Chiều 25/9, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp đã họp bàn về việc thiết kế lại mẫu giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất. Trong cuộc họp các bộ đã đồng ý việc hợp nhất sổ đỏ và sổ hồng nhưng chưa quyết định được bộ nào sẽ thực hiện việc cấp này.
Mẫu giấy mới sẽ thừa kế cơ bản nội dung "sổ hồng" hiện nay và có tên gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất. Cuộc họp thống nhất sẽ trình Thủ tướng quyết định theo hướng sẽ ban hành nghị định để chính thức hóa việc này.
Tuy nhiên, một nội dung mà cuộc họp hôm qua không thống nhất được là cơ quan nào sẽ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận. Theo kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nơi cấp giấy nên là 1 trong 3 cơ quan: Tòa án, Bộ Tư pháp hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc này cũng sẽ được trình Thủ tướng quyết định.
Trên thực tế hiện nay đang tồn tại 4 loại giấy chứng nhận chủ yếu: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp theo Luật Đất đai 1993 ("sổ đỏ" cũ) cấp trước ngày 1/7/2004; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp theo Luật Đất đai 2003 ("sổ đỏ" mới) cấp từ 1/7/2004 trở về sau; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị cấp theo Nghị định 60 ("sổ hồng" cũ); và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Luật Nhà ở ("sổ hồng" mới). Nhiều loại giấy như vậy đã tạo nên một hệ thống đăng ký không thống nhất, thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, với nhiều mẫu giấy khác nhau khiến cho người dân khó nhận thức được những việc mình phải làm và nên làm.
Ông Ngô Trọng Khang, Giám đốc Văn phòng đăng ký nhà, đất Hà Nội khẳng định: "Điều này tạo nên một hệ thống thủ tục hành chính phức tạp đối với người dân khi giấy tờ về đất phải nộp ở cơ quan quản lý đất, giấy tờ về tài sản gắn liền với đất phải nộp ở nhiều cơ quan quản lý khác nhau; mỗi lần chuyển mục đích sử dụng đất lại phải đổi giấy chứng nhận".
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Thế Ngọc cho rằng, nếu thống nhất được các vấn đề vướng mắc trong cấp hai loại giấy chứng nhận sẽ đem lại ba lợi ích. Thứ nhất, sẽ giảm được chi phí. Thứ hai, giảm thủ tục hành chính rườm rà. Thứ ba, giảm tối đa sự chồng chéo giữa các cơ quan trong việc quản lý.
Tính đến nay, có khoảng 20 triệu "sổ đỏ" cả cũ và mới được cấp và có khoảng 1 triệu "sổ hồng" được cấp.
(Theo Thanh Niên)