SearchNews

Quy hoạch dự án cầu Nhật Tân: Nắn để tránh doanh nghiệp và biệt thự

30/11/2011 09:41

Hàng trăm hộ dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội bức xúc gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu tới khắp các cơ quan chức năng phản ánh một nghịch lý trong việc triển khai dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn lên cầu.

Nắn đường tránh đi qua nhà cán bộ huyện?

Hàng trăm hộ dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội bức xúc gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu tới khắp các cơ quan chức năng phản ánh một nghịch lý trong việc triển khai dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn lên cầu.



Từ việc nắn quy hoạch để doanh nghiệp và nhà giàu hưởng lợi, còn ngân sách nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng chỉ để làm vườn hoa và đảo cỏ, trong khi hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu bỗng chốc mất đất, mất nhà...

Lợi ích nhóm điều chỉnh cả quy hoạch

Cầu Nhật Tân - một dự án giao thông trọng điểm của thủ đô Hà Nội - được Thủ tướng cho phép đầu tư vào đầu năm 2006. Theo văn bản 128 của Thủ tướng Chính phủ thì “Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND TP.Hà Nội nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật, lấy ý kiến nhân dân và giới chuyên môn để xem xét, quyết định phương án kết cấu cầu, trên nguyên tắc tiết kiệm đầu tư, bảo đảm chất lượng công trình và mỹ quan đô thị”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân tổ 47B, 47C, 47D phường Phú Thượng - những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án - thì chẳng những các cơ quan không lấy ý kiến người dân, mà việc quyết định phương án đầu tư xây dựng đường dẫn lên cầu là điển hình cho sự lãng phí. Hàng trăm hộ dân bỗng chốc mất đất mất nhà, ngân sách nhà nước phải dành hơn nghìn tỉ chỉ để làm đảo cỏ, vườn hoa, trong khi Nhà nước đang phải tiết kiệm từng đồng vốn, cắt giảm đầu tư công.

Theo văn bản trả lời của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký ngày 20.10.2011 thì quá trình thiết kế nút giao thông Phú Thượng, tư vấn dự án đã rà soát, nghiên cứu điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật của nút cho phù hợp với hiện trạng quy hoạch, trong đó phương án dạng nút hoa thị được giữ nguyên và phạm vi nút giao vẫn đảm bảo nằm trong phạm vi quy hoạch có bán kính 300m. Tuy nhiên, theo người dân thì bản chất quy hoạch nút này đã được điều chỉnh theo lợi ích nhóm. Bằng chứng hiện hữu mà người dân đưa ra là trong quá trình thực hiện quy hoạch, ngày 8.8.2006, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị: “Điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao thông đê Hữu Hồng (đầu phía nam cầu Nhật Tân) để không cắt vào khu đất thuộc dự án khu biệt thự Vườn Đào lô D1, D3 và khu đất của Cty xây dựng giao thông đô thị đang triển khai xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ, khách sạn và nhà ở cao tầng”. Ngay sau đó, việc điều chỉnh này được thực hiện.

Tránh đất biệt thự, lấy đất dân thường

Theo lãnh đạo Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân (thuộc Ban quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải) thì nếu không điều chỉnh chỉ giới đường đỏ thì đường dẫn vòng nút giao thông theo vành hoa thị sẽ cắt ngang lô đất khu đô thị Vườn Đào, lô D1, D3 và khu đất của Cty xây dựng giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội. Dẫn chúng tôi đi thị sát khu vực này, những người dân tổ 47B, C, D không khỏi bức xúc ngậm ngùi. Toàn bộ khu D1, D3 là khu đất đấu giá dành cho đại gia với các biệt thự sang trọng có giá hàng triệu USD và khu dự án tổ hợp văn phòng khách sạn, chung cư cao cấp cao 18 tầng thì được TP.Hà Nội đề nghị và được điều chỉnh nắn quy hoạch đưa ra ngoài, còn gần 200 hộ dân - những người chắt chiu cả đời mới tậu được mảnh đất, sinh sống ổn định từ những năm 1990 - thì bị đẩy vào quy hoạch, buộc phải giải phóng mặt bằng để làm đảo cỏ, vườn hoa.

Cũng theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải thì việc điều chỉnh và giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân là để tránh cho họ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi, tiếng ồn và rung trong quá trình thi công, vận hành... Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Thúy - Tổ trưởng tổ dân phố 47C - thì lý giải trên là không có cơ sở. “Về nguyên lý, các hộ ở hai bên tuyến đường dẫn đều chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi như nhau, tuy nhiên các cơ quan chức năng nắn để các biệt thự khu D1, D3 và tòa nhà hỗn hợp ra bên ngoài thì không bị giải phóng, còn hộ dân thì bị giải phóng vì tiếng ồn và bụi. Chẳng lẽ người giàu và đại gia thì chịu được bụi và tiếng ồn lớn hơn dân nghèo” - tổ trưởng tổ dân phố 47C nói.

Không chấp nhận những bất cập và nghịch lý trong quy hoạch, nắn quy hoạch theo lợi ích nhóm, bảo vệ đất doanh nghiệp, đất biệt thự của người giàu, các hộ dân nơi đây đã liên tiếp làm đơn thư gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đổi lại chỉ là sự trả lời lòng vòng, né tránh. Đó là chưa kể những quyền lợi chính đáng như bồi thường, giải phóng mặt bằng bất hợp lý, coi nhẹ tài sản chính đáng của nhân dân.


Dự án xây dựng cầu Nhật Tân vượt sông Hồng nằm trên tuyến vành đai II, cách đầu cầu Thăng Long khoảng 3,6km về phía hạ lưu. Phía bờ nam thuộc phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và bờ bắc thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng, dài 8.933m; trong đó, cầu Nhật Tân dài 3.755m, mặt cắt ngang 33,2m theo quy mô cầu thiết kế vĩnh cửu, còn lại là hai đầu cầu dài 5.178m. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án lên tới 94,6ha gồm đất thổ cư (khoảng 6,6ha), đất thổ canh (81,8ha), đất công cộng (6,2ha).


(Theo Lao Động)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu