SearchNews

Tỷ phú đất Quảng đi lên từ ám ảnh đốn củi đốt than

26/10/2011 12:01

Năm 2000, ý tưởng về chiếc bếp sử dụng năng lượng mặt trời của Nguyễn Tấn Bích được triển khai. Ý tưởng này đạt giải nhì toàn quốc trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam 2009 và giúp anh trở thành doanh nhân thành công ở Quảng Ngãi.

Năm 2000, ý tưởng về chiếc bếp sử dụng năng lượng mặt trời của Nguyễn Tấn Bích được triển khai. Ý tưởng này đạt giải nhì toàn quốc trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam 2009 và giúp anh trở thành doanh nhân thành công ở Quảng Ngãi.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo khó ở Quảng Ngãi, hơn ai hết, Nguyễn Tấn Bích đã thấm thía sự nghèo đói, cơ cực của những người dân nơi đây. Khi gánh củi trên vai người phụ nữ và những trẻ em nghèo ngày càng nhiều cũng là lúc màu xanh của cánh rừng ngày một biến mất, anh Bích quyết tâm phải tìm ra lối thoát, thay đổi lối sống, sinh hoạt truyền thống này, cho người dân bớt cơ cực.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, từng dở dang trên con đường học vấn. Khi mới học xong lớp 9 anh phải nghỉ học ở nhà làm ruộng phụ giúp cha mẹ. Hơn hai năm sau, anh Bích mới có cơ hội lên thành phố vừa làm vừa học. Nhưng niềm đau đáu về những gánh củi trên vai người dân quê cộng với lòng say mê nghiên cứu, học hỏi, năm 1997, anh Nguyễn Tấn Bích bắt đầu nghiên cứu và chế tạo ra chiếc bếp năng lượng mặt trời (NLMT) đầu tiên. Đây là thành quả sau những tháng ngày miệt mài tìm tòi, nghiên cứu và khao khát cải thiện việc đun nấu cho người dân.

Năm 2000, ý tưởng về những chiếc bếp sử dụng NLMT được Trường Đại Học bách khoa Đà Nẵng đưa vào Dự án triển khai ứng dụng bếp năng lượng mặt trời và lấy tên là tổ chức Solar Serve (Phục vụ năng lượng mặt trời). Ý tưởng này cũng đạt giải nhì toàn quốc trong cuộc thi VIFOTEC - Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam 2009.

Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các thiết bị về năng lượng mặt trời và tính đến nay, đã cho ra thị trường hàng ngàn bếp NLMT, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và giảm đáng kể vấn nạn chặt phá rừng. Tháng 9 vừa qua, anh Bích được bình chọn là một trong số 15 doanh nhân xã hội của năm, trong đó, bếp NLMT có mặt trong 10 sáng kiến phục vụ cộng đồng do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) đánh giá xếp loại giai đoạn cất cánh.

Ở những vùng quê nghèo, người dân vẫn quen với việc sử dụng năng lượng nhiệt theo phương pháp truyền thống, họ vẫn vô tư đốn củi đốt than mà không để ý tới hậu quả khôn lường, thậm chí có người còn chẳng biết tới hậu quả ấy.

Vì thế, việc đưa bếp NLMT thay thế quả thực không hề đơn giản. Anh Bích phải cùng nhiều anh em khác tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cho người dân. Sau đó, các anh bắt đầu mở lớp tập huấn hướng dẫn mọi người cách sử dụng bếp NLMT, kêu gọi các nhà hảo tâm để có chính sách hỗ trợ hợp lý cho những hộ dân vùng nông thôn. Với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh Bích cố gắng vận động để có thể hỗ trợ 100% chi phí, áp dụng phương pháp ưu đãi trợ giá hoặc trả góp đối với các hộ nghèo.

Kể từ khi Solar Serve đi vào hoạt động, doanh nghiệp này đã chú ý tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Đến nay, doanh nghiệp của anh đã có khoảng 7 bạn khiếm thính được đào tạo để có nghề nghiệp ổn định và một số bạn đã lập gia đình, sắp có con. Anh Bích chia sẻ: "Trong tương lai, chúng tôi dự định nhận và đào tạo thêm cho các bạn khuyết tật, giúp họ có công ăn việc làm ổn định cuộc sống".

Theo anh, các bạn trẻ ngày nay nên chung tay đóng góp công sức và trí tuệ của mình để đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội. Điều đó giúp chúng ta hạnh phúc và mọi việc ta làm đều ý nghĩa hơn nhiều. Phải chăng, chính tâm niệm ấy đã giúp anh Bích thành công từ như ngày hôm nay.

Chỉ nói thôi… chưa đủ

Để những chiếc bếp NLMT đến với người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và để họ đón nhận, quả thực, anh Bích đã trải qua không ít khó khăn. "Thật sự, dự án này chưa hề có sự quan tâm nào từ phía chính quyền hay nhà nước, tất cả các mặt hàng về sử dụng NLMT này khi đưa vào kinh doanh đều phải chịu thuế như nhau, kể cả nguồn vốn vay cũng không hề có chính sách ưu đãi" - anh Bích tâm sự. Nhưng trên con đường tự mày mò ấy, doanh nhân thuộc thế hệ 6X này vẫn không chùn bước bởi anh tin rằng, một ngày nào đó, NLMT sẽ được ứng dụng phổ biến và người dân sẽ hiểu ra giá trị thực sự của nó đối với cuộc sống.

Một kỷ niệm khiến anh Bích nhớ mãi trong những năm tháng hành trình đưa bếp NLMT đến với người dân vùng nông thôn là đợt đi vào miền đất Ninh Thuận đầy nắng gió. Khi vào trong làng của người Chăm, trên đường vào làng, thỉnh thoảng lại bắt gặp những tấm biển ghi đầy khẩu hiệu về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường: "Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường", "Cấm chặt phá rừng", hay "Rừng là vàng"... Thế nhưng, một điều đáng ngạc nhiên là càng đi sâu vào trong làng, trên các ngọn núi, chỉ trơ trọi đá mà tuyệt nhiên không có một ngọn cây nào, nhìn mãi cũng không thấy được màu xanh của rừng.

Anh Bích cho rằng, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng ở nước ta hiện nay là 2 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng thực hiện chương trình đó sao cho hiệu quả lại là vấn đề cần xem lại. “Chúng ta không chỉ nói mà phải có hành động cụ thể, lâu dài".

Anh lấy dẫn chứng như dự án trồng rừng ngập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hàng nghìn ha cây được trồng xuống nhưng khi vừa trưởng thành, người dân lại chặt vì lý do không có than củi đun nấu. Điều đó chứng tỏ sự luẩn quẩn trong vòng tròn phá rừng, hủy hoại môi trường. "Giải pháp lâu dài vẫn là giải quyết vấn đề chất đốt cho người dân, đổi mới tư duy theo lối mòn của họ. NLMT có thể giải quyết bài toán này nhưng chúng ta có thật sự ủng hộ và đưa nó vào cuộc sống hằng ngày hay không mới là điều quan trọng.

(Theo Bưu điện Việt Nam)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu