SearchNews

Hòa Bình 125 năm vinh quang một chặng đường

28/09/2011 22:31

Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh Hòa Bình chính thức diễn ra vào ngày 2/10.

Cách đây 125 năm, ngày 22/6/1886, tỉnh Hòa Bình được thành lập, lấy tên là tỉnh Mường gồm 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ. Tỉnh lỵ đặt tại Chợ Bờ (thuộc huyện Đà Bắc ngày nay). Đến ngày 5/9/1896 được chuyển về đóng tại làng Vĩnh Diệu, xã Hòa Bình, phía tả ngạn sông Đà (thuộc TPHB ngày nay). Từ đó, tên chính thức được gọi là tỉnh Hoà Bình.

Từ năm 1896, địa giới hành chính của tỉnh về cơ bản ổn định với 4 châu: Lương Sơn, Lạc Sơn, Kỳ Sơn và Mai Đà. Tháng 1/1953, châu Lạc Thủy cùng một số xã thuộc Nho Quan (Ninh Bình) được chuyển về tỉnh Hòa Bình. Sau 125 năm thành lập tỉnh, trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 10 huyện và 1 thành phố, 210 xã, phường, thị trấn với diện tích tự nhiên gần 4.600 km2; dân số gần 80 vạn người.

Là một tỉnh có bề dày lịch sử với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, có lịch sử hàng vạn năm. Mảnh đất Hòa Bình là nơi sinh sống của cộng đồng 7 dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa. Mỗi dân tộc có một nét riêng, từ phong tục, tập quán, nếp nghĩ, nếp làm ăn trong sinh hoạt hàng ngày, song lại có cái chung, đậm nét của nhân dân các dân tộc miền núi: cần cù lao động, nghị lực trong cuộc sống đầy khó khăn vất vả, đức tính thật thà, chân chất và giàu lòng nhân ái, mến khách, tình gắn bó keo sơn giữa những người cùng cộng đồng. Văn hoá Mường độc đáo có giá trị về khoa học, khảo cổ học, dân tộc học trong tiến trình lịch sử của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng bào Mường có lễ hội cồng chiêng, có trường ca “Đẻ đất, đẻ nước”... Đồng bào Thái có chữ viết riêng lâu đời với trường ca “Xống trụ xôn xao”... Tiếng sáo cùng các làn điệu dân ca Mông say đắm lòng người... Những nét riêng đó tạo cho cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Hòa Bình thêm phong phú, đa dạng về văn hóa của một tỉnh nhiều dân tộc, góp phần vào sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá Việt Nam. Đồng thời, Hoà Bình cũng là tỉnh có truyền thống kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, con em nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc; đã có nhiều tập thể và cá nhân được thưởng danh hiệu cao quý, 386 đơn vị quyết thắng, 3.323 chiến sĩ thi đua, 5.270 đồng chí hy sinh anh dũng, 2.090 đồng chí là thương binh, 1.332 đồng chí là bệnh binh...

Ghi nhận những công lao, đóng góp đó, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 61 tập thể và 10 cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng lao động, 64 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cùng với những thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trên mặt trận xây dựng CNXH trong giai đoạn 1954-1975, Hoà Bình xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, có điển hình trở thành lá cờ đầu của miền núi phía Bắc về thuỷ lợi như HTX Cặm Cõ (Kim Bôi), điển hình về giáo dục như xã Ngổ Luông (một xã vùng cao của huyện Tân Lạc), trường Thanh niên lao động XHCN Hoà Bình (điển hình về phương thức “vừa học, vừa làm”); điển hình về chăn nuôi của HTX Yên Trị (huyện Yên Thủy)... Đặc biệt, ngày 6/11/1979, công trình thuỷ điện trên sông Đà được khởi công xây dựng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hy sinh tài sản, ruộng vườn, đất đai, nơi đã gắn bó lâu dài của bao đời, di chuyển hàng nghìn hộ dân đến nơi ở mới dành đất cho xây dựng nhà máy, đã đóng góp không nhỏ về vật chất, tinh thần để xây dựng nhà máy đảm bảo an toàn, đúng tiến độ. Công trình thủy điện Hoà Bình là một công trình lớn nhất khu vực Đông Nam á, công trình thế kỷ trên sông Đà.

Từ khi tái lập tỉnh (10/1991), dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Kinh tế tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản; các ngành, các lĩnh vực sản xuất đều phát triển; kinh tế Nhà nước được củng cố, sắp xếp lại, kinh tế ngoài quốc doanh phát triển mạnh; thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, tạo đà và thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển, tăng nhanh năng lực sản xuất, góp phần tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thu NSNN năm sau cao hơn năm trước; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, hệ thống hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn và TPHB ngày càng được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, đến nay, 100% số xã có điện thoại, có đường ô tô và điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 95% số hộ được sử dụng điện; hệ thống các công trình thuỷ lợi đã chủ động nước tưới cho trên 80% diện tích sản xuất; 80% hộ dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; gần 70% số phòng học được xây dựng kiên cố; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 65,24% số trạm y tế xã có bác sỹ, đạt tỷ lệ 6,67 bác sỹ/ vạn dân.

Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến tích cực; công tác XĐ-GN tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể (theo tiêu chí mới còn 31,51%); giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh có tiến bộ, 100% hộ thương binh, gia đình liệt sỹ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của nhân dân cùng địa bàn cư trú. Sự nghiệp GD-ĐT tiếp tục phát triển, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng, trình độ dân trí được nâng lên; tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS năm 2003 và đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2005; công tác đào tạo nghề có chuyển biến tích cực; hoạt động văn hoá - thông tin phát triển đa dạng, góp phần tăng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật; phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh; báo chí, PT-TH không ngừng phát triển thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Chính trị ổn định, QP-AN được tăng cường, TTATXH được giữ vững. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc được duy trì và phát triển. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể được chú trọng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn; niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày càng được củng cố vững chắc.

Nhìn lại 125 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình có quyền tự hào trước sự phát triển của quê hương, từ chỗ người dân bị mất quyền tự do, đến nay được sống trong hòa bình, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Tuy nhiên, Hòa Bình vẫn là một tỉnh nghèo; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả SX-KD của các doanh nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu, trình độ công nghệ và trang thiết bị còn lạc hậu, kết quả giảm hộ nghèo chưa vững chắc, công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, TD-TT chưa mạnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra mục tiêu: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào SX-KD, từng bước xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, nâng cao chất lượng GD-DT, chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung thực hiện có hiệu quả CCHC, tích cực phòng - chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phấn đấu đến năm 2015, kinh tế tỉnh Hoà Bình cơ bản đạt mức phát triển trung bình của cả nước”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình hơn lúc nào hết phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ đi đôi với đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, tiếp tục xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH; tăng cường thu hút đầu tư đi đôi với điều chỉnh cơ cấu đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, các khu du lịch, vui chơi, giải trí...

Cùng với việc thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, phải chăm lo sự nghiệp GD&ĐT, nhằm nâng cao mặt bằng dân trí. Tích cực quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, coi trọng và BVMT sinh thái. Thực hiện tốt chính sách đền ơn - đáp nghĩa đối với những người có công với nước, khuyến khích các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên tất cả các địa bàn trong tỉnh. Thường xuyên chăm lo củng cố quốc phòng, giữ vững ANCT - TTATXH.

Hơn một thế kỷ qua, diện mạo, vóc dáng của tỉnh Hòa Bình đã không ngừng đổi thay. Bộ mặt thành thị, nông thôn từng bước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp khang trang, niềm vui thể hiện rõ trên nét mặt của mỗi người dân Hoà Bình ngày thêm rạng rỡ. Nhiều công trình mới đã mọc lên từng ngày, từng giờ... Kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hoà Bình, 20 năm ngày tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng, càng đoàn kết, đồng tâm, nhất trí thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà NQĐH XI của Đảng và NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Đưa tỉnh Hòa Bình bước sang thời kỳ phát triển toàn diện, cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên CNXH, xây dựng tỉnh Hoà Bình giàu đẹp, văn minh. Xứng đáng là cửa ngõ hội tụ, giao lưu văn hoá - kinh tế của vùng Tây Bắc và của thủ đô Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh và lễ hội văn hóa cồng chiêng được tổ chức trong các ngày từ 30/9 – 3/10 tại TP Hòa Bình với các sự kiện được lồng ghép, xen kẽ.

Trong ngày 30/9 và 1/10 diễn ra các sự kiện: dâng hương tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên công trình thủy điện Hòa Bình; hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng”; hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch; khai mạc triển lãm thành tựu KT-XH; trưng bày hiện vật bảo tàng; hội trại văn hóa ẩm thực.

Lễ khai mạc các sự kiện Lễ kỷ niệm và Lễ hội văn hóa cồng chiêng được chính thức tổ chức tại sân vận động tỉnh vào ngày 2/10.

Lễ bế mạc tổng kết, trao thưởng các hoạt động trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm và lễ hội được tổ chức tại Cung văn hóa tỉnh vào tối ngày 3/10. Đài Truyền hình Việt Nam sẽ truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm vào buổi sáng ngày 2/10 trên kênh VTV1 với thời lượng 1 giờ 30 phút và trên VTV5 vào buổi tối với thời lượng 2 giờ.

Song hành trong các ngày này là các sự kiện nổi bật: diễu hành cồng chiêng đường phố; liên hoan trình tấu cồng chiêng của các đoàn trong tỉnh và đoàn tỉnh bạn tại tiền sảnh Cung văn hóa tỉnh; hội thi trang phục dân tộc và tổ chức bắn pháo hoa tại cầu Hòa Bình.

(Theo báo Hòa Bình)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu