Mỗi dịp lễ hội đầu xuân đến, hàng nghìn du khách khắp nơi đổ về chốn đền chùa linh thiêng vừa để cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, vừa là dịp để du lịch, vãn cảnh. Tuy nhiên, không ít những cảnh “chướng tai gai mắt” làm mất mỹ quan nơi cửa Phật.
“Ép” Thánh nhận tiền
Đến bất cứ đền chùa nào đều có hòm công đức đặt dưới mỗi ban thờ. Tuy nhiên, không biết do vô tình hay hữu ý mà nhiều du khách đến lễ Phật tranh nhau đặt ở bất cứ nơi nào có thể để. Tại Phủ Tây Hồ vào những ngày Lễ, Tết, mùng 1, ngày Rằm hàng tháng, bất cứ ai cũng có thể chứng kiến cảnh tiền lẻ vương vãi khắp nơi: từ gốc cây, cánh cửa cho đến râu ông hộ pháp…
Còn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám không biết từ bao giờ việc rải tiền khắp mái nhà cầu may mắn đã trở thành một “thông lệ” không thể thiếu. Tiền với các mệnh giá khác nhau, đến từ nhiều nước trên thế giới được phủ trắng mái nhà lợp ngói mũi hài. Điều đặc biệt là nhiều du khách lần đầu đến
Văn Miếu, không biết việc tung tiền lên mái nhà có ý nghĩa gì nhưng thấy nhiều người làm nên cũng “vô tư” làm theo.
Không chỉ ở Hà Nội, mà ở nhiều ngôi đền chùa nổi tiếng miền Bắc cũng xảy ra những hiện tượng tương tự. Chị Lê Duyên (Nhân viên Công ty phần mềm kế toán 1VS, Hà Nội) cho biết: Chị vừa đi chùa Bái Đính cùng công ty về. Điều chị thấy phản cảm nhất là du khách thập phương khi đến Lễ chùa thi nhau ném tiền xuống giếng Ngọc. Mặc dù, Ban quản lý đã nhắc nhở nhưng tình trạng này vẫn không được khắc phục. Theo chị Duyên, với tốc độ ném tiền xuống giếng Ngọc như hiện nay thì chả mấy chốc giếng Ngọc biến thành giếng bẩn.
Còn chị Mã Chinh (Từ Sơn, Bắc Ninh) vẫn còn “sợ hãi” khi lần đầu đến đền Bà Chúa Kho. Chị Chinh chia sẻ: Mọi người đi lễ rải tiền khắp nơi trong đền. Những người cố chen vào trong không được thì đứng ngoài vừa khấn, vừa cố “ném” tiền vào ban thờ. Không ai nhường ai, mọi người đều tìm mọi cách để rải tiền và xin được “nợ” Bà Chúa Kho. Bản thân chị Chinh mặc dù ở Bắc Ninh nhưng lần đầu tiên đi, không biết lễ bái thế nào chỉ thấy bị chèn ép, co kéo đến không chịu nổi phải tìm cách thoát ra khỏi biển người.
Kinh doanh đồ tươi sống nơi cửa Phật
Nếu nạn ép Thánh nhận tiền là từ những du khách thập phương thì chuyện kinh doanh đồ tươi sống lại là cách hái ra tiền của các thương nhân đã quen việc buôn bán nơi đất Phật.
Việc kinh doanh đồ ăn uống bên cạnh các khu đền chùa, di tích lịch sử là chuyện bình thường, không đáng nói. Tuy nhiên, giữa chốn thanh tịnh, không vương bụi trần mà nhiều người vẫn “ngang nhiên” buôn bán thịt tươi sống tạo nên bức tranh phản cảm đã đặt ra dấu chấm hỏi về việc ứng xử văn hóa ở chốn chùa chiền, linh thiêng.
Bất cứ du khách nào đến chùa Hương, Yên Tử dù chỉ một lần cũng không thể quên cảnh các hàng quán bày bán thịt thú rừng la liệt. Thú rừng với đủ chủng loại như hươu, nai.. được giết thịt mang bán phục vụ khách thập phương. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc, nhưng các hàng quán này vẫn không được dẹp bỏ hoàn toàn. Nhiều du khách vừa lễ phật xong vẫn “hồn nhiên” mua thịt thú rừng về làm quà. Không chỉ mua về làm quà, nhiều người còn mang thịt sống vào lễ Phật.
Không bán đồ tươi sống như chùa Hương hay
chùa Yên Tử, nhưng đoạn đường dài dẫn vào phủ Tây Hồ lại bày bán la liệt nhừng đồ ăn mặn, được chế biến hấp dẫn như: bánh tôm Hồ Tây, chim quay…Nhiều loại thực phẩm trong danh sách cấm, vẫn được bày bán và thu hút không ít du khách đi lễ chùa.
Theo bác Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) thì bác là một Phật tử thường xuyên lễ ở phủ Tây Hồ, mỗi lần đi qua hàng bán đồ ăn uống bác lại cảm thấy “sợ”. Vẫn biết việc ăn uống hay quan niệm thế nào là do mỗi người. Nhưng việc bán đồ ăn mặn ngay trước cổng phủ theo bác là không nên.
Bên cạnh tình trạng vung tiền khắp nơi chốn cửa Phật hay buôn bán đồ tươi sống còn rất nhiều hiện tượng nhức nhối vẫn tồn tại ở khắp các chùa chiền, miếu mạo linh thiêng. Điển hình như việc “buôn thần bán thánh” ở đền Trần (Nam Định), hay việc tổ chức trò chơi may rủi…vẫn diễn ra ở nhiều đền chùa.
Những hiện tượng này đã phần nào làm mất đi nét đẹp văn hóa của người Việt, gây phản cảm đối với những người đi lễ nghiêm túc và làm mất tính tôn nghiêm nơi thời tự, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục. Thiết nghĩ, nếu cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh hơn với những trường hợp vi phạm nơi lễ chùa và mỗi người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nơi tôn nghiêm thì những nét đẹp nơi lễ chùa sẽ được lưu giữ trọn vẹn hơn.
Liên Văn