Vỉa hè trên một số tuyến phố Hà Nội không còn dành cho người đi bộ mà đang trở thành nơi để xe, thành địa điểm kinh doanh của cá nhân và nhiều tổ chức. Xe cộ, hàng hóa dồn người đi bộ xuống lòng đường và hậu quả là không ít người gặp tai họa.
Một trong những phố có vỉa hè được tận dụng nhiều nhất là Phùng Hưng. Từ sáng đến chiều, vỉa hè phố này bị các hàng kinh doanh điện máy chiếm dụng. Vỉa hè được phân chia làm 3 phần khá rõ, một phần dành cho hàng hóa, nào quạt nóng, quạt lạnh, nào bóng đèn, đèn cây được bày ra chiếm đến hơn một nửa chiều rộng vỉa hè, tiếp đến là lối đi các hộ kinh doanh dành cho người đi bộ rộng khoảng 20 cm, tiếp đến nữa hàng xe máy dựng lố nhố, cái thòi ra, cái thụt vào trông vô cùng mất mỹ quan.
Phần vỉa hè dành cho người đi bộ bé nhỏ khiêm tốn đến mức một người to béo đi vào chắc phải nghiêng người vẫn chưa làm các hộ kinh doanh ở đây hài lòng. Chưa hết, người ta còn kéo ghế ra ngồi chễm chệ ngay trên phần vỉa hè khiêm tốn đó. Người đi bộ đi đến đó chỉ còn cách là vòng lại, đi xuống lòng đường.
Ngay khi các cửa hàng điện máy “tha” cho cái vỉa hè khốn khổ thì đến lượt các hộ kinh doanh lẩu. Mùa hè còn có thể chấp nhận được nhưng đến mùa đông, vỉa hè không còn chỗ để lách chứ đừng nói đến chuyện đi. Từ khoảng 18h đến 1-2h sáng hôm sau, cửa hàng lẩu tha hồ bành trướng, bất chấp quy định nghỉ kinh doanh lúc 11h. Thế là suốt 7-8 tiếng đồng hồ vỉa hè lôi thôi, nhếch nhác, bẩn thỉu, bừa bộn với nào bát đũa bẩn, thùng nước gạo, giấy ăn.
Tình trạng chung của vỉa hè Hà Nội hiện nay là bị chiếm dụng và tận dụng hết mức cho công việc kinh doanh của nhiều cá nhân và tổ chức. Nhiều đoạn vỉa hè thậm chí được các phường cho phép quây lại để trông giữ xe đạp, xe máy thu tiền. Mục đích của vỉa hè đã bị lãng quên, người đi bộ bị bỏ rơi và hậu quả là những vụ tai nạn giao thông do người đi bộ va chạm với phương tiện giao thông xảy ra ngày một nhiều.
Kinh doanh vỉa hè là nét đẹp?
Đã nhiều lần và nhiều nơi, các cán bộ công an phường cương quyết tịch thu bàn ghế, xoong nồi của các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, trên thực tế thì “họ chỉ làm theo đợt, như APEC hay dịp Quốc khánh chẳng hạn”, một chị bán hàng cho biết. Cách quản lý thường gặp nhất ở các phố có vỉa hè bị lấn chiếm là gọi loa. Đêm đêm, khoảng 11h, chiếc ô tô của công an phường bắt đầu đi dọc các phố cùng với một chiếc loa: “Đề nghị nhà số 175 dọn hàng”, “Này này, nhà 83 cho khách nghỉ đi”, “Tôi nhắc nhà 55 có dọn ngay đi không?”.
Chẳng ai bảo ai tất cả đèn đóm tắt phụt, thực khách cứ thế mò mẫm trong bóng tối đến lúc xe công an đi qua và ánh sáng “văn minh” quay trở lại. Thế nhưng chỉ khoảng 10 phút sau, đèn lại tắt phụt vì “công an”. Các ông bà chủ cười: “Kinh doanh vỉa hè là thế mà”.
Khi quyết định của thành phố cho phép các hộ kinh doanh được mở hàng đến 12h đêm, tất cả các hộ đều hồ hởi. Vỉa hè ra tiền là vậy. Không ít cán bộ quản lý cũng cho rằng phố ăn đêm là một nét đẹp của thành phố nhưng so với thực tế những vỉa hè nhếch nhác, bẩn thỉu thì liệu nét đẹp “ăn đêm” phải đẹp đến mức nào mới đủ để người ta không phản cảm với kinh doanh vỉa hè kiểu mất vệ sinh như hiện nay.
(Theo GTVT)