Ở một địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng như Quảng Ninh thì nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập thấp rất lớn. Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, những đối tượng này hiện rất khó để có đủ kinh phí mua căn hộ, đặc biệt là căn hộ ở các thành phố lớn như: Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí.
Vẫn chỉ là kết quả bước đầu
TP Hạ Long là một trong những địa phương tích cực triển khai các dự án cải tạo chung cư cao tầng và xây dựng những dự án về nhà ở cho người có thu nhập thấp sử dụng. Theo đó, thời gian qua thành phố đã tiến hành điều tra hiện trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý chất lượng nhà ở tại các khu chung cư cũ; thành lập và hoàn chỉnh quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cải tạo nhà chung cư trên địa bàn; đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư, đảm bảo khởi công cải tạo theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch di dời các hộ dân đang cư trú tại chung cư 5 tầng Cột 8 (phường Hồng Hà); đề xuất phương án xử lý đối với các khu tập thể không đủ điều kiện bán nhà theo Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ.
Ngoài ra, trong năm 2011, TP Hạ Long còn được UBND tỉnh tạo điều kiện về quỹ đất cho đơn vị đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường Hà Khánh. Dự án này được UBND tỉnh giao cho Công ty CP Xây dựng Tân Thành làm đơn vị nghiên cứu quy hoạch, hoàn thành đồ án quy hoạch. Theo quy hoạch của Công ty, dự án bao gồm: khu nhà ở chung cư, các nhóm nhà ở và các công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, giao thông nội bộ… đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khớp nối với các khu dân cư hiện có nhằm phục vụ nhu cầu ở của nhân dân đặc biệt là người có nhu nhập thấp. Quy mô dân số dự kiến khoảng từ 1.800 – 2.200 người trong đó có khoảng 1.000 – 1.200 người nhà ở liên kế, 800 – 1.000 người ở căn hộ chung cư. Đây là dự án được rất nhiều người dân mong chờ.
Tuy nhiên, những chuyển động của TP Hạ Long cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh hướng tới đối tượng người có thu nhập thấp hiện nay căn bản vẫn chỉ là kết quả bước đầu. Thực tế việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ hiện nay vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được sự mong mỏi và nguyện vọng của người dân.
Đợi chờ những khởi động tích cực
Ở trên địa bàn tỉnh, ngoài công nhân ngành Than được xây dựng nhà ở thì hiếm có đơn vị nào mạnh dạn triển khai dự án hạ tầng cho công nhân của mình. Rõ ràng, nguồn cung thì ít mà nhu cầu thì nhiều. Để có được một căn hộ, người có thu nhập thấp trên địa bàn hiện nay sẽ phải mua với giá của người có thu nhập khá, thậm chí là thu nhập cao. Một căn hộ vào loại trung bình ở các khu vực dân cư hiện nay có giá giao dịch khoảng từ 1 - 1,5 tỷ đồng, trong khi đó thu nhập bình quân của một lao động có nghề, có thu nhập ổn định khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm. Như vậy, chênh lệch giữa giá trị BĐS với thu nhập bình quân xã hội khoảng 28 - 30 lần. Mức chênh lệch này vượt khỏi giới hạn đầu tư an toàn đối với BĐS nhà ở. Đây là thực trạng của thị trường BĐS cả nước, trong đó có Quảng Ninh. Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS thì nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ nguồn cung BĐS cao cấp hiện nay quá lớn, nhưng đối tượng không nhiều, dẫn đến khủng hoảng thừa các BĐS cao cấp trong thời gian dài. Trong khi thị trường BĐS thiếu hẳn phân khúc nhà ở dành cho những người thu nhập thấp.
Để thực hiện các mục tiêu chiến lược về nhà ở, đòi hỏi nỗ lực cao của các ngành, các cấp. Thiết nghĩ, nếu giải quyết thấu đáo được vấn đề cân bằng giữa giá căn hộ bất động sản với nhu cầu thực tế của người có thu nhập thấp, sẽ là một điều kiện rất tốt để đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cũng sẽ giúp cho thị trường bất động sản Quảng Ninh phát triển thuận lợi hơn trong thời gian tới.
(Theo Baoquangninh)