Ga xe lửa Đà Lạt, trường Lycee Yersin và nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đang xuống cấp nặng, chuẩn bị được tu bổ tôn tạo lại với kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.
Trong đó công trình nhà lao thiếu nhi được phân bổ 14,7 tỷ đồng, trường Lycee Yersin (nay là trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt) 15,5 tỷ đồng. Còn ga xe lửa Đà Lạt sẽ tu bổ các hạng mục như sân ga, kho, nhà sửa chữa đầu máy, nhà sửa chữa toa tàu, mái lợp, hành lang, sàn... với kinh phí 15 tỷ đồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu việc tôn tạo phải giữ tối đa các vật liệu kiến trúc cũ. Nếu phải dùng vật liệu bổ sung thay mới phải đảm bảo đồng bộ với vật liệu cũ, không đục bỏ kiến trúc cũ, chỉ được gia cố những vị trí khuyết lõm... Vật liệu thay thế phải ghi rõ năm sản xuất và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi giám sát. Những nhà thầu sửa chữa các công trình này phải có chức năng tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định.
Cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, Ga xe lửa Đà Lạt và trường Lycee Yersin được đánh giá là 2 công trình có trình độ kỹ thuật xây dựng và mỹ thuật đẹp nhất Đông Dương. Hội Kiến trúc sư thế giới cũng giới thiệu Trường Lycee Yersin Đà Lạt nằm trong top 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20.
Ga xe lửa Đà Lạt đến nay vẫn là một nhà ga cổ mang đậm kiến trúc Pháp. Nhà ga còn đầu máy chạy bằng hơi nước phục vụ tham quan du lịch, riêng đường ray răng cưa nối với Phan Rang - Tháp Chàm đã bị tháo dỡ trên 30 năm chưa được khôi phục lại
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (nay là Nhà thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng) là nơi chính quyền Sài Gòn giam giữ trên 600 tù chính trị nhỏ tuổi ở miền Nam, trong đó khoảng 200 nữ. Được gọi là Trung tấm giáo huấn thiều nhi Đà Lạt, nhưng nơi đây thực chất là một nhà lao hà khắc không khác các nhà lao Chí Hòa, Tân Hiệp… cho người lớn.
(Theo Vnexpress)