SearchNews

Những đô thị bị uy hiếp

06/08/2007 08:41

Tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng ở miền Tây Nam bộ. Nhiều đô thị sầm uất, hàng chục nghìn ngôi nhà có nguy cơ đổ sập xuống sông.

Tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng ở miền Tây Nam bộ. Nhiều đô thị sầm uất, hàng chục nghìn ngôi nhà có nguy cơ đổ sập xuống sông.

Ở UBND phường 3, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) ai cũng biết rõ chuyện sạt lở. Ông Lê Thiện Đào Duyên, Phó chủ tịch UBND, cho biết, năm 1981 thành lập phường 3, diện tích phường lúc đó chiều rộng 800 m, dài 2.000 m, dân số khoảng 5.000 hộ. Hiện nay chiều ngang của phường còn chưa đầy 300 m, chiều dài hơn 1.000 m vì đất đai bị nạn sạt lở bờ sông Tiền "nuốt" mất, dân số chỉ còn khoảng 2.000 hộ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó bí thư đảng ủy phường 3, nhớ lại, khu vực phường 3, phường 4 trước đây là trung tâm của tỉnh Đồng Tháp với nhiều công sở nhưng nạn sạt lở bờ sông đã nuốt sạch, không còn dấu tích nhiều công trình nổi tiếng như đình Tân Hưng, bệnh viện Sa Đéc, trường Tân Hưng, nhà máy nước, xóm Chiếu, xóm Bún, xóm Lá; toàn bộ chợ Cồn với hai khu phố nguy nga, Sở Thủy lợi, Ngoại thương, Lương thực... đều chìm xuống sông. Ngay cả con đường Bà Triệu trước đây là tuyến giao thông huyết mạch dọc sông Tiền nối Sa Đéc và Cao Lãnh nay cũng biến mất.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Đéc, thống kê gần đây cho thấy từ năm 2004-2006 bờ sông Sa Đéc bị sạt lở mất hơn 23.200 m2 đất, có nơi sạt lở sâu vào đất liền hơn 25 m. Riêng 6 tháng đầu năm 2007 đã có hơn 4.000 m2 đất tiếp tục bị “bà thủy” nuốt, 35 hộ phải di dời.

Tất cả đều rơi xuống sông

Người dân sống ven sông thị trấn Gành Hào của huyện Đông Hải (Bạc Liêu) hiện luôn nơm nớp lo sợ nhà cửa bị “thủy thần” nhấn chìm. Nằm trực diện cửa biển, người dân Gành Hào không có nhiều đất để cất nhà nên hàng trăm gia đình phải bám víu theo bờ sông và hướng về phía cảng cá để dựng nhà mưu sinh lập nghiệp.

Theo quy hoạch, Gành Hào sẽ trở thành thị xã ven biển với quy mô dân số 15.000 người vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện con sông nối liền cửa biển với cảng cá Gành Hào đang ngày một rộng ra, điều này đồng nghĩa với nhiều ngôi nhà đã bị trôi xuống sông nên nhiều người gọi nơi đây là đô thị “tàng hình”.

Chị Tư Vân ở khu vực 2, thị trấn Gành Hào cho biết: “Gia đình tôi đã ba lần dời nhà lấn sâu vào đất liền vì ảnh hưởng sạt lở. Ngôi nhà có chiều dài gần 50 m nay chỉ còn khoảng 10 m, nếu "bà thủy" nổi giận thêm lần nữa không biết phải ở đâu”.

Còn tại TP Long Xuyên, trước đây nhiều đoạn tình trạng sạt lở bờ sông Hậu đã trực tiếp đe dọa khu vực tỉnh ủy cũng như các khu dân cư Nguyễn Du, cồn Phó Quế, cồn Phó Ba, ngày càng lấn sâu vào khu vực chợ trung tâm thành phố, chợ Mỹ Bình. Tỉnh đã đầu tư xây dựng các công trình kè, nhờ vậy các khu dân cư đô thị này được bảo vệ, phát triển ổn định. Riêng tại cồn Phó Ba thì di dời hơn 200 hộ dân. Hiện còn đoạn bờ sông từ bờ bắc kênh Vĩnh An vẫn tiếp tục sạt lở.

Sạt lở tiến đến chân cầu Mỹ Thuận

Hơn một tháng nay vợ chồng chị Tưởng Trúc Phương Kiều ở tổ 2, ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa (thị xã Vĩnh Long) ăn ngủ không yên. Căn nhà của chị nằm bên bờ sông Tiền, cách đầu cầu Mỹ Thuận về phía thượng lưu chừng 200 m, đang bị thủy thần đe dọa. Không riêng gì gia đình chị Kiều mà hàng chục hộ dân trong khu vực đều cho biết không đêm nào ngủ ngon giấc vì sợ “bà thủy” nhấn chìm đất đai, nhà cửa bất cứ lúc nào.

“Sạt lở bờ sông trong khu vực ấp Tân Thuận chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cầu Mỹ Thuận, bởi theo quy luật tự nhiên thì sạt lở luôn di chuyển dần về phía hạ lưu của sông”, ông Nguyễn Văn Nghiêm, giám đốc Công ty 715, khẳng định.

Theo ông Nghiêm, khi xây dựng cầu Mỹ Thuận, Công ty tư vấn thiết kế Maunsell của Australia đã có tính toán đến vấn đề sạt lở hai bờ sông Tiền ở khu vực cầu và đề ra giải pháp phòng chống. Từ năm 2001-2003 bờ kè bảo vệ phía thượng lưu cầu Mỹ Thuận ở hai bờ Tiền Giang, Vĩnh Long đã được thi công với kinh phí lên đến 200.000 USD. Phía bờ Tiền Giang xây bờ kè kiên cố dài 2,5 km với 12 kè xương cá, phía bờ Vĩnh Long lát đá bờ sông dài 500 m từ cầu Mỹ Thuận đến vàm rạch Cái Đôi. “Hiện bờ kè phía Tiền Giang đã phát huy tác dụng tốt, nhưng kè lát đá phía bờ Vĩnh Long khó chống được sạt lở nên năm nào chúng tôi cũng phải gia cố”, ông Nghiêm nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long, cho biết cuối năm 2006 một dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở cho thị xã Vĩnh Long dài 8 km từ phường 2 đến cầu Mỹ Thuận đã được đề đạt lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng đến nay Bộ vẫn im hơi lặng tiếng, trong khi đó tốc độ sạt lở bờ sông ở khu vực dự kiến xây bờ kè ngày càng cao, trung bình mỗi năm bờ sông lở sâu vào đất liền 3-10 m.

Giám đốc Công ty 715, Nguyễn Văn Nghiêm, cho rằng, nạn khai thác cát tràn lan phía hạ lưu cầu Mỹ Thuận làm tăng tình trạng sạt lở bờ sông khu vực cầu. Tuy nhiên ông Lê Hồng Trịnh, trưởng Phòng tài nguyên - khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường Vĩnh Long), lại nói: “Khai thác cát lòng sông góp phần làm thông thoáng dòng chảy chứ không gây sạt lở bờ. Nguyên nhân lớn nhất gây tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp chính là hoạt động đắp đê bao ngăn lũ vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, làm nước lũ không tràn được vào đồng ruộng, đổ hết ra sông, tạo dòng chảy lớn gây xói lở bờ”.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu