Phố cổ Long Sơn nằm trong quần thể Nhà Lớn Long Sơn - di tích cấp quốc gia tại TP Vũng Tàu - có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Phố cổ Long Sơn là điểm nhấn kiến trúc của Nhà Lớn Long Sơn, tọa lạc trên địa bàn xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều năm nay, trong khi quần thể di tích Long Sơn còn rất vững chãi trong sự chăm sóc của người dân thì khu “mặt tiền” lại trở nên hoang tàn vì bị… chính quyền địa phương bỏ rơi.
Hoang tàn, mục nát
Phố cổ Long Sơn là dãy nhà ngang nằm ở mặt tiền của Khu Di tích Nhà Lớn Long Sơn được xây dựng đã hơn 100 năm. Đây là dãy nhà gần 20 gian, được làm bằng gỗ, lợp ngói. Thế nhưng, đầu tháng 4/2012, khi chúng tôi đến đây đã phải chứng kiến sự hoang tàn, mục nát đến thảm thương. Nhìn từ xa, hai dãy nhà rêu phong, cỏ mọc, mái ngói xỉn màu và khung nhà đã bắt đầu xiêu vẹo, gãy đổ. Bước vào trong, mạng nhện giăng đầy, chuột chạy nháo nhào, mái ngói thủng nhìn thấu trời và cột kèo cũng đã đung đưa vì mối mọt, tưởng như có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Bà Lê Thị Kiềm (67 tuổi), Trưởng Ban điều hành của khu di tích - là cháu đời thứ 4 của người xây dựng nên khu Nhà Lớn Long Sơn - cho biết cảnh “thảm hại” này không phải do trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn, tôn tạo khu di tích. Kinh phí trùng tu cũng đã có sẵn, do bá tánh thập phương và con cháu của “ông tổ” đóng góp. Tuy nhiên, đã bao năm nay, việc tôn tạo không được thực hiện chỉ vì những tranh chấp, lộn xộn và… không được cấp phép xây dựng.
Hai dãy nhà phố cổ lâu nay vốn được ban điều hành khu di tích cho một số gia đình - đều là con cháu ba, bốn đời của dòng họ - ở nhờ. Khi di tích xuống cấp, địa phương yêu cầu những gia đình này đi nơi khác, cấp đất mới cùng tiền hỗ trợ nhưng họ không đồng tình. Một số hộ vẫn kiên quyết “cố thủ” và xảy ra tranh chấp. Thế nhưng chính quyền địa phương cũng như ngành văn hóa không ai đứng ra giải quyết dứt điểm. Theo bà Kiềm, việc trùng tu di tích, với sự thống nhất của ban điều hành cũng như hướng dẫn của các đơn vị quản lý phải giữ đúng nguyên bản sắc ban đầu, vậy nên không thể để các hộ dân tiếp tục ở lại sinh hoạt ăn ở.
Kêu cứu gần 5 năm!
Theo tìm hiểu của PV, cách đây 5 năm, trước tình trạng dãy phố cổ - một bộ phận quan trọng của Khu Di tích Nhà Lớn Long Sơn - có thể đổ sập bất cứ lúc nào, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng giải quyết tình trạng này. Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn yêu cầu áp dụng Luật Di sản để nhanh chóng trùng tu, tôn tạo dãy phố cổ Long Sơn đã xuống cấp trầm trọng. Thế nhưng từ đó đến nay, mặc cho bao lần Ban Điều hành Khu Di tích Nhà Lớn Long Sơn liên tục kêu cứu, mọi việc cứ chìm trong… im lặng.
Gần đây nhất, trước phản ánh quá nhiều lần của Ban Điều hành Khu Di tích Nhà Lớn Long Sơn, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Minh Sanh, đã có buổi làm việc xung quanh vấn đề này nhưng hơn nửa năm trôi qua, tất cả vẫn “án binh bất động”. “Các hộ dân vẫn chây ì, giấy phép xây dựng cũng không được cấp và chẳng có ai động tĩnh gì cả” - bà Kiềm cho biết.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản, việc này trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Vũng Tàu. Theo đó, những tranh chấp cần phải nhanh chóng được giải quyết để tập trung cho việc tôn tạo di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, khi được hỏi, ông Trần Văn Thông, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Vụ việc đã được giao hoàn toàn cho cấp TP”. Còn bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, thì trả lời: “Vì sự chồng chéo giữa quản lý di tích và tranh chấp đất đai rối rắm quá, nên đến nay vẫn chưa thể đưa ra phương án giải quyết cụ thể được!”.
Giữ nét đẹp “đạo ông Trần”
Ông Trần, người xây dựng nên Khu Nhà Lớn Long Sơn vào năm 1910, tên thật là Lê Văn Mưu, là người Hà Tiên, đã dẫn theo đồng đạo khai hoang lập đất tạo nên vùng đất Long Sơn.
“Đạo ông Trần” do ông Lê Văn Mưu khởi xướng, truyền bá cho cư dân tại đây, với hình thức đơn giản, không “ly gia cắt ái”, lấy tu dưỡng đạo đức làm nền tảng. Hiện tại, đến đây người ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người dân đầu trần, chân đất, tóc búi, áo bà ba đen…
|
(Theo NLĐ)