Ngày 28-11, đoàn kiểm tra của Bộ Công an đã kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại TP.HCM.
Đại tá Ngô Minh Châu - phó giám đốc Công an TP - cho biết Công an TP quy định lực lượng cảnh sát giao thông TP khi đi làm nhiệm vụ trên đường không được mang quá 100.000 đồng, nếu có việc gấp cần phải mang nhiều hơn số tiền này để sử dụng sau giờ làm việc thì phải niêm phong số tiền vượt quy định, đồng thời không được sử dụng điện thoại di động trong lúc làm nhiệm vụ.
Biện pháp này nhằm giúp các cấp lãnh đạo kiểm soát hoạt động của chiến sĩ, làm căn cứ xác định nếu xảy ra hành vi tiêu cực của cảnh sát giao thông.
Về tình trạng giấy phép lái xe (GPLX) giả xuất hiện nhiều thời gian gần đây, ông Dương Hồng Thanh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - nói: “Hầu như ngày nào tại các bến xe khách liên tỉnh cũng phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX giả. Các đối tượng vi phạm còn làm giả toàn bộ hồ sơ, giấy chuyển vùng... nên rất khó phát hiện.
Có trường hợp chúng tôi phát hiện một người sử dụng tới ba GPLX giả”. Đại diện Bộ Công an cho rằng trong khi chờ đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GPLX, biện pháp sử dụng “giấy phép con” để kiểm soát tài xế rất cần được các địa phương, dư luận ủng hộ.
Tại buổi làm việc, Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua cho biết thời gian tới TP sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến metro, phát triển giao thông công cộng để áp dụng các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân...
Trung tướng Đặng Văn Hiếu - thứ trưởng thường trực Bộ Công an - yêu cầu TP siết việc sát hạch cấp GPLX, kiên quyết dẹp những tụ điểm sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm dỏm và truy trách nhiệm từng đơn vị cụ thể nếu tiếp tục để tình trạng buôn bán công khai mũ bảo hiểm dỏm như hiện nay.
Biện pháp kiểm soát giới hạn tiền mang theo của CSGT được xem là giải pháp mang tính cục bộ nhưng cần thiết để chống nạn mãi lộ. Liệu rằng trên thực tế biện pháp này có khả thi?
Quốc Phong (Theo Tuổi trẻ)