SearchNews

Rửa tiền "bẩn" thông qua buôn bán nhà đất

10/11/2011 08:46

Tiền có được do buôn lậu, buôn ma tuý… chỉ việc đem đi mua nhà đất, sau đó bán đi là thành tiền “sạch”. Đây cũng chính là lý do mà vì sao, 6 năm qua Việt Nam chưa phát hiện ra vụ rửa tiền nào.

 > Chống rửa tiền qua bất động sản

Tiền có được do buôn lậu, buôn ma tuý… chỉ việc đem đi mua nhà đất, sau đó bán đi là thành tiền “sạch”. Đây cũng chính là lý do mà vì sao, 6 năm qua Việt Nam chưa phát hiện ra vụ rửa tiền nào. – Đại biểu Quốc hội cho biết tại buổi thảo luận tổ chiều 9/11 về Luật phòng chống rửa tiền.

Thảo luận tại các tổ, đa số các đại biểu đều đồng ý rằng, việc ra đời luật phòng, chống rửa tiền là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, đồng thời góp phần phòng chống tham nhũng trong nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, để luật đi vào cuộc sống một cách thiết thực là điều rất khó trong bối cảnh hiện nay.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.Hồ Chí Minh), trong điều kiện hiện nay ở nước ta, việc sớm ban hành luật phòng, chống rửa tiền đáp ứng xu hướng phát triển của nền kinh tếbởi trong hoạt động kinh tế, có nhiều hành vi dẫn đến nguy cơ dễ nảy sinh rửa tiền như đầu tư chứng khoán, bất động sản, thương mại…Đồng thời, việc ban hành luật cũng đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội), dự luật chống rửa tiền chưa xuất phát từ thực tế cuộc sống ở Việt Nam mà chủ yếu mới đáp ứng theo yêu cầu khuyến nghị của tổ chức phòng chống rửa tiền Quốc tế. Theo ông Hùng, trong bối cảnh của Việt Nam hiện tại cũng như tương lai gần, để không gây cản trở cho sản xuất kinh doanh và lợi ích hợp pháp của các pháp nhân và thể nhân thì chỉ nên luật hoá những cam kết mang tính nghĩa vụ bắt buộc.

Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Huy Hùng về việc phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam là rất khó trong khi nền kinh tế dùng tiền mặt vẫn là chủ yếu, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho biết, thực tế 6 năm qua, tại Việt Nam chưa phát hiện được vụ rửa tiền nào.

“Trong cơ chế phòng chống rửa tiền, khi ngân hàng phát hiện ra nghi ngờ thì báo cho cơ quan chức năng nhưng chúng ta chưa có vụ nào. Ở Việt Nam loại tiền bẩn chắc chắn là có, nhưng rửa tiền qua ngân hàng chỉ là một kênh. Ở các nước không sử dụng tiền mặt thì kiểu gì cũng phải qua ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam thì đây là một nền kinh chủ yếu dùng tiền mặt, lượng tiền thông qua ngân hàng không nhiều, tiền buôn lậu, tiền buôn ma tuý có được có khi cả bao tải nhưng bọn chúng không cần qua ngân hàng mà chỉ cần vác đi mua đất, mua nhà rồi bán nhà bán đất là thành tiền sạch. Vì vậy, thực chất nhu cầu hành lang pháp lý để điều chỉnh lĩnh vực này đúng là cần, nhưng là đối với các quy định của Quốc tế. Còn trước mắt trong nước chưa giải quyét được vấn đề gì” – đại biểu Đinh Xuâ Thảo thẳng thắn.

Dự luật đưa cơ quan phòng chống rửa tiền là đơn vị thuộc NHNN, nhưng theo đại biểu Phạm Huy Hùng thì điều này là “chưa hợp lý”. Theo phân tích của đại biểu Hùng thì trên thực tế, rửa tiền liên quan đến hoạt động tội phạm và trốn thuế, do đó ngoài ngân hàng nhà nước thì cần phải có các cơ quan luật pháp như Công an, Tư Pháp phối hợp tham gia thì việc phòng chống rửa tiền mới phát huy vai trò hiệu quả trong chống rửa tiền cũng như có tác dụng trong việc phòng chống tham nhũng trong điều kiện của Việt Nam.

Cũng tương tự, Dự luật có quy định giá trị giao dịch phải báo cáo, nên đại biểu Hùng đề nghị trong dự luật cần quy định cụ thể ở mức bao nhiêu. “Trong dự luật giao cho NHNN quy định giá trị giao dịch phải báo cáo là không phù hợp với thông lệ” – đại biểu Phạm Huy Hùng nói.

Liên quan đến những quy định về tài trợ tiền cho khủng bố trong dự luật, đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng, Dự luật phòng chống rửa tiền chỉ nên đề cập đến nguyên tắc về tài trợ khủng bố, còn các chế tài liên quan và xử lý cụ thể nên đưa sang dự luật khủng bố sẽ được xây dựng vào năm 2012.

Ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà thì lại cho rằng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là 2 lĩnh vực có nhiều điểm tương đồng. Tội phạm rửa tiền và tội phạm tài trợ khủng bố đều lợi dụng hệ thống tái chính để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Quy định đối tượng có nghĩa vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố và cơ chế tiếp nhận, phân tích và xử lý thông tin về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là như nhau. Nếu 2 vấn đề này được quy định trong 2 luật tách biệt sẽ dẫn đến sự trùng lắp.

Cũng trong chiều 9/8, các đại biểu đã thảo luận về Dự án Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, đa số các đại biều đều băn khoăn về tính thực tiễn của Luật khi đi vào cuộc sống. Ví dụ như những quy định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng thì ai là người sẽ xử phạt nếu phát hiện hành vi? Và nếu phát hiện thì xử phạt như thế nào? Cấm bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi thì khi bán có cần yêu cầu người mua xuất trình CMT hay giấy khai sinh không?... là những điều cần phải được quy định rõ vào trong luật.

Ngoài ra, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là quy định về in hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá lên bao bì. Có ý kiến cho rằng, sản xuất và tiêu thụ thuốc lá đã đóng góp cho ngân sách số tiền lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người… nên chỉ in trên một phần diện tích của bao thuốc lá. Có ý kiến đề nghị diện tích hình ảnh là 30%, có ý kiến đề nghị là 50%, có ý kiến đề nghị hơn, do tác hại của thuốc lá có thể nhiều hơn lợi nhuận mà nó mang lại.

(Theo VnMedia)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu