Đó là mục tiêu CBRE Việt Nam đặt ra cho năm 2011 mặc dù thị trường địa ốc được dự báo vẫn còn nhiều thách thức.
Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2011 được dự báo sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức, nhất là phân khúc bán lẻ và căn hộ. Tuy nhiên, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, vẫn lạc quan với mục tiêu tăng trưởng 40% mà Công ty đặt ra cho năm nay.
CBRE Việt Nam đã và sẽ làm gì để đạt mục tiêu trên?
Trước tiên, chúng tôi lập ra một nhóm chuyên ngành về khách sạn. Nhóm này đã liên kết với mạng lưới khách sạn của CBRE toàn cầu và chúng tôi sẽ giúp các chủ đầu tư bất động sản tại Việt Nam tìm những đối tác quản lý các chuỗi khách sạn lớn và đáng tin cậy trên thế giới như The Four Season, Le Meridien để ký hợp đồng quản lý thương hiệu.
Tiếp đến, chúng tôi cũng tăng cường nhóm quản lý dự án theo nhu cầu của thị trường. CBRE Việt Nam đang giúp một công ty công nghệ thông tin của Mỹ tìm kiếm nhân sự quản lý dự án chuyên nghiệp gồm thuê thầu, kiến trúc sư thiết kế và mua sắm trang thiết bị nội thất. Sau cùng, chúng tôi sẽ sử dụng kinh nghiệm cũng như cơ sở dữ liệu của mình để hợp tác tốt với khách hàng cũng như các công ty môi giới bất động sản khác.
Dự báo thị trường bất động sản 2011 của CBRE Việt Nam cho rằng, bán lẻ là mảng nóng nhất trong năm. Ông có thể giải thích về nhận định này?
Thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm qua có một số điểm nổi bật như dự án Vincom được đưa vào hoạt động với trải nghiệm mua sắm dành cho gia đình cùng các tiện ích phục vụ cho ẩm thực.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có được một mặt bằng bán lẻ đúng nghĩa để đáp ứng chủ yếu cho những mục đích như vậy. Nhà đầu tư các chuỗi siêu thị lớn ở nước ngoài khi đến đây vẫn chưa thể tìm được mặt bằng bán lẻ mang tính chất chuyên nghiệp. Vì thế, họ buộc phải chọn cách nâng cấp những nhà phố và cửa hàng tại khu vực trung tâm như đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Mạc Thị Bưởi, thậm chí sang cả các quận khác như quận 4, quận 5.
Một vấn đề nữa là lĩnh vực thuê mặt bằng bán lẻ rất rủi ro vì hợp đồng thường ngắn hạn và phụ thuộc vào tính khí thất thường của chủ bất động sản. Tôi cho rằng, nhu cầu mặt bằng bán lẻ vẫn tiếp tục cao trong năm 2011. Hiện nay, mỗi ngày, trong 4 nhu cầu về dịch vụ bất động sản gửi đến chúng tôi thì có 1 là bán lẻ. Dự kiến, tổng diện tích xây dựng cho bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2011 sẽ lên đến 147.000 m2.
Dự báo thị trường của CBRE Việt Nam cũng cho rằng các chủ đầu tư có thể sẽ tăng gấp 3-4 lần kinh phí cho quảng cáo và tiếp thị đối với mảng căn hộ trong năm 2011. Ông nghĩ gì về việc này?
Chừng nào các gia đình tại Việt Nam còn cần nơi ăn chốn ở thì họ vẫn có nhu cầu mua căn hộ. Hơn nữa, một bộ phận xã hội Việt Nam đang có cuộc sống khá sung túc, thể hiện qua việc chi tiêu cho điện thoại di động, mua sắm xe hơi đắt tiền, đi du lịch nước ngoài, thời trang cao cấp. Khi có tiền, điều đầu tiên họ nghĩ đến là an cư lạc nghiệp, nghĩa là đầu tư nhà cửa.
Ngoài việc tăng kinh phí quảng cáo và tiếp thị, các chủ đầu tư sẽ dùng chiến thuật gì để kích cầu thị trường căn hộ?
Bước vào năm 2011, các chủ đầu tư đang tồn đọng một số lượng lớn căn hộ lên đến khoảng 80.000 căn và sẽ có thêm khoảng 40.000 căn nữa sắp được đưa ra thị trường. Vì vậy, các chủ đầu tư cần có những chiến lược khác biệt để có thể bán hay cho thuê bất động sản của mình.
Ngoài tăng kinh phí quảng cáo và tiếp thị, chủ đầu tư sẽ đưa ra các hình thức thanh toán linh hoạt hơn, sử dụng nhiều đại lý tiếp thị khác nhau cũng như tổ chức đội ngũ bán hàng của chính mình. Nhiều chủ đầu tư cũng sẽ xem xét việc mua bán và sáp nhập nhằm đẩy mạnh kinh doanh và chủ động nguồn tài chính.
(Theo NCĐT)