SearchNews

Nhà B6 vẫn chưa có chủ đầu tư

11/01/2007 08:56

Trong khi việc lập dự án cải tạo nhà B6, Giảng Võ, Hà Nội dai dẳng 3 năm chưa kết thúc, người dân vẫn phải sống khu nhà đã xuống cấp đến mức D - mức nguy hiểm nhất. Người dân đột ngột được yêu cầu di dời trong khi chủ đầu tư vẫn chưa được xác định.

Trong khi việc lập dự án cải tạo nhà B6, Giảng Võ, Hà Nội dai dẳng 3 năm chưa kết thúc, người dân vẫn phải sống khu nhà đã xuống cấp đến mức D - mức nguy hiểm nhất. Người dân đột ngột được yêu cầu di dời trong khi chủ đầu tư vẫn chưa được xác định.

Chủ trương di dời dân ra khỏi nhà B6 không có gì mới. Hàng chục năm qua, nhà B6 đã xuống cấp, được đánh giá là nguy hiểm cần di dời để bảo đảm an toàn cho cư dân. Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, nhà B6 Giảng Võ là nhà chung cư 5 tầng lắp ghép tấm lớn, sử dụng từ năm 1970.

Vào những năm 1990, công trình đã được xử lý, gia cố nhiều lần nhưng tình trạng xuống cấp vẫn tiếp diễn. Viện kỹ thuật xây dựng (Sở Xây dựng), Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, B6 là nhà nguy hiểm cấp D (mức cao nhất). Từ năm 1994, đến nay, người dân đã nhiều lần đề nghị cho xây dựng lại nhà B6.

Tháng 7/2004, UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty ICT lập dự án đầu tư xây dựng lại nhà B6. Theo đó, trong thời hạn 6 tháng, Công ty phải lập xong dự án để Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP phê duyệt. Đồng thời, thành phố yêu cầu, nếu quá thời hạn 6 tháng mà dự án không được chấp thuận, sẽ giao cho đơn vị khác thực hiện.

Khi triển khai lập đề án xây dựng lại nhà B6, ICT phải tiến hành lập phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dân. Tuy nhiên, gần 3 năm qua, Công ty ICT chưa hoàn thành việc lập dự án, còn người dân B6 thì phải sống trong mối nguy hiểm cận kề. Ngay từ khi điều tra, lập dự án, ICT đã bị các hộ dân phản đối gay gắt vì cách làm việc thiếu tin cậy của Cong ty này.

Ông Nguyễn Văn Long, 75 tuổi, ở P209 tầng 2, nhà B6, cho biết, người dân không tin vào năng lực của ICT. “Công ty không có chứng chỉ hành nghề, chưa có sản phẩm xây dựng nào. Trong khi đó, ICT lại đưa cho chúng tôi đồ án, mẫu thiết kế nhà B6 mới không đúng theo quy chế của Bộ Xây dựng, không có dấu của các cơ quan chuyên môn là Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng”, ông Long cho biết.

Vấn đề năng lực tài chính của ICT cũng không rõ ràng. “Lúc đầu họ nói có 3 tỷ đồng, sau đó nói có 6 tỷ đồng và gần đây họ bảo họ có thể vay được hàng trăm tỷ đồng. Tiền hậu bất nhất, dân làm sao tin được”, ông Long cho biết thêm.

Ông Đinh Phú Lân, Phó Giám đốc ICT thừa nhận: “Chúng tôi chỉ biết lập dự án, không phải là chủ đầu tư. Còn ai đầu tư, triển khai thế nào là việc của thành phố”. Cũng theo ông Lân, ICT không nhất thiết phải trực tiếp thực hiện dự án. “Chúng tôi có thể thuê các công ty khác nếu được giao làm chủ đầu tư”, ông Lân cho biết.

Vì sao không đấu thầu dự án?

Nguyên nhân chậm trễ dự án cải tạo nhà B6, theo ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, là: “Các phương án về đền bù, tái định cư do Cty ICT lập có quá nhiều thay đổi. Phương án hiện nay công ty này không hoàn toàn được người dân đồng tình, nhất là các hộ tầng 1”.

Theo ông Thông, trong khi phải thực hiện nhiệm vụ bức thiết là di dời dân khỏi nhà B6 đang ở tình trạng nguy hiểm, thì đến nay, phương án GPMB, di dời dân vẫn chỉ là dự thảo chưa được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo ông Thông, quận sẽ thực hiện công văn của thành phố một cách thận trọng, đảm bảo quyền lợi, an toàn cho dân. “Hiện chúng tôi chưa thể nói sẽ thực hiện việc di dời dân ra khỏi nhà B6 như thế nào. Trước mắt, cần tạo sự đồng thuận trong dân. Sáng 11/1, quận sẽ họp các ngành và Công ty ICT để thống nhất cơ chế, chính sách cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân tầng 1”, ông Thông nhấn mạnh.

Nhiều hộ dân nhà B6 cho rằng, việc giao cho ICT lập dự án thực chất là việc chỉ định thầu. B6 là nhà thuộc sở hữu của dân, không phải của thành phố (gần 100% số hộ dân đã có “sổ đỏ”). Vì vậy, theo người dân, họ phải được lựa chọn chủ đầu tư.

Chưa có chủ đầu tư, chưa có phương án được duyệt nhưng lại dân được yêu cầu phải di dời ngay. “Chúng tôi không muốn ra đi tay trắng và không biết mình sẽ trở về ra sao. Chẳng ai dám đánh cược với cách làm tùy tiện như vậy”, một người dân cho biết.

(Theo Tiền Phong)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu