Ngay giữa lòng TP.HCM, bên cạnh những cao ốc sang trọng, hiện đại vẫn còn tồn tại những khu nhà lụp xụp, “ổ chuột”.
Những khu vực ấy tập trung chủ yếu tại các quận 3, 4, 7, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp…Trong những ngôi nhà ọp ẹp, nhà vệ sinh tạm bợ, thiếu điện, thiếu nước, rác vứt ngổn ngang… người dân phải sống trong tình trạng mất vệ sinh trầm trọng. Chúng thường nằm sâu trong các con hẻm chỉ lọt một người đi, hay được gác sơ sài trên những dòng kênh đen ngòm quanh năm bốc mùi hôi thối.
Chỉ cách trung tâm TP. HCM khoảng 20-30 phút đi xe máy, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những khu dân cư lao động nghèo rất tồi tàn nằm ở dưới gầm cầu Nguyễn Tri Phương (quận 8). Tại đây lúc nào cũng thấy mùi hôi, tanh bốc lên.
Trước mặt PV là con hẻm dài chỉ chừng 50m nhưng có đến 40 hộ gia đình sinh sống. Những căn nhà tồi tàn, ẩm thấp san sát nhau. Sàn nhà được kê bởi những thanh gỗ nhỏ, cố định bằng những cọc xi măng đúc sẵn hoặc bằng cọc tre, hay bao cát áp tải trên dòng kênh nước đen ngòm, dày đặc xác động vật và rác thải.
Ở những ngôi nhà này, tường và mái được gắp ghép bằng những miếng tôn cũ rích, chắp vá tứ tung. Những vật dụng trong nhà chỉ là những chiếc gường nát, chiếc bàn và mấy cái ghế nhựa.
Chị Trần Thu Trang, một trong những cư dân ở đây chia sẻ: “Hầu hết những người nghèo ở đây đều không biết chữ, không có tiền làm ăn, không có nhà…Nhìn chung là tất cả mọi thứ đều không, quy tụ về đây chỉ đi làm thuê, mướn cho chủ các cơ sở lân cận. Tối đến, họ về nhà ngủ trên những mảnh chiếu rất tạm bợ".
Cũng giống như vậy, một khu “ổ chuột” khác tại chân cầu Văn Thánh (quận Bình Thạnh) cũng là những ngôi nhà xập xệ và ẩm thấp, một phần bấu vào đất, phần còn lại gác sơ sài trên dòng kênh đen. Khu vực vệ sinh được làm theo kiểu cầu tõm bởi “nước lên là cuốn đi hết”, anh Tân chia sẻ. Những khu vực Miếu Nổi Gò Vấp, Hương Lộ 14 quận Tân Phú, xóm Củi quận 8, khu vực bến Vân Đồn, quân 4 cũng vậy…
Hầu hết những người dân nơi đây là những lao động nghèo có việc làm thời vụ, thu nhập thấp. Những đứa trẻ gầy gò hằng ngày phải hít thở không khí độc hại nên bệnh sổ mũi, ghẻ lở, suy dinh dưỡng, tiêu chảy… thường xuyên “hỏi thăm”.
Anh Tân sống tại khu “ổ chuột” gần cầu Văn Thánh làm nghề chạy xe ôm, vợ ở nhà may đồ phụ cho công ty. Thu nhập của hai vợ chồng anh Tân chỉ khoảng 4-5 triệu đồng một tháng, phải tằn tiện mới đủ trang trải tiền thuê nhà và những sinh hoạt cần thiết cho 4 người.
Đó là lúc “thuận buồm xuôi gió” còn những ngày “trái gió trở trời” thì không biết bấu víu vào đâu, nhất là khi đứa con 2 tuổi của anh thường xuyên phải khám bác sĩ vì ho và sổ mũi.
"Cuộc sống bấp bênh, tạm bợ nên việc học hành của các con cũng không đến nơi đến chốn. Nhiều gia đình chắt chiu từng đồng để mong con được đến trường, còn nhiều trường hợp cũng phải ngậm ngùi cho con ở nhà phụ giúp, được đồng nào hay đồng ấy”, chị Hồ Thị Phương, người dân sống ở đây cho biết.
"Thường ngày, nhất là lúc giữa trưa và ban đêm, mùi hôi nồng nặc bốc lên nhưng ngửi riết rồi cũng quen. Có một nơi trú thân như thế này là may mắn lắm rồi. Vợ chồng tôi làm công nhân, lương tháng cộng lại cũng được 7-8 triệu đồng/tháng mà có bao nhiêu là khoản phải chi như tiên thuê nhà, tiền ăn, tiền học cho con rồi những khi con trở bệnh. Ở đây một tháng chỉ mất 600.000 đồng/tháng, trong khi nơi khác 1-1,5 triệu đồng/tháng", chị Trần Ngọc Bé nói.
Tăm tối, bẩn thỉu và chật hẹp là một góc cuộc sống không xa trung tâm thành phố nhộn nhịp, ồn ào...
(Theo VTC)