Theo kế hoạch bảo tồn và nâng cấp, khu phố cổ Chợ Lớn có diện tích là 68ha. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã chọn ra 3 khu vực với tổng diện tích 13,88ha để nghiên cứu chuyên sâu và thí điểm hình thành khu phố cổ Chợ Lớn.
Khu vực 1 rộng 4,2ha, được bao quanh bởi các đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - kênh Hàng Bàng - Bãi Sậy - kênh Hàng Bàng - Trần Bình; Khu vực 2 rộng 4,6ha, được bao quanh bởi các đường Phù Đổng Thiên Vương - Nguyễn Trãi - Lương Nhữ Học - Trần Hưng Đạo; Khu vực 3 rộng 5,2ha, được bao quanh bởi các đường Hải Thượng Lãn Ông - Vạn Kiếp - Đại lộ Võ Văn Kiệt.
Tại 3 khu vực này sẽ không chấp nhận cho xây bổ sung tầng, diện tích nhà ở, công trình đô thị, tháo gỡ tất cả các cáp hệ thống trên cao và các bảng quảng cáo dịch vụ gây ảnh hưởng mỹ quan.
Song song đó, giảm lưu lượng xe lưu thông trên đường Triệu Quang Phục, đồng thời chuyển đường Nguyễn Án, Phú Định thành đường đi bộ. Tổ chức các bãi giữ xe tại khu vực 3 và nâng cấp mặt đường cho người đi bộ.
Đặc biệt, tăng diện tích không gian công cộng, nâng cấp quảng trường phía trước chợ Bình Tây; phục hồi hệ thống kênh Hàng Bàng đang bị ô nhiễm bằng cách nạo vét, cải tạo nguồn nước.
Tại khu vực 2, sẽ bảo tồn các di sản văn hóa như: chùa Tam Sơn, đình Minh Hương, hội quán Phú Nghĩa... và phát huy truyền thống lễ hội mang tính đặc trưng riêng của khu vực Chợ Lớn như: Tết Trung Thu, Tết Nguyên Tiêu, lễ chùa Thiên Hậu, Quan Âm... nhằm mục đích thu hút khách du lịch.
Dự án sẽ được triển khai ngay sau khi lấy ý kiến đồng thuận của người dân đang sống trong khu vực nói trên.
Được biết, Chợ Lớn thuộc khu làng Minh Hương, thành lập vào năm 1686. Khu vực trung tâm gồm chợ Bình Tây và các tuyến đường xung quanh như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học.
Đây là nơi giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa của người Việt. Ngoài tiềm năng du lịch, hoạt động kinh tế, thương mại dịch vụ khá mạnh mẽ, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Tuy nhiên, các di sản văn hóa, công trình kiến trúc cổ, các căn nhà phố lịch sử chưa được sử dụng đúng mức. Mật độ giao thông cao, hỗn loạn, thiếu chỗ đậu xe, lấn chiếm vỉa hè, hình ảnh mặt tiền bị xuống cấp trầm trọng.
Thành lập khu phố cổ Chợ Lớn giúp giữ gìn, cải tạo các di sản văn hóa, văn hóa lễ hội truyền thống và phát triển tiềm năng du lịch vốn có.
(Theo Infonet)