Mọi công việc chuẩn bị cho lễ Giáng sinh tại các nhà thờ, thánh đường của người theo đạo Thiên chúa, tại Hà Nội đã hoàn tất. Không gian bài trí đơn giản nhưng trang trọng, "diễn viên" cho các tiết mục thánh ca cũng đã sẵn sàng, giấy mời dự lễ cũng đã được gửi đi...
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là hầu hết các nhà thờ có cách bài trí không gian ngoài cũng như trong ít màu sắc hơn hẳn các điểm vui chơi công cộng, trung tâm thương mại... Đồ trang trí như vòng nguyệt quế, các dải lụa, cây thông Noel hay những bức tranh đức mẹ... đều được dùng lại từ các năm trước, chỉ thay thế một số đồ hỏng hoặc quá cũ. Việc thực hiện hầu hết đều do chính những con chiên làm. Họ tập hợp theo nhóm, chọn thời gian rảnh để cùng trang trí chứ hầu như không thuê bên ngoài.
Tại nhà thờ Hàm Long nằm ở góc đường Hàm Long và Ngô Quyền, việc trang trí cho Noel đã được tiến hành từ khá sớm, khoảng nửa tháng trước lễ chính. "Noel chẳng khác gì ngày Tết Nguyên đán của đại đa số người dân Việt Nam nên chúng tôi cũng rậm rịch từ sớm", một người phục vụ nhà thờ, đồng thời quản lý cửa hàng bán đồ lưu niệm từ thiện, cho biết. "Một tuần trước lễ Giáng sinh, mọi công việc chuẩn bị đều đã hoàn tất. Chúng tôi năm nào cũng có cách trang trí Giáng sinh như vậy. Nhìn ban ngày trông đơn giản nhưng buổi tối sẽ rất ấn tượng".
Tương tự, tại nhà thờ Cửa Bắc, nơi được coi là một trong những giáo đường lớn và đẹp nhất tại Hà Nội, việc bài trí cho Giáng sinh thậm chí còn đơn giản hơn. Khung cảnh không có thay đổi nhiều so với ngày thường ngoại trừ dòng chữ "Noel 2007" nơi tòa nhà chính mặt đường Phan Đình Phùng và khẩu hiệu "Mừng chúa giáng sinh 2007" ở cổng kế bên đường Nguyễn Biểu. Còn tại nhà thờ lớn, không gian bên ngoài 2 ngày trước lễ Noel vẫn còn bề bộn. Công việc làm đẹp cho bộ mặt nhà thờ khởi động muộn hơn mọi năm vì vướng một số hoạt động. Nhưng cũng như thường lệ, chủ đề trang trí ở đây vẫn là hang đá Bethlehem thân thuộc.
Ngoài trang trí, các nhà thờ còn rất nhiều việc phải lo cho Giáng sinh. Tại Hội thánh Tin lành ở số 2 Ngõ Trạm, vào các buổi chiều sát lễ Noel, những đứa trẻ và thanh niên có giọng hát hay được nhà thờ lựa chọn đều đặn đến tập các bài thánh ca và điệu múa mừng Giáng sinh để biểu diễn trong hai tối 24 và 25/12. Sơn Tùng, một sinh viên đại học cho biết, năm nào gia đình cậu cũng đón Noel tại đây và năm này là lần thứ ba, cậu ở trong đội biểu diễn thánh ca đêm đại lễ. Tham dự các buổi tập này còn có một nhóm thanh niên Hàn Quốc. Đây là nhà thờ mà tất cả những người Hàn Quốc đang sinh sống tại Hà Nội đến cầu nguyện mỗi tuần. Năm nào cũng vậy, họ đều tổ chức một lễ Giáng sinh cho cộng đồng tại đây khá sớm, thông thường từ 19 hoặc 20/12, sau đó sẽ tản đi những nơi khác nghỉ lễ.
Các con chiên tới dự lễ nhà thờ đều sẽ nhận được giấy mời nên những người phục vụ phải lo việc này. Giấy mời có chương trình chi tiết đêm Giáng sinh 24 và 25/12 đều đã được gửi đi mọi nơi với số lượng hạn chế. Tuy nhiên, theo đại diện của nhà thờ Hội thánh tin lành, nhiều người không có giấy mời vẫn có thể đến dự và nên đến từ sớm để có chỗ bên trong. Mục sư, người sẽ điều khiển phần cầu nguyện khai lễ trong đêm 24 những ngày trước Giáng sinh vẫn thực hiện việc giảng đạo tại các nhà thờ ở khắp nơi. Nhưng chắc chắn, họ sẽ có mặt tại nhà thờ mà họ quản nhiệm đúng vào đêm lễ hội.
Lễ hội Noel tại nhà thờ thông thường diễn ra trong hai ngày 24 và 25/12. Phần lễ và hội sẽ đan xen với các tiết mục thánh ca và những điệu múa Thiên chúa truyền thống. Mở đầu bao giờ cũng là phần biểu diễn tập thể (hội chúng) có ban hát dẫn. Sau đó, phần không thể thiếu trong đêm 24 sẽ là cầu nguyện khai lễ và sứ điệp Giáng sinh của mục sư quản nhiệm. Những bài thánh ca truyền thống như "Mừng Chúa giáng trần", "Đêm an vui cho người", "Tình yêu Thiên chúa"... sẽ được biểu diễn xuyên suốt chương trình. Thông thường, những tiết mục này sẽ diễn ra từ 19h30 cho tới khoảng 23h. Ngày 25, các tiết mục hát múa cũng sẽ diễn ra suốt tối.
Tâm Anh