Cảnh tầng trên vô tư tạt nước, vứt rác xuống tầng dưới đã thưa vắng dần trong các chung cư hiện nay.
Nhắc đến chung cư, có thể nhiều người sẽ hình dung ngay đến sự lộn xộn, phức tạp do có nhiều thành phần dân cư tập trung trong một không gian chật hẹp. Có lẽ thế mà trước đây, nhiều người thà sống trong những ngôi nhà chật hẹp trong ngõ sâu chứ nhất quyết “nói không” với chung cư. Tuy nhiên, khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, dân số ngày càng tăng thì chung cư dần trở thành sự lựa chọn hợp lý của nhiều người. Và đáng mừng là đa phần cư dân đã bắt đầu có ý thức cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh.
Cũ, mới đều chuyển biến tích cực
TP có khá nhiều chung cư tái định cư như Phạm Viết Chánh, Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), Miếu Nổi, Rạch Miễu (nằm giữa hai quận Phú Nhuận và Bình Thạnh), Nguyễn Kim (quận 10), Tôn Thất Thuyết (quận 4)… Cư dân nơi đây đa phần là cán bộ, viên chức cùng một số người dân ở các xóm lao động nghèo đã bị giải tỏa. Theo ghi nhận, nề nếp sinh hoạt ở các chung cư này giờ đây đã khác trước rất nhiều. Nguyên nhân chính là do mỗi người đều nhận thấy cần phải thay đổi để thích nghi với lối sống văn minh đô thị.
Khi về nước, gia đình chị Võ Thị Minh Huệ chọn mua một căn hộ tại chung cư Ngô Tất Tố do đã quen với nếp sống yên tĩnh, trật tự của loại hình cư trú này trong suốt 10 năm sống ở nước ngoài. Sống ở đây 10 năm, chị Huệ cho biết dù còn một số điều nhỏ nhặt không vừa ý nhưng chị vẫn hài lòng về môi trường chung. “Là chung cư tái định cư nhưng mặt bằng dân trí ở đây khá cao. Chuyện vứt rác chưa đúng chỗ, gây ồn ào hay một vài va chạm nhỏ vẫn có khi xảy ra nhưng không đáng kể và luôn được khắc phục khi những người xung quanh nhắc nhở” - chị Huệ cho hay.
Cũng là chung cư tái định cư, thành phần dân cư phức tạp nhưng từ khi được xây mới đến nay, nếp sống của người dân chung cư Nguyễn Kim (phường 7, quận 10) đã chuyển biến rõ rệt. Chị Trần Ngọc Phương (phòng 202) cho hay từ khi có một chỗ ở mới sạch sẽ, khang trang, mọi người đã từ bỏ những thói quen tùy tiện để cùng tạo nên một môi trường sống tốt và sạch sẽ hơn. Hình ảnh quần áo phơi chằng chịt ngoài ban công, đồ đạc, rác rưởi chất đầy những cầu thang tối tăm giờ không còn nữa.
Chị Lê Hoa ở khu 3D - 234 Mỹ Duyên, phường Tân Phú, thuộc khu dân cư Phú Mỹ Hưng, quận 7. Trước khi đến sống tại Phú Mỹ Hưng, chị đã từng sống tại các chung cư Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận) và Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh). Chị Hoa cho biết chung cư ngày nay đã văn minh hơn rất nhiều, ý thức của cư dân cũng chuyển biến rõ rệt. “Mỗi khi về thăm hàng xóm cũ, tôi cảm nhận rất rõ các chung cư đã sạch sẽ, an toàn, văn hóa hơn so với trước” - chị Hoa nói.
Sống chan hòa, rộng lượng
Sống tại căn hộ 401, lô B1 chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, chị NTTL cho biết trước khi dọn tới đây sinh sống, cả gia đình chị đã chuẩn bị khá kỹ về tâm lý. Theo chị, anh em trong nhà còn có khi va chạm nên không thể cầu toàn mọi thứ được. “Để sống tốt ở chung cư, mọi người cần rộng lượng hơn một chút. Tất cả hãy dẹp bớt cái tôi của mình, đặt mình vào hoàn cảnh của những người bị làm phiền, người ở tầng trên hiểu cho người ở tầng dưới một chút thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn” - chị NTTL chia sẻ.
Ở chung cư Ngô Tất Tố, các bậc cha mẹ biết nhau qua những đứa trẻ con. Từ đó, họ dần trở nên thân thiết, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong những lúc ốm đau, thậm chí còn hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Chị Huệ kể, có một gia đình lúc mới tới sống rất khép kín, không cho con cái chơi với những đứa trẻ nhà bên. Nhưng dù cha mẹ có “ngăn sông cấm chợ” thì trẻ con vẫn luôn tìm cách để kết nối với nhau. Vào các ngày lễ, tết, các gia đình trong chung cư thường tổ chức vui chơi chung cho các em. Dù bị cấm nhưng những đứa trẻ này vẫn tìm cách tham gia. Điều này khiến cha mẹ các em nhận thấy rằng sống lạnh lùng, khép kín là thiệt thòi cho bản thân gia đình họ. Từ đó, họ đã cởi mở, thân thiện hơn với mọi người.
Không phải môi trường chung cư nào cũng được như các trường hợp kể trên. Không ít người tiết lộ gần như họ không biết mặt, biết tên hàng xóm do đi làm cả ngày, tối về nhà chỉ đóng cửa ở trong nhà. Tuy nhiên, những câu chuyện trên đây cũng đã phần nào cho thấy văn hóa và văn minh trong các chung cư TP đã có sự chuyển biến tích cực. Tổng giám đốc của một công ty kinh doanh bất động sản ở quận Bình Thạnh cho rằng nhiều người có tiền chọn sống ở chung cư không phải để tận hưởng những căn hộ đắt tiền với tiện nghi sang trọng. Mục đích chính của họ là đi tìm một không gian sống văn hóa cao, đậm tình người - điều họ không có được nếu sống trong những căn biệt thự biệt lập.
Không có chung cư nào hoàn hảo tuyệt đối và những chuyện đụng chạm, xích mích vẫn có thể xảy ra. Cơ bản là mỗi người phải tìm cách dung hòa làm sao để những người không quen biết, không cùng quê hương xứ sở, nếp sống văn hóa cũng có thể sống hòa hợp và trật tự với nhau trong một không gian vừa phải.
(Theo SGGP)