Hơn 1.800 công trình nhà đất, kho bãi, mặt bằng sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP HCM đang bị bỏ hoang hoặc cho thuê kiếm tiền và thất thoát. Riêng với cho thuê công sản, chắc chắn số tiền thu được không vào nguồn thu ngân sách mà đi vào túi các đơn vị được giao quản lý.
Trong 72 địa chỉ công sản bị đề xuất thu hồi có 22 địa chỉ đã bị bỏ hoang hàng chục năm trời. Những bất động sản này đều có giá trị lớn, diện tích mặt bằng có khi lên đến hơn 5.000 m2.
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn được giao quản lý và sử dụng mặt bằng 5.056 m2 tại 412/12 Trần Xuân Soạn, quận 7, từ nhiều năm nay. Đây là mặt bằng lý tưởng, một mặt giáp với rạch Ông Lớn, một mặt tiếp giáp đường Trần Xuân Soạn.
Thêm vào đó, mặt bằng tọa lạc tại vị trí vào loại đắc địa nhất của khu vực, trung tâm trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy khiến hệ thống kho bãi khu vực này hoạt động hết sức tấp nập, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.
Vì vậy giá cho thuê kho bãi ở đây cũng thuộc vào hàng "top" của thành phố. Trong khi đó, Tổng công ty được giao quản lý sử dụng mặt bằng này lại sử dụng theo kiểu "không giống ai" là bỏ hoang. Người dân sống tại khu vực tiếp giáp giữa quận 7 và quận 8 trên đường Trần Xuân Soạn, mỗi khi đi qua cầu Rạch Ông đều chép miệng tiếc rẻ trước cảnh một mặt bằng rộng mênh mông bị bỏ hoang phế.
Công ty lương thực TP HCM cũng có đến 4 mặt bằng: 270 - 277 Trần Văn Kiểu, phường 3; 180 Trần Văn Kiểu, phường 1; 822 Hậu Giang, 1025 Hồng Bàng phường 12. Tất cả đều đóng cửa bỏ hoang. Đây là hệ thống cửa hàng phân phối lương thực của công ty trong thời bao cấp, bị bỏ hoang từ những năm 1990.
Danh mục các công sản bị bỏ hoang phế còn có tên hàng loạt công ty nhà nước như Xí nghiệp sơn chất dẻo (nay là Công ty cổ phần sơn chất dẻo) có 2 mặt bằng số 71 và 743/19 Hồng Bàng, phường 6, quận 6. Công ty dệt Sài Gòn; Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn... đều có mặt bằng từ vài trăm, thậm chí vài nghìn mét vuông, đều tọa lạc tại các vị trí đắc địa, tấc đất tấc vàng nhưng bị bỏ phí, cơ sở hạ tầng, nhà cửa kho bãi không được duy tu bảo quản đang bị xuống cấp trầm trọng cùng năm tháng.
Công sản thành quán cà phê, phòng trọ
Ngược lại với tình trạng bỏ hoang, một số lượng lớn công sản được tận thu khả năng sinh lợi từ việc cho thuê mặt bằng. Vì vậy, có tình trạng công sản biến thành quán nhậu, cà phê, nhà trọ, tụ điểm vui chơi, phân lô xây nhà...
Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường TP vừa hoàn tất thanh tra việc sử dụng đất của Công ty dược phẩm Trung ương 2. Công ty này được thành phố cho thuê 59.000 m2 đất tại 136 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10. Trong đó, đất xây dựng công trình như trụ sở làm việc, kho bãi... là 30.000 m2.
Theo đoàn thanh tra, Dược phẩm TW 2 xây một dãy gồm 35 ki ốt, trong đó chỉ sử dụng 5 ki ốt, còn lại 30 đem cho thuê. Với hệ thống kho bên trong, công ty này cũng cắt ra 3.800 m2 cho thuê. Tại hệ thống kho bị đem cho thuê, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã nhiều lần phát hiện có chứa hàng lậu, hàng cấm lưu thông.
Theo nhận định của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố, Dược phẩm TW 2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đem cho thuê là vi phạm pháp luật. Hiện Sở đã buộc công ty chấm dứt cho thuê kho bãi và mặt bằng, đồng thời kiến nghị làm rõ số tiền thu được từ cho thuê kho bãi và mặt bằng, thu hồi 10.000 m2 để giao quận 10 xây dựng trường học.
Tổng công ty Lâm nghiệp có mặt bằng rộng 3.000 m2 tại số 575 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, công ty này đã đem toàn bộ mặt bằng cho Công ty TNHH Ánh Kim thuê. Công ty Ánh Kim tiếp tục cho Công ty TNHH Liên Diệp thuê lại 1.600 m2. Phần còn lại, Ánh Kim kinh doanh cà phê, bia và xây phòng trọ.
Bà Trần Thị Kim Phượng, Chủ tịch UBND phường 12, cho biết: năm 2004, trong khu vực phòng trọ, tình hình phức tạp, công nhân, sinh viên đánh nhau gây náo loạn. UBND phường đã 4 lần mời Công ty Ánh Kim lên làm việc và có báo cáo về quận.
Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn được giao sử dụng mặt bằng gần 5.000 m2 tại số 152 Nguyễn Văn Luông, phường 10, quận 6. Mặt bằng này được cắt ra 2.400 m2 cho tư nhân thuê kinh doanh bãi đậu xe.
"Hô biến" thành tài sản tư nhân và thất thoát
Hiện dưới quyền quản lý của Công ty kho bãi thành phố có 97 điểm với diện tích 190.000 m2, nhưng có đến 18 kho bãi bị chiếm dụng.
Hết hợp đồng cho thuê kho 552 Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ năm 1991, quận Bình Thạnh giao toàn bộ mặt bằng kho cho Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà quận Bình Thạnh. Đến nay, toàn bộ mặt bằng này đã bị xí nghiệp này phân lô và xây thành 24 căn nhà, chuyển quyền sở hữu cho người mua. Kho 555 cũng được UBND quận Bình Thạnh biến thành 10 căn nhà một trệt 3 lầu.
Tại quận 5, kho 88 Gò Công đã bị Công ty vật tư tổng hợp thành phố bố trí cho 6 cán bộ nhân viên vào ở. Cũng chính công ty này biến kho 176/11 Hậu Giang, quận 6, và kho 958 Lò Gốm thành nhà ở của nhân viên. Ngoài ra, 4 kho bãi khác cũng bị đối tượng thuê quỵt tiền thuê trong nhiều năm.
Mới đây nhất, Trung tâm Thu hồi và khai thác quỹ đất thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường, đã phát hiện một công sản diện tích gần 16.000 m2 tại số 2/2 Hoàng Hữu Nam, quận 9, bị để ngoài sổ sách. Năm 1990, mặt bằng này được chính quyền địa phương cho Công ty lâm nghiệp Sài Gòn thuê. Mặt bằng được sang tay cho thuê qua nhiều người, dù đã có đề xuất thu hồi từ năm 2004, đến nay, công sản này vẫn chưa được thu hồi.
(Theo Lao Động)