> Bầu Đức rót vốn xây 2 sân bay tại Lào
> CEO VinaCapital rời Hội đồng Quản trị VinaLand
> Từ lễ tân trở thành giám đốc kinh doanh khách sạn 5 sao
Buộc phải nghỉ học từ năm lớp 6, 12 tuổi đã một mình ở lại đất Sài Gòn kiếm sống, từ hai bàn tay trắng chị đã trở thành Chủ tịch HĐQT của một công ty lớn.
Bắt đầu cuộc hành trình kiếm tìm những giá trị cuộc sống ở đất Sài Gòn hoa lệ với xuất phát điểm không hơn gì ai, người phụ nữ ấy đã phải nếm trải biết bao khổ cực, nhưng vẫn gắng sức xây nên ước mơ của mình. Chị là Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Khang Thông.
Miền ký ức buồn
Thuở nhỏ, Phan Thị Phương Thảo may mắn được lớn lên trong một gia đình kinh tế khá giả. Thế nhưng, cuộc sống của gia đình chị cũng như biết bao người dân khác vẫn nơm nớp lo âu vì chiến tranh. Và cái điều chẳng ai mong muốn vẫn cứ ập đến - hàng nghìn tấn bom dội xuống cả dải đất miền Nam, cơ ngơi của gia đình chị trên tỉnh Bình Dương cũng biến mất sau những tiếng nổ dài. Ba mẹ chị phải lao vào làm việc bằng tất cả sức lực để lo cho 7 đứa con, nhưng rốt cuộc vẫn thiếu trước hụt sau.
Nhưng điều mà vị Chủ tịch tương lai của Khang Thông buồn nhất không phải vì cảnh thiếu thốn của gia đình, mà bởi chị không thể tiếp tục mơ ước được mặc chiếc áo dài trắng đến trường.
Nghỉ học khi mới vào lớp 6, Phan Thị Phương Thảo ở nhà làm mọi việc, chăm sóc các em để ba mẹ yên tâm đi làm và cũng để anh trai có điều kiện học lên cao hơn.
Chị tâm sự: "Hai năm liền, gia đình luôn sống trong cảnh túng quẫn, nhưng trong lúc ấy mọi người đều rất yêu thương đùm bọc cho nhau. Ông bà nội tôi thấy cuộc sống của con cháu vất vả quá nên kêu về quê ở Long An cho 8 công ruộng làm ăn. Lúc đó, tôi không về quê cùng ba mẹ mà lên Sài Gòn giúp việc cho dì ruột".
12 tuổi, Phan Thị Phương Thảo bị cuốn vào những công việc tưởng chừng lặt vặt như: lau nhà, giặt và ủi đồ, nấu cơm... nhưng cũng ngốn hết thời từ sáng sớm tới khuya. Ấy vậy mà chị vẫn làm băng băng hết mọi việc, không để ai phải phiền lòng vì mình.
Ba năm trời trong vai trò của người giúp việc rồi cũng qua đi, chị trở về phụ ba mẹ bán đồ gốm và lo việc đồng áng. Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi khi chị vâng lời cha mẹ đi làm dâu đúng vào tuổi 16 - cái tuổi được coi là đẹp nhất trong cuộc đời của người con gái. Vài tháng sau, chồng chị theo bạn vượt biên. Chị trở về với ba mẹ, nhưng nhà nghèo quá, dù có làm quần quật từ sáng tới tối cũng chẳng kiếm đủ gạo nuôi chục miệng ăn.
Chị Thảo chia sẻ: "Tôi trộm nghĩ, mình không thể cứ sống cực mãi như vậy cho nên quyết định đi làm thuê kiếm sống. Sau mỗi lần đi làm mướn, tôi lại dành dụm ít tiền, chờ cơ hội ra đi với ước muốn mình sẽ trở nên giàu có để ba mẹ và các em không phải khổ nữa. Đến lúc đã có một khoản tiền nho nhỏ, tôi giấu ba mẹ rời nhà vào đêm khuya, không dám đi đường lớn vì sợ lộ mà phải lội ruộng ra khỏi làng".
Cuốc bộ hơn 20km mới ra tới điểm đón xe đò về thành phố, chị dự định xuống nhà ông bà ngoại ở Tây Ninh kiếm việc làm. Nhưng thật không may, vừa bước xuống bến xe chợ Lớn, chị bị lừa hết sạch cả quần áo và số tiền ít ỏi.
Vậy là trắng tay, chị không thể đến Tây Ninh và cũng chẳng dám tới nhà dì. Loanh quanh trong khu chợ Lớn 3 ngày liền kiếm việc làm thuê mà chẳng được, cơm không được ăn, tối đến lại phải ngủ ngay trên ghế đá, có khi may mắn thì tựa nhờ vào cổng một công ty nào đó thiếp đi.
"Sang ngày thứ tư, tôi gần như đã kiệt sức, run rủi thế nào chị lại đến đúng quán cơm của đôi vợ chồng người Hoa và được họ đồng ý nhận vào rửa bát. Vừa đói vừa khát, tôi cầm chén cơm trên tay mà mắt ướt nhòe, thấy tủi thân vô chừng" – chị Thảo hồi tưởng.
Dù rất cực nhọc, chị chưa một lần than thân trách phận. Đêm khuya, chị còn kiếm thêm tiền bằng cách giặt đồ thuê cho chính những người làm mướn như mình. Thành quả từ việc lao động cật lực suốt 2 năm trời là chị mua được một chỉ vàng. Nhờ một chỉ vàng đó, chị bắt đầu kiếm tìm những cơ hội thay đổi cuộc đời mình vào những năm sau này.
Con đường khởi nghiệp
Có chút vốn trong tay, chị xin nghỉ việc về quê dùng một chỉ vàng đó buôn lúa với mẹ. Rồi khi phát hiện buôn chiếu có lời hơn, chị bỏ công học cách in hoa văn đồng thời thuê thợ làm cùng. Vài năm buôn chiếu, chị lặn lội xuống các tỉnh bỏ mối và kiếm được chút vốn liếng.
Run rủi thế nào, trong những năm đi đổ chiếu, chị Thảo tình cờ quen một người bạn và được chồng của người bạn đó giúp đỡ ra Vũng Tàu mở quán cơm bình dân. Chưa tới nửa năm, chị đã gây dựng được uy tín nên mỗi ngày có cả trăm người tới ăn. Dành giụm được thêm ít tiền, chị kiêm cả buôn sắt vụn tại mấy khu công trình và cất được một căn nhà nhỏ.
Có thể nói, những gì mà chị giành được vào lúc đó là cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi, thậm chí phải đánh đổi bằng tất cả những năm tháng đẹp nhất của một người phụ nữ. Nếu không có sự đánh đổi ấy, có lẽ sẽ chẳng có Phan Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT của một công ty vào loại có tiếng ở đất Sài Gòn. Vậy làm thế nào mà bà chủ quán cơm bình dân lại trở thành người đứng đầu một doanh nghiệp có số vốn hoạt động lên tới cả nghìn tỷ đồng?
Trở lại giai đoạn ở Vũng Tàu, chị Thảo thường thấy tiếp một người phụ nữ đi xe hơi ghé quán ăn cơm. Lúc đó, chị tự ngẫm: Không hiểu người ta làm gì mà giàu thế? Vài lần nói chuyện, chị biết được người phụ nữ kia đổ đá cho các công trình. Tưởng rằng chỉ như thế là kiếm được tiền, chị nhờ vả chồng của người bạn làm trong Công ty xây dựng Hòa Bình cho đổ đá nhờ, nhưng không hiểu rằng họ chỉ làm việc với những đơn vị chuyên cung cấp và chỉ được thanh toán tiền khi công trình đã hoàn thành.
Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục đến các công trình khác xin hợp tác. Cuối cùng, chị cũng giành được quyền bán tấm ván ép và đổ đá chẻ làm bờ kè cho chủ một công trình, do họ chưa ký hợp đồng với đơn vị nào. Lần hợp tác đó, chị kiếm được tới 80 triệu đồng - con số không hề nhỏ ở vào thời điểm năm 1993.
Sau công trình đó, chị chẳng còn mối nào làm tiếp, nhưng vẫn quyết tâm tìm kiếm cơ hội mới. Nghĩ vậy, chị giao lại quán cơm cho em gái, còn mình mua một chiếc xe máy chạy lên Bà Rịa lấy hai bao cát và đá đi chào bán.
Chị Thảo nhớ lại: "Ngày nào cũng vậy, tôi chạy xe ít nhất vài chục cây số, cứ chỗ nào có công trình là tấp vô mời họ mua. Nghĩ lại thấy mình lúc đó sao ngây ngô quá, vì thế mà suốt gần 4 tháng trời, tôi chẳng bán được bao nào. Một lần, tôi chạy từ Vũng Tàu lên Sài Gòn thì bị hai người đàn ông va phải. Sau khi đưa vào trạm xá băng vết thương, họ mời tôi uống nước và biết được sự tình nên đồng ý giúp đỡ. Hôm sau, họ đưa tôi vô xem mỏ cát và hướng dẫn cách chọn hàng. Ban đầu, tôi có biết chi đâu, nên họ cũng đứng ra giới thiệu các mối quen mua hàng. Tôi quyết định đầu tư 80 triệu mới kiếm được mua một cái máy sàng cát và có được những thành quả lớn hơn và đi lên từ đó".
Bí quyết thành công
Tuy là người đứng đầu một doanh nghiệp lớn ở đất Sài Gòn, nhưng khi tiếp xúc với chị, người ta có thể dễ dàng cảm nhận những nét tính cách mộc mạc của một cô gái thôn quê thuở nào. Mười mấy năm trời lặn lộn với cuộc sống thành thị, vị Chủ tịch của Khang Thông đã phải nếm trải biết bao nỗi cơ cực, nhưng vẫn luôn là người chiến thắng, biết đạp bằng mọi khó khăn để tìm cho mình lối đi đúng đắn nhất. Cũng chính vì vậy, chị cảm nhận rất rõ cuộc sống của những người lao động nghèo – đó là lý do vì sao vị chủ tịch của Khang Thông thường xuyên dùng cơm trưa với nhân viên.
Chị bày tỏ quan điểm: "Ngày xưa nghèo quá, miếng ăn là quý, chứ giờ điều đó đâu còn quan trọng nữa. Tôi chẳng có nhu cầu gì nhiều cho bản thân, hơn nữa tiếp xúc nhiều với anh chị em trong công ty sẽ giúp tôi và họ hiểu nhau hơn. Tôi đã chứng kiến quá nhiều bài học rồi và biết chắc chắn rằng, doanh nghiệp sẽ thất bại nếu điều hành bằng tiền và quyền lực. Ngược lại, lãnh đạo doanh nghiệp có tâm sáng thì sẽ khiến anh em đoàn kết. Sự quan tâm ấy phải được thể hiện bằng thực tế, ví như: Gia đình người lao động gặp khó khăn, lãnh đạo có biết chia sẻ không? Trong lúc thóc cao, gạo kém thế này, phải làm gì hỗ trợ? Tôi nghĩ rằng, hãy thể hiện bằng hành động chứ đừng nói xuông, có như thế thì người lao động mới tận tụy với công việc được".
Nhiều năm lăn lộn trên thương trường, vị Chủ tịch của Khang Thông luôn nghiêm khắc với bản thân mình. Chị luôn giữ một nguyên tắc bất di bất dịch là phải trung thực với khách hàng. Từ hồi mới bắt đầu những hợp đồng nhỏ nhất, chị luôn đúng hẹn và không để khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, chị cũng tỏ ra rất “khắt khe” ngay từ khâu tuyển nhân sự. “Mỗi vị trí trong công ty đều có tính chuyên trách và tầm quan trọng riêng, thế nên tốt nhất là phải nghiêm khắc ngay từ đầu thì sẽ thuận lợi cho cả bộ máy trong quá trình hoạt động sau này. Tôi cho rằng, lãnh đạo giỏi không hẳn là người có thể làm được tất cả mọi việc mà phải có khả năng tập hợp số đông để phát huy sức mạnh. Hơn thế nữa, lãnh đạo của một doanh nghiệp còn phải là biết sử dụng những người giỏi hơn mình. Tôi hiểu và luôn cố gắng để làm được điều đó vì sự phát triển của Khang Thông”, chị Thảo chia sẻ.
Ba mươi năm là khoảng thời gian không ngắn trong cuộc đời của một con người, nhưng chẳng phải ai cũng dám đi tới cùng với mơ ước của mình. Sài Gòn ngày ấy giờ đã đổi thay và vị Chủ tịch của Khang Thông vẫn đang viết tiếp mơ ước của mình.
Chị xứng đáng là một tấm gương sáng chứng minh cho giới trẻ hiện nay một điều là chỉ cần nỗ lực hết mình, thành công sẽ đến với chúng ta. Và, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
CTCP Xây Dựng Thương Mại Dịch Vụ Khang Thông (CTCP Tập đoàn Khang Thông) được thành lập ngày 13 tháng 10 năm 2004 theo giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh số 4102025485 được cấp bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong những năm đầu mới thành lập, hoạt động chính của Công ty CP Tập đoàn Khang Thông là khai thác cát, san lấp mặt bằng, thi công hạ tầng khu công nghiệp.
Dự an tiêu biểu của Khang Thông: Khu phức hợp giải trí Khang Thông (HappyLand) - Long An.
|
(Theo GDVN)