Từ chỗ tiêu thụ 50 - 70 cân cốm mỗi ngày, một hộ làm cốm làng Vòng giờ bán chỉ vài ba cân cũng khó sau khi đặc sản của làng dính tin đồn nhuộm phẩm màu độc hại. Người làng chán nản vì hàng ế, tính chuyện bỏ nghề.
Những ngày gần đây, khách từng ghé thăm làng cốm Vòng (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy không khí khác hẳn những mùa cốm năm trước. Không còn cảnh khách buôn đến chen chúc xếp hàng trong con ngõ dài và hẹp. Tiếng máy móc, tiếng xe máy ngược xuôi đi giao hàng đã vãn hẳn. Những người dân làm cốm làng Vòng thay vì luôn tay làm lụng thì tụ tập than ngắn thở dài cho qua ngày, thúng nia chồng chất ngoài bậu cửa.
Cô Minh, một trong 9 hộ gia đình cuối cùng còn bám trụ với nghề cốm ở làng này than thở khi đang ngồi uống nước trà trước hiên: "Nhớ những năm trước, cứ đến mùa là nhà tôi bán không nghỉ tay. Có người phải đặt hẹn, mấy hôm mới lấy được hàng mà vẫn vui vẻ. Tôi đi giao cho khách từ sáng đến tối không kịp ăn cơm. Thế mà bây giờ, ngồi không cả ngày".
Gia đình ông Nguyễn Văn Sáng, một trong những hộ làm cốm chủ lực của làng Vòng cũng bị thất thu nặng nề sau "xì căng đan" về phẩm màu độc hại. Thời điểm này năm ngoái, gia đình ông bán 50 cân cốm mỗi ngày, có lúc cao điểm lên tới 70 cân. Còn hôm qua là ngày đắt khách nhất trong cả mấy tuần vừa rồi, ông cũng chỉ bán chưa đầy 6 cân. Cốm làm ra không bán được, nhà ông đem xào lên, đúc thành bánh, phần thì ăn thay cơm, phần đem biếu họ hàng, chòm xóm.
Không chỉ nhà cô Minh, ông Sáng, làng có 9 hộ làm cốm thì hơn nửa trong số đó cũng nghỉ dài nửa tháng nay vì hàng làm ra mà không tiêu thụ được. Giá cốm ngon trước đây cũng phải 250.000 đồng mỗi cân, giờ giảm xuống 200.000 đồng vẫn khó bán. Trong khi giá lúa nhập cũng đã gần bằng số tiền đó.
Việc ế ẩm ngay giữa mùa cốm đã làm ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình. Chị Thìn, con dâu ông Sáng chia sẻ nhà có 3 đứa con, học hành, ăn uống, sinh hoạt đều từ hạt cốm mà ra. "Giờ cả nhà ngồi chơi dài mãi rồi cũng hết tiền, rồi mai kia lấy đâu cho con đóng học", chị vừa ôm đứa con út mới 3 tháng tuổi vừa thở than.
Trước đây, nhà nào làm cốm cũng tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya. Bây giờ khách không có, người làng bỏ không làm nữa, "nhàn cư vi bất thiện" lại sinh ra cờ bạc, tệ nạn, anh Đức Tiến, một người dân làng Vòng chia sẻ.
Đau đáu với cốm hơn nửa thế kỷ nay, ông Sáng cho biết nghề này vốn lấy công làm lãi và chỉ truyền cho con trai. Trải qua bao nhiêu biến cố, từ chỗ cả làng làm cốm, đến giờ chỉ còn 9 nhà. Lần này, thông tin cốm làng Vòng có phẩm màu, hóa chất độc hại một lần nữa như ngõ cụt chắn lối giữ nghề. Khi khách không có, người làng vì miếng cơm mang áo buộc phải nghĩ đến chuyện chuyển nghề, tính kế sinh nhai.
Nhà có chút vốn thì xây chồng thêm tầng để làm phòng cho sinh viên thuê, người nào không có vốn, lại không có bằng cấp gì thì đi làm phụ hồ. Các bà các cô thì than ngắn thở dài vì chưa biết chọn nghề gì cho phù hợp.
"Xây nhà cho thuê, rồi đi phụ hồ cũng sống được qua ngày thôi, nhưng rồi cốm Hà Nội sẽ chỉ còn là tiếng vang, đời này không làm thì đời sau lấy gì mà kế tục. Tôi chỉ e đến một ngày cốm làng Vòng sẽ chỉ còn là địa danh gợi nhớ về một loại đặc sản xưa cũ, rồi Hà Nội sẽ mất một nét văn hóa đặc trưng từ bao đời", ông Sáng giãi bày.
Với lo ngại đó nên hiện nay, dù mỗi ngày dù chỉ bán bằng một phần mười mọi năm, gia đình ông Sáng vẫn quyết bám trụ lấy nghề. Ông hy vọng sang vụ sau, mọi người sẽ không quay lưng lại với cốm, rồi nghề cốm sẽ được khôi phục.
Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao trước tin cốm làng Vòng, một đặc sản lâu đời của đất Hà Thành chứa hóa chất nhuộm màu độc hại. Không chỉ là lời đồn, theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, hai mẫu cốm lấy từ hai hộ sản xuất ở làng này chứa Malachite Green, một hóa chất độc hại từ lâu đã bị cấm sử dụng.
Thông thường, người ta thường dùng lá dong riềng hay lá lúa non rửa sạch, giã nát, đun sôi, lấy nước cô lại thành chất nhuộm màu tự nhiên, đem lại cho cốm màu xanh nhạt bắt mắt. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra trên đã cho thấy một số người đã chuyển sang dùng phẩm màu để tiết kiệm thời gian, công sức.
|
(Theo Vnexpress)