Sự kiện sập nhà 2 tầng do nổ bình gas dẫn tới việc hai em nhỏ thiệt mạng, hai bố mẹ bỏng nặng ngày hôm qua 3/11 được dư luận đặc biệt quan tâm cả về công tác cứu hộ cứu nạn.
Thời gian cứu hộ mất đến 6 giờ đồng hồ. Lực lượng chức năng sau chừng ấy thời gian mới hoàn thành việc đưa hai em nhỏ ra khỏi đống đổ nát. Và hai đứa bé đã ra đi mãi mãi sau đó chỉ mấy phút…
Anh Lê Hoàng A., nhà đối diện với nhà nạn nhân, cho rằng lực lượng cứu hộ còn bị động nên việc tìm kiếm hai cháu bé mất 6 tới tiếng kể từ khi nhà sập. "Họ còn chưa có những thiết bị cần thiết để làm việc. Tôi nghĩ cần có khóa đào tạo cứu hộ khẩn cấp, thực sự chuyên nghiệp cho lực lượng này".
Ông Nguyễn Đức Thảo, tổ trưởng tổ dân phố 51, phường Bách Khoa đánh giá: "Lực lượng cứu hộ làm hơi chậm, phương tiện kỹ thuật kém".
Trong khi đó, lực lượng chức năng và những người trực tiếp tham gia cứu nạn lại có cách nhìn nhận, đánh giá khác.
Trung úy Lê Văn Thinh, Đội phó Cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm cho biết, không thể triển khai công tác cứu hộ nhanh được. Khi tiếp cận hiện trường, các đơn vị (cảnh sát PCCC của quận Hoàn Kiếm và Hoàng Mai) đưa ra phương án nhanh chóng, trong đó có tính đến dùng máy xúc. "Tuy nhiên, phương án này đã bị loại trừ do tường các nhà bên chỉ xây 10 cm, rất yếu, nếu dùng máy không chỉ ảnh hưởng tới các nhà mà nguy cơ rất cao là vỡ các khối bê tông, đè lên người nạn nhân", ông Thinh giải thích. Trung úy Lê Văn Thinh cho biết thêm: "Phương án lý tưởng nhất là dùng máy cẩu nhấc bổng tum (lồng sắt dùng phơi quần áo) để đưa nạn nhân ra ngoài nhưng không thể triển khai do mặt bằng không cho phép, con ngõ quá nhỏ".
Trung tá Đặng Bích Việt, Phó công an phường Bách Khoa, người tham gia đảm bảo an ninh trật tự, cũng cho rằng lực lượng cứu hộ đã rất khẩn trương. Tuy nhiên quá trình tiếp cận hiện trường gặp phải một số khó khăn do con ngõ quá nhỏ, phương tiện mất nhiều thời gian để tiếp cận.
Thượng tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội khẳng định thêm :Trong lúc thực hiện cứu người chúng tôi vừa phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân còn ở hiện trường, vừa phải đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sỹ và đảm bảo phần nhà không bị sập thêm. Bởi nếu làm mạnh là sàn đó sẽ sập tiếp. Khi chúng tôi đưa cái kích vào đã có biểu hiện tiếp tục gãy đôi sàn trần tầng 2, chính vì thế chúng tôi không dám dùng kích mà phải dùng đệm hơi, có thiết diện rộng hơn, không giống như kích con, đế nhỏ dễ gãy. Lực lượng PCCC thủ đô đã áp dụng mọi biện pháp rồi, cũng muốn cố gắng thực hiện sớm nhưng không thể thực hiện được.
Thượng tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội khẳng định thêm:Trong lúc thực hiện cứu người chúng tôi vừa phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân còn ở hiện trường, vừa phải đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sỹ và đảm bảo phần nhà không bị sập thêm. Bởi nếu làm mạnh là sàn đó sẽ sập tiếp. Khi chúng tôi đưa cái kích vào đã có biểu hiện tiếp tục gãy đôi sàn trần tầng 2, chính vì thế chúng tôi không dám dùng kích mà phải dùng đệm hơi, có thiết diện rộng hơn, không giống như kích con, đế nhỏ dễ gãy. Lực lượng PCCC thủ đô đã áp dụng mọi biện pháp rồi, cũng muốn cố gắng thực hiện sớm nhưng không thể thực hiện được.
Anh Nguyễn Duy Trình, chiến sĩ trực tiếp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, nhớ lại: “Khối bê tông nặng hàng tấn sập xuống, đè lên hai em nhỏ. Công tác cứu hộ diễn ra nhanh chóng nhưng phải rất cẩn trọng với mong muốn đưa 2 em được ra an toàn nhất”. Anh Trình cho biết, “Khi nhìn thấy 2 em, bụi bẩn bám đầy người và không thấy dấu hiệu cử động, chúng tôi luôn hy vọng các em sẽ sống sót nên việc cứu chữa phải tiến hành an toàn nhất và rất cẩn trọng”.
Trực tiếp chỉ huy hiện trường vụ sập nhà, Đại tá Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Phòng cảnh sát PCCC Hoàng Mai - cho biết, công tác cứu hộ diễn ra từ 6h30 đến 12h. “Khi đến ngôi nhà bị sập, chúng tôi chưa xác định được vị trí 2 cháu bé đang nằm. Việc tìm kiếm lúc đầu chỉ thông qua lời của thân nhân và tổ trưởng dân phố. Chúng tôi vừa làm vừa thăm dò hiện trường”, Đại tá Lâm cho biết.
Tin thêm từ Bệnh viện Xanh Pôn, sức khỏe anh Trần Nhật Minh đã khá hơn dù bị bỏng 20% diện tích cơ thể. Thấy người qua lại hỏi thăm, anh cứ níu áo hỏi tình trạng của hai con. Vợ anh, chị Trần Thị Thu Ngân do bị bỏng tới 40% nên lúc tỉnh, lúc mê. Khi tỉnh chị lại gào khóc gọi tên con.
Chị gái của anh Minh cho biết: “Khi Ngân tỉnh lại có kể với tôi, gần 6h sáng vợ chồng cô ấy từ trên tầng 2 xuống để chuẩn bị đi tập thể dục. Vừa bước đến cầu thang, Ngân đã ngửi thấy mùi lạ và nói với chồng hình như mùi gas. Khi chồng Ngân vừa mở được một cánh cửa thì cũng là lúc cô ấy bước tới bếp gas, thử bật để kiểm tra xem có rò khí. Gas phát nổ ngay”.
Ông Nguyễn Thống, Trưởng khoa bỏng – bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội (nơi cặp vợ chồng bị nạn sau vụ nổ bình gas gây sập nhà đang nằm điều trị) cho biết hiện tình trạng sức khỏe của cặp vợ chồng đã tạm ổn định nhưng tinh thần vẫn hoảng loạn.
TH