SearchNews

Hà Nội: Tên đường phố cũng còn nhiều bất cập

23/09/2011 11:06

Loanh quanh một vòng Hà Nội và để ý một chút sẽ dễ dàng nhận ra nhiều phức tạp, rắc rối, phiền lụy, bất cập trong cách đặt tên các đường phố.

Việc đặt tên đường phố ở TP HCM

Việc người dân loanh quanh toát mồ hôi với việc tìm đường, tìm nhà ở Hà Nội dù có địa chỉ rất chi tiết đã được coi như chuyện thường ngày. Nhiều tuyến đường, con phố mới mọc lên chưa được đặt tên. Nhiều khu dân cư lâu đời vẫn trong tình trạng “nhà không số, phố không tên”. Nhiều biển hiệu, tên đường có các cách gọi, cách đặt khác nhau. Nhiều tuyến đường lại bị đánh số lung tung, không theo quy luật nào, nhất là đối với các khu đặt tên theo dạng chung cư: lô, cụm…Tên gọi đường phố còn thêm phần lộn xộn với nhiều tên gọi tự phát hay gắn theo các cụm từ như “mới” “kéo dài”… Đó cũng chỉ là một phần trong số những bất cập về tên gọi đường phố ở Hà Nội.

Hiện nay, cách đặt tên đường phố ở Hà Nội kết hợp 5 cách đặt tên cơ bản: Đặt tên theo địa danh; Đặt tên theo nghề cổ truyền; Đặt tên theo danh nhân; Đặt tên theo di tích lịch sử văn hóa ; Đặt tên theo sự kiện lịch sử. Trong các cách này thì cách đặt tên theo danh nhân là phổ biến song cũng chứa đựng nhiều bất cập nhất. Theo số liệu thống kê cuối năm 2010, HN có 891 đường phố, ngõ đã được đặt tên và một đại lộ (đại lộ Thăng Long). Trong đó có 354 đường mang tên địa danh, 433 đường mang tên danh nhân, 56 đường mang tên nghề cổ truyền và 48 đường mang dạng tên khác.

Đặt tên đường theo tên danh nhân ở thủ đô khá phức tạp. Cách làm hiện nay của Hà Nội là phân loại danh nhân theo các lĩnh vực hoạt động văn hóa - lịch sử, chính trị - cách mạng, khoa học – kỹ thuật, anh hùng liệt sĩ. Danh nhân thời kỳ cổ, trung, cận đại đã được lịch sử đánh giá thì không có gì phải bàn cãi (tuy vẫn còn một số trường hợp cần được lịch sử làm sáng tỏ). Đối với các danh nhân đương đại thì các bộ, ban, ngành chọn ra những nhân vật tiêu biểu. Người ta thường dựa vào công tích của họ, được tính bằng cấp độ huân chương, các danh hiệu cao quý nhà nước trao tặng. Tuy nhiên, việc xét mức độ lớn nhỏ của từng danh nhân lại không phải vấn đề ít phức tạp.

Việc dịnh danh cách gọi là Đường hay Phố cũng gây nhiều nhầm lẫn không đáng có. Người ta tự hỏi không hiểu vì cái lý gì mà những đường không có quy mô lớn lắm như các đường: Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng… lại được gọi chung là Đường như các đường lớn khác: đường Nguyễn Trãi, đường Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Quốc Việt… và những phố có quy mô khá lớn như phố Liễu Giai, phố Láng Hạ… lại cũng được gọi là Phố với các phố khác nhỏ hẹp hơn nhiều: phố Kim Mã Thượng, Phố Vĩnh Hồ, phố Quan Nhân…

Theo Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và các công trình công cộng (Ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ) thì “Đường là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm các trục chính trên địa bàn đô thị, các tuyến vành đai, liên tỉnh” còn “Phố là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị, hai bên phố thường có các công trình kế tiếp nhau như nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu”.

Sau khi địa giới Hà Nội được mở rộng, sự bất cập do trùng tên đường phố cũng là một vấn đề đã được chỉ ra. Có tới 63 đường phố mang tên danh nhân ở Hà Đông, Sơn Tây bị trùng tên với HN (khi chưa sáp nhập), trong đó có 11 tên đường phố được đặt ở cả 3 nơi. Cụ thể, quận Hà Đông có 77 đường phố, có 16 đường mang tên địa danh (một đường phố trùng tên với HN trước khi mở rộng là đường Vạn Phúc), 55 đường mang tên danh nhân (trong đó có 52 đường trùng tên với HN trước khi mở rộng) và 6 đường mang tên dạng khác.

Thị xã Sơn Tây có 38 đường phố, trong đó có 18 đường mang tên địa danh (1 đường trùng tên với HN là đường La Thành), 20 đường mang tên danh nhân đều trùng tên với HN trước khi mở rộng. Tháng 7/2009 HĐND thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên trạng tên các đường phố bị trùng lặp. Để tránh nhầm lẫn, cần ghi thông tin đầy đủ tên đường phố kèm theo tên, quận, thị xã. Tuy vậy, không thể nói phức tạp, bất cập vẫn tồn tại khá rõ trong đời sống và thủ tục hành chính.

Trong cách đặt tên đường phố ở Hà Nội cũng còn nhiều điểm không đồng nhất. Chẳng hạn, về tên ngõ, hẻm. Nhiều con ngõ, con hẻm được đặt tên bên cạnh đa phần các con ngõ, con hẻm được đánh số.

Mỗi giai đoạn lịch sử có một nhận thức cũng mang tính lực sử riêng. Việc đổi thay sửa chữa, điều chỉnh tên đường phố là không tránh khỏi song cũng cần làm một cách khoa học và hợp lý. Hà Nội từ năm 1954 đến nay thay đổi đến bảy lần quy hoạch, có 26 lần tổ chức đặt tên mới và điều chỉnh độ dài các đường phố. Nếu xây dựng quy hoạch các đô thị mới của Hà Nội có sự phối hợp liên ngành, từ quy hoạch phát triển mở rộng đô thị, đến quy hoạch giao thông, quy hoạch kiến trúc, kể cả việc đặt tên đường phố cũng có quy hoạch đồng bộ thì không thể có chuyện “trận đồ bát quái” như hiện nay.


MH

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu