SearchNews

TP HCM: Nhiều con đường đặt sai tên danh nhân

22/09/2011 14:02

Tên danh nhân tại nhiều con đường TP HCM đang bị viết sai khiến việc tưởng nhớ các bậc tiền nhân không còn ý nghĩa. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, việc sửa chữa rất phức tạp

Nằm trên địa bàn quận 5, thuộc khu vực Chợ Lớn, TP HCM, có một con đường được đặt tên là Lương Nhữ Học, nhưng theo các nhà sử học, tên chính xác của vị danh nhân này phải là Lương Như Hộc.

 

Lương Như Hộc là quan, một danh sĩ thời hậu Lê. Ông cũng là người hai lần làm sứ giả sang Trung Quốc và có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục (tỉnh Hải Dương ngày nay) khiến nghề in nơi đây trở nên phát triển. Chính vì vậy ông được tôn xưng là "ông tổ" nghề khắc ván in.

Một con đường khác trên địa bàn quận Phú Nhuận cũng được đặt tên không chính xác là Trương Quốc Dung thay vì phải là Trương Quốc Dụng. Theo một nhà sử học, trong lịch sử Việt Nam không có vị danh nhân nào như tên con đường đang có. Chỉ có ông Trương Quốc Dụng, là nhà văn, nhà sử học, nhà thiên văn nổi tiếng của Việt Nam và là người có công chấn hưng lịch pháp thời nhà Nguyễn.

Ngày 31/7/2009, khu lăng mộ và đền thờ đại học sĩ Trương Quốc Dụng ở xã Thạch Khê (Hà Tĩnh) cũng đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Một trường hợp khác, kỹ sư Kha Vạng Cân, nguyên là Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, còn là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của miền Nam, từng tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. Vậy mà không biết vì lý do gì khi đặt tên ông cho một con đường lớn ở quận Thủ Đức, người ta lại viết thành Kha Vạn Cân.

"Phần mộ của kỹ sư Kha Vạng Cân vẫn còn nằm trong nghĩa trang, con cháu ông đã ghi trên bia như thế, vậy mà mình lại viết tên ông sai, thật chẳng tôn kính chút nào", cụ Chiến nhà ở quận Thủ Đức cho biết.

Một con đường khác nằm trên địa bàn quận 1, được đặt tên là Nguyễn Thiệp. Trong lịch sử Việt Nam chỉ có nhân vật lịch sử tên là Nguyễn Thiếp, quê ở Hà Tĩnh, với tên hiệu là La Sơn Phu Tử. Ông là một danh sĩ thời hậu Lê, nổi tiếng văn tài lỗi lạc.

Trong cuốn sách "Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh" cũng ghi rõ là có con đường tên Nguyễn Thiếp bắt đầu từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ nhưng khi ghi bảng tên đường lại thành Nguyễn Thiệp.

Theo PGS, TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, đại biểu HĐND thành phố việc đặt tên đường tại TP HCM hiện nay còn nhiều sai sót, dẫn đến tình trạng viết sai tên danh nhân, trùng tên đường ở nhiều quận, huyện.

"Việc viết sai tên nhân vật lịch sử dù chỉ là một chữ cái, một dấu hỏi, dấu nặng cũng không thể coi là nhỏ. Khi phát hiện việc đặt tên danh nhân là sai thì phải sửa ngay nếu không thì việc đặt tên đường để tưởng nhớ công lao của những người đi trước sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nữa", vị PGS cho biết.

Còn theo Luật sư Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc TP HCM, người từng ở trong Hội đồng đặt tên đường cũng cho rằng việc đặt tên đường, số nhà cũng thể hiện sự văn minh, hiện đại của thành phố nhưng rất tiếc việc đặt tên đường tại TP HCM hiện nay còn rất nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng ghi sai tên danh nhân trên nhiều con đường.

"Chỉ cần thêm một dấu, một chữ cái là đúng chứ có khó khăn gì đâu, vậy mà những sai sót đó vẫn tồn tại từ bấy lâu nay, đó là sự thiếu tôn kính đối với tiền nhân", ông Đằng cho hay.

Ông Đằng cũng cho rằng để giải quyết triệt để chuyện số nhà, tên đường còn nhiều sai sót như hiện nay, các cơ quan chức năng nên ngồi lại một lần giải quyết cho xong, hạn chế gây phiền hà, rắc rối. Với những nhân vật lịch sử được chọn đặt tên đường tại các quận trung tâm, quen thuộc với nhiều người không nhất thiết phải thay đổi liên tục, gây xáo trộn sinh hoạt.

Cũng theo ông Đằng, cần mời được những người thật sự am hiểu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử địa phương nói riêng tham gia vào hội đồng để công việc đặt tên đường được chính xác, rõ ràng và ý nghĩa hơn.

bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (đơn vị thường trực Hội đồng đặt tên đường) cho biết, hội đồng đã thấy những sai sót trong vấn đề đặt tên đường. Tuy nhiên, thành phố đang có đề án khảo sát toàn bộ tình hình thực tế các tuyến đường tại TP HCM, lúc đó mới tổng hợp làm luôn một lần.

"Bây giờ mỗi chút mỗi sửa sẽ không khoa học. Việc đặt đổi tên đường nếu ai không biết thì cho rằng rất đơn giản, chỉ thay cái bảng tên là xong, nhưng thật ra rất phức tạp, là cả một quy trình", bà Anh cho hay.

Như vậy, trong khi chờ đề án khảo sát toàn bộ tên đường trên địa bàn hoàn thành thì tên các danh nhân lịch sử sẽ tiếp tục "bị" sai.

TP HCM hiện có khoảng 1.500 tuyến đường lớn nhỏ, trong số đó có đến 280 đường đặt trùng tên. Điều này gây khó khăn cho giao dịch, sinh hoạt hằng ngày của người dân, kể cả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

Chẳng hạn, nhân vật lịch sử Lê Lợi đã được gắn cho 5 tuyến đường. Ngoài đường Lê Lợi nằm ở quận 1, từ chợ Bến Thành đến Nhà hát thành phố, gắn với các hoạt động lễ hội, được nhiều người biết đến, còn xuất hiện đường Lê Lợi ở quận 9, Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp. Hoặc nhân vật lịch sử Lê Lai cũng đem gắn cho 3 đường khác ở quận 1, Tân Bình, Gò Vấp. Quang Trung lại được 4 quận huyện: Gò Vấp, quận 9, Hóc Môn, Củ Chi tranh nhau đặt tên. Danh nhân Nguyễn Công Trứ vừa ở quận 1, quận 9, Bình Thạnh và Thủ Đức...

(Theo VnExpress.net)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu