SearchNews

Nhà tư cũng bị rút ruột

24/05/2006 12:31

Một nhà thầu đã giải nghệ tiết lộ xây bốn căn nhà, “rút ruột” được một. Các kỹ sư xây dựng cũng khẳng định nhà thầu có thể “rút” 30% giá trị công trình xây dựng nhà ở từ việc thay đổi vật tư.

Một nhà thầu đã giải nghệ tiết lộ xây bốn căn nhà, “rút ruột” được một. Các kỹ sư xây dựng cũng khẳng định nhà thầu có thể “rút” 30% giá trị công trình xây dựng nhà ở từ việc thay đổi vật tư.

Gia đình ông Trần Văn Mão ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM chắt chiu gần 10 năm mới mua được một lô đất. Để dành tiền thêm 5 năm nữa mới đủ xây dựng nhà. Hàng xóm giới thiệu ông Nguyễn Văn Kính, một nhà thầu tư nhân, giúp ông Mão xây dựng nhà.

Ngày ký hợp đồng, ông Kính mang đến mẫu hợp đồng xây dựng đánh máy sẵn đưa cho ông Mão. Ông Mão và gia đình chỉ thương lượng với nhà thầu các điều khoản như thiết kế căn nhà, giá cả, vật liệu..., còn các điều khoản pháp lý khác thì không để ý.

Do không đăng ký kinh doanh nên ông Kính không đứng tên trong hợp đồng mà mượn danh một công ty xây dựng qua hình thức mua giấy phép. Hợp đồng không quy định rõ chất lượng công trình, các yêu cầu kỹ thuật của phần móng, phần thô, phần hoàn thiện. Ngoài ra, trách nhiệm của nhà thầu khi vi phạm như trễ hạn thì phải chịu phạt bao nhiêu, chấm dứt ngang hợp đồng thì phải bồi thường ra sao, khi chủ thầu thay đổi vật liệu thì phải giải quyết như thế nào... đều không được đề cập trong hợp đồng.

Sau đó, ông Trần Văn Mão ứng trước 25% giá trị hợp đồng để nhà thầu Kính khởi công. Xây xong phần móng, ông Mão nghi ngờ tốp thợ của ông Kính xây dựng móng không đúng theo độ sâu và kích cỡ cọc móng. Tuy nhiên, phần móng đã bị phủ lấp, ông không biết cách nào để kiểm tra. Hơn nữa, ông Mão không muốn tranh chấp với nhà thầu vì ngại công trình sẽ bị kéo dài.

Các nhà thầu xây dựng cho biết: Đối với nhà phố, năm 2005, chi phí xây dựng mỗi mét vuông bình quân từ 1,8-1,9 triệu đồng. Nhưng do giá vật tư tăng nên hiện đã lên 2-2,2 triệu đồng. Đây là chi phí xây dựng hợp lý, đảm bảo chất lượng công trình.

Ông Kính lại xin tạm ứng thêm 25% giá trị hợp đồng để đổ bê tông, xây dựng phần trên căn nhà. Khi thi công phần này, người giám sát thi công do ông Mão thuê lại phát hiện nhà thầu không sử dụng đúng loại vật tư, sắt, ximăng... Ông Mão buộc nhà thầu đập bỏ để xây lại, nhưng nhà thầu Kính không đồng ý.

Ông Mão yêu cầu dừng công trình, không cho nhà thầu thi công tiếp. Vụ việc kéo dài trong nhiều tháng nhưng không xong. Nhà thầu Kính rút quân đi xây nhà khác chỉ để lại vài bảo vệ tại hiện trường. Còn ông Mão cũng không thể thay nhà thầu khác đến xây khi công trình đang tranh chấp. Vả lại, ông cũng không còn đủ tiền để thuê nhà thầu khác làm tiếp.

Ông Mão đi kiện nhà thầu Kính (cụ thể là công ty bán tư cách pháp nhân) tại tòa án. Do hợp đồng hai bên lập theo mẫu của nhà thầu, trong đó quy định vật tư do chủ nhà chịu trách nhiệm, nhà thầu chỉ thi công.

Nay ông Mão lại khiếu nại nhà thầu cung cấp vật tư sai quy cách nên tòa cho rằng “không có cơ sở để xem xét”. Ngược lại, do ông Mão đơn phương chấm dứt hợp đồng nên còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà thầu. Ông Mão kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Đến nay, vụ kiện giữa ông Mão và công ty trực tiếp ký hợp đồng kéo dài hơn một năm.

Trong khi vụ việc giữa hai bên chưa giải quyết xong thì nhà thầu Nguyễn Văn Kính ung dung ôm số tiền ứng trước của ông Mão đi xây nhà khác. Còn căn nhà của ông Mão thì dở dang, chịu mưa nắng và ngày càng xuống cấp.

Trường hợp như ông Mão hiện nay không phải là hiếm. Theo luật sư Đặng Ngọc Châu, Đoàn luật sư TP HCM, nhiều chủ nhà khi ký hợp đồng xây dựng “xuê xoa” bỏ qua các điều khoản pháp lý vì coi là phụ. Và khi tranh chấp thì điều phụ lại trở thành điều chính.

30% vật tư bị “ăn cắp”

Anh Phạm Ngọc Ân, ở đường Lũy Bán Bích, phường Tân Thành, quận Tân Phú TP HCM, vừa xây dựng lại căn nhà diện tích 100 m2, cao 2,5 tầng. Giá trị căn nhà 500 triệu đồng. Anh Ân quyết định thuê riêng đơn vị tư vấn thiết kế, còn thi công do một người bạn giới thiệu.

Tin tưởng vào mối quan hệ nên trong quá trình thi công, anh giao phó cho nhà thầu. Tình cờ khi đổ đến cọc móng thứ ba, tư vấn thiết kế đến xem công trình thì phát hiện nhà thầu làm không đúng như thiết kế. Theo thiết kế, sắt cọc móng là phi 12 nhưng nhà thầu đã thay bằng sắt phi 8. Hỏi nhà thầu thì được ngụy biện “chỉ làm theo bảng thống kê chung, không làm theo bảng thiết kế chi tiết nên không biết sắt phi mấy.

Anh Ân tính chỉ riêng việc thay đổi loại sắt, mỗi cọc móng nhà thầu “kiếm” hơn 3 triệu đồng. Căn nhà năm cọc móng, nếu không phát hiện kịp, nhà thầu “bỏ túi” hơn 15 triệu đồng. Đó là chưa kể việc thay đổi mác xi măng.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành xây dựng, kỹ sư Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật xây dựng TP HCM, khẳng định nếu phải xây 10 bao xi măng mà rút bớt một bao, chủ nhà rất khó phát hiện.

Công trình có tuổi thọ hàng chục năm nhưng theo quy định chỉ bảo hành một năm, sau đó nhà thầu xong trách nhiệm. Cho dù có giảm 4-5 năm tuổi thọ công trình do thay đổi hoặc bớt vật tư thi công thì cũng khó kiểm tra để xác định chất lượng công trình.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu