam Trung Yên được bố trí cho dự án đường Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái…
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, TP đang triển khai 52 dự án xây dựng nhà ở TĐC với khoảng 14.102 căn hộ. Trong đó, năm 2012, dự kiến hoàn thành 2.005 căn hộ. Giai đoạn 2013-2015, dự kiến hoàn thành 12.097 căn hộ. Ngoài ra, TP cũng đã đặt hàng mua nhà TĐC tại 13 dự án với tổng số 3.189 căn hộ. Theo cơ chế đặt hàng, dự kiến trong năm 2012 sẽ hoàn thành 606 căn hộ và giai đoạn 2013-2015 hoàn thành 2.583 căn hộ. Dù theo tiến độ phải bàn giao nhà cho TP trong các năm 2006-2007 nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành. Các đơn vị chủ đầu tư viện lý do chậm thanh toán vốn để kéo dài thời gian hoàn thiện và bàn giao nhà. Đặc biệt, một số chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà cho TP, như Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông với dự án xây dựng 133 căn hộ tại nhà 11 tầng lô NOTC tại thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm); dự án nhà chung cư cao tầng CT1 KĐT Cầu Diễn mở rộng dù đã được TP đặt hàng nhưng đến nay Công ty Xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới vẫn chưa triển khai. Ngoài ra, 29 dự án xây dựng nhà ở TĐC (7.447 căn hộ) theo cơ chế cho vay ủy thác qua Quỹ Đầu tư TP và 10 dự án (3.466 căn hộ) theo cơ chế cấp phát được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cấp đều đang chậm tiến độ. Ngay cả các dự án xây dựng nhà TĐC do UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư tiến độ cũng đang rất chậm, mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn. Tại quận Cầu Giấy, dự án N07 khu 5,3ha Dịch Vọng triển khai từ năm 2001 đến nay vẫn còn dở dang (đơn vị thi công đã xây thô đến tầng thứ 13 từ năm 2006, sau đó dừng lại không thực hiện tiếp). Hiện UBND quận Cầu Giấy đã có văn bản trình TP và các cơ quan chức năng cho phép chấm dứt hợp đồng, thay thế đơn vị thi công. Ba dự án khác tại quận này cũng đang ách tắc vì vấn đề vốn.
Cung ít, cầu nhiều
Tại hội nghị kiểm điểm về việc sử dụng quỹ nhà TĐC năm 2011 và cân đối quỹ nhà TĐC năm 2012 vừa được UBND TP Hà Nội tổ chức, đại diện nhiều quận, huyện, sở, ngành bày tỏ sự lo ngại các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ nghiêm trọng do ảnh hưởng từ sự thiếu quỹ nhà TĐC. Ước tính nhu cầu quỹ nhà TĐC của năm 2012 cho các dự án vào khoảng 6.500 căn. Cũng theo tổng hợp của Sở Xây dựng, một số dự án lớn đến nay vẫn chưa cân đối được quỹ nhà TĐC, gồm dự án đường Vành đai II đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng (cần khoảng 3.500 căn hộ); dự án đường Vành đai I đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái (còn thiếu khoảng 500 căn hộ); dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn - quận Tây Hồ (cần khoảng 900 căn hộ); dự án đường Tam Trinh - Lĩnh Nam (cần khoảng 900 căn hộ)… Với nhu cầu căn hộ lớn và cần sử dụng ngay như vậy, các dự án xây dựng nhà TĐC dự kiến hoàn thành trong năm 2012 sẽ không thể đáp ứng đủ. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị, TP cần áp dụng nhiều phương pháp TĐC nhằm đáp ứng đủ nhu cầu, như TĐC và tạm cư bằng tiền; mua quỹ nhà kinh doanh tại các KĐT mới; mua quỹ nhà của các nhà đầu tư dự án BT đã có hoặc giao nhà đầu tư dự án BT ứng vốn xây dựng nhà TĐC…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà TĐC, cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Các quận, huyện đều chờ tiền ngân sách của TP mới tập trung cho dự án xây dựng nhà TĐC. Do đó cần rà soát xem đơn vị nào mạnh để điều tiết
dự án, cân đối năng lực, nếu cần thiết thì thay chủ đầu tư. Cùng với việc kiểm tra, đôn đốc, các ngành cần tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tổng hợp các nguồn vốn đầu tư, mở rộng phương thức xã hội hóa trong việc tạo lập quỹ nhà TĐC, UBND TP yêu cầu các sở, ngành cân nhắc hai phương án. Một là, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhận dự án xây dựng nhà TĐC bằng vốn ứng trước, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Cùng với đó, các ngành khẩn trương xây dựng cơ chế chung hoặc cơ chế riêng cho từng dự án. Hai là, Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp đề xuất khung cơ chế để mua nhà TĐC của các chủ dự án thương mại và nguyên tắc tính giá, trong đó tính đến việc khấu trừ tỷ lệ tiền sử dụng đất, đầu tư hạ tầng… Nếu không chủ động, không chỉ các dự án của TP mà ngay cả các dự án trọng điểm của quốc gia trên địa bàn Thủ đô cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tiến độ.
(Theo Hà Nội Mới)