SearchNews

Long đong tìm nhà trọ

12/09/2006 15:11

Đến hẹn lại lên, khi sinh viên từ các tỉnh thành nhập học cũng là lúc giá nhà trọ ở Hà Nội đồng loạt tăng. Chấp nhận giá nhà cao nhưng không phải sinh viên nào cũng tìm được căn phòng ưng ý.

Đến hẹn lại lên, khi sinh viên từ các tỉnh thành nhập học cũng là lúc giá nhà trọ ở Hà Nội đồng loạt tăng. Chấp nhận giá nhà cao nhưng không phải sinh viên nào cũng tìm được căn phòng ưng ý.  

Thanh Thảo, quê Hưng Yên, dành 4 ngày đi tìm nhà, nhưng vẫn chưa tìm được căn phòng nào ưng ý. "Phòng vừa túi tiền thì điều kiện không tốt, còn phòng nào ưng ý thì giá lại quá cao", cô than thở. Phòng ưng ý theo Thảo là rộng 12-14 m2, nhà tầng và có công trình phụ riêng. Thảo cho biết, những phòng như vậy, chủ nhà đều "hét" 600 -700 nghìn đồng. Mức giá như vậy, theo Thảo, là quá cao với đại đa số sinh viên.

Một phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con lên nhập học ngán ngẩm nhìn những dãy nhà trọ cấp 4 cao 3 m, rộng chưa đầy 10 m2, chỉ có khoảng sân nhỏ trước sân vừa để phơi quần áo, vừa là nơi nấu nướng. "Vậy mà họ đòi 350 nghìn đồng một phòng đấy", vị phụ huynh này lắc đầu.  

Theo nhiều sinh viên, từ đầu năm đến nay, giá nhà trọ tăng nhanh so với trước. Một căn phòng 10 m2 nhà dãy cấp 4, dùng chung khu vệ sinh trước đây có giá 250 nghìn đồng, nhưng hiện nay chủ nhà ra giá 350-400 nghìn đồng.  

Theo một chủ nhà trọ gần Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, phòng trọ 12-15 m2 nhà tầng trước đây giá chỉ 400 -500 đồng, nay không thể thuê dưới 600 nghìn đồng. "Giá cả sinh hoạt tăng, các chủ nhà trọ khác tăng giá thì tôi cũng nâng giá nhà theo thôi", chủ nhà trọ này giải thích.

"Cò" nhà trọ nhan nhản

Dịp đầu năm học khi sinh viên nhập trường cũng là dịp các "cò" nhà trọ mọc nên nhan nhản. Dịch vụ ăn theo này phổ biến ở những khu vực quanh các trường có nhiều sinh viên ở trọ như phường Dịch Vọng, đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân), đường Láng và hoạt động theo thời vụ - chủ yếu dịp sinh viên tựu trường.

Bước vào một hàng môi giới tại làng Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, khách hàng được yêu cầu chi 50 nghìn đồng phí dịch vụ với lời hứa được dẫn đi tìm bằng được nhà ưng ý. Nếu ưng nhà được giới thiệu, khách hàng sẽ phải trả thêm 10-15% tiền trọ tháng đầu tiên cho "cò"; nếu không ưng, cũng không được nhận lại khoản lệ phí.

Tuấn Anh, sinh viên Đại học Thương Mại, tỏ ra thất vọng sau một buổi chiều cùng "cò" đi xem nhà. "Họ dẫn đến toàn nhà ở xa, phải len lỏi vào ngõ, nhà thì cũ kỹ, chật chội. Thôi đành bỏ đi số lệ phí vậy", cậu thở dài.  

Một "cò" nhà trọ kiêm chủ quán nước cho biết, mỗi ngày dịp đầu năm học giới thiệu được 3-4 phòng trọ. "Những người có cửa hàng môi giới kiếm được hơn tôi nhiều", bà chủ quán nước này nhận định.  

Nhà trường "bó tay"  

Lại Thanh Vân, sinh viên năm cuối Đại học Bách Khoa Hà Nội, có "thâm niên" ở trọ 4 năm, cho biết, cô muốn ở ký túc xá nhưng không đủ tiêu chuẩn. Chỉ những sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa mới được xét ở nội trú, còn lại phải tự túc chỗ ở.

Đại diện Ban quản lý ký túc xá ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc Gia Hà Nội, cho biết, toàn bộ khu nội trú của trường có thể cung cấp 2.000 chỗ ở, đáp ứng gần 50% nhu cầu của sinh viên. Trường cũng không thể mở rộng ký túc xá hơn nữa vì đã hết quỹ đất.

Tuy nhiên, theo vị đại diện này, ĐH Ngoại Ngữ vẫn đáp ứng được tương đối nhiều nhu cầu nhà ở sinh viên vì các trường khác chỉ đáp ứng khoảng 20%.

Ông Bùi Đức Minh, thuộc Thành Đoàn Hà Nội, cho biết, Thành Đoàn đã lên kế hoạch cùng các trường lập những đội sinh viên tình nguyện cung cấp địa chỉ nhà trọ giá rẻ cho sinh viên. Tuy nhiên, theo ông Minh, chương trình này không kịp khởi động trong năm nay.

 Ngọc Châu

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu