Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện có trên 300 ngôi nhà "mọc" dưới tán rừng cần giải tỏa. Riêng khu rừng cảnh quan nằm sau Dinh 2 (phường 10) có trên 130 căn. Những năm qua, việc mua bán đất rừng cảnh quan để xây nhà vẫn diễn ra công khai với sự tiếp tay của một số cán bộ phường.
Tìm đến "điểm nóng" mua bán đất rừng cảnh quan (sau Dinh 2, đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, phường 10, TP Đà Lạt), gặp ông Nguyễn Văn Nhân (số 4/2 hẻm 2 Khởi Nghĩa Bắc Sơn), có thể xem được họa đồ các lô đất, mỗi lô trung bình (6x13 m) giá bán 800.000/m2. Ông Nhân nói: "Toàn bộ là đất rừng, nhưng người ta vẫn mua, vẫn bán, vẫn cất nhà bình thường. Muốn làm nhà, ăn thua cách "cư xử" của mình thôi. Khi bán sẽ làm giấy tay và có tổ dân phố xác nhận không tranh chấp". Ông Nhân còn cho xem một xấp "giấy ủy quyền sử dụng đất" in sẵn, nếu mua xong thì chỉ điền tên, tuổi vào và nhờ tổ trưởng dân phố xác nhận là xong
Một vụ mua bán đất khác cũng liên quan đến ông Nhân. Trên một giấy mua bán đất ghi ông Trần Lam và vợ là Cao Thị Côi "ủy quyền" cho ông Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Hồng Giang, được ông Phạm Ngọc Kình, Tổ trưởng tổ dân phố 13 chứng thực ngày 14/12/2005 nhưng được ông Phó chủ tịch UBND phường 10 xác nhận ngày 19/9/2005. Giấy đặt cọc tiền sang nhượng lô đất trên với giá 120 triệu đồng, ghi ngày 24/1/2006 thì tên người sang nhượng và nhận tiền lại là ông Nguyễn Văn Nhân và người làm chứng chẳng ai khác là ông Kình.
Chưa hết, ông Trần Trọng Hiếu, thường trú tại 2/3 Trần Hưng Đạo, phường 3, Đà Lạt sang nhượng cho ông Hồ Thái Hà, ngụ tại quận Gò Vấp (TP HCM) lô đất 1.840 m2 (chỉ có giấy tay) thời điểm tháng 7/2002. Nhưng không hiểu sao ngày 27/8/2002, ông Trang Tân Phương, Chủ tịch UBND phường 10 (lúc đó là Phó chủ tịch) lại "chứng thực" một giấy ủy quyền mạo danh ông Trần Trọng Hiếu cùng vợ, ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Sinh (ngụ tại 70 Phan Bội Châu, P.1) được toàn quyền quyết định, định đoạt trong việc sử dụng, sang nhượng, tặng cho... lô đất trên.
(Theo Thanh Niên)