SearchNews

Xóa nhà siêu mỏng, siêu méo: Phải chăng đã “đánh trống bỏ dùi”?

24/10/2011 08:13

UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các địa phương xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình vẫn chưa được cải thiện, thậm chí là trầm trọng hơn.

UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các địa phương xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình vẫn chưa được cải thiện, thậm chí là trầm trọng hơn.

Điều này khiến người dân Thủ đô đang tỏ ra rất băn khoăn, phải chăng lãnh đạo thành phố đã "đánh trống bỏ dùi"?

Hành lang pháp lý chưa đủ mạnh

Theo thống kê, Hà Nội có trên 600 nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại qua nhiều năm gây mất mỹ quan đô thị, song thành phố chưa xử lý được. Các quận: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình là nơi có số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo lớn nhất. Tuy nhiên, qua nhiều năm vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo được các địa phương xử lý chưa dứt điểm.

Xung quanh vấn đề này, TS Phạm Sĩ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự xuất hiện của nhà siêu mỏng, siêu méo là khâu giải phóng mặt bằng. Ở nhiều dự án, việc giải phóng mặt bằng vô hình trung tạo nên những mảnh đất quá bé nằm chình ình trước các thửa đất phía sau. Vì nhiều lý do, các chủ sử dụng không thống nhất được việc hợp khối, để chủ sử dụng phía sau được có mặt tiền với giá trị đất gấp nhiều lần. Có tình trạng các chủ sử dụng nhất định không chuyển đi do không thống nhất được mức đền bù, buộc phải xây dựng làm mất mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, quy định trong các văn bản pháp lý cũng chưa chặt chẽ để buộc các chủ sử dụng không được xây dựng trên những mảnh đất chỉ 15m2. Biện pháp duy nhất là chính quyền phải đứng làm trung gian xử lý việc hợp khối nhà, hoặc nếu không thoả thuận được giữa các chủ sử dụng, thì Nhà nước đứng ra mua lại với giá đền bù thửa đất để sử dụng vào mục đích công cộng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Khắc Thọ – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Giải pháp hữu hiệu nhất chính là phải chủ động ngăn ngừa hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo ngay từ khi quy hoạch mở đường. Ngoài ra, công tác quy hoạch và xây dựng đồng bộ các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cũng cần được đẩy mạnh.

“Hiện chưa có hành lang pháp lý cụ thể để xử lý vấn đề siêu mỏng siêu méo trên địa bàn TP. Chúng ta chưa có nghị quyết xử lý mà mới chỉ có nghị quyết quản lý đô thị. Các cấp ủy địa phương cũng cần có hướng dẫn để giải quyết triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo, vi phạm trật tự xây dựng”.

Ngoài ra, ông Thọ cũng thừa nhận, việc để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo kéo dài còn có nguyên nhân là việc xử lý vi phạm không nghiêm. Tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với các nhà xây không phép, sai phép vẫn còn phổ biến mà không có chế tài đủ mạnh để dẹp tận gốc.

TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng, biện pháp căn cơ mà trước đây Tổng hội Xây dựng đã từng đề xuất và nay thành phố sẽ áp dụng đối với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường mới là khi giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương cần thống nhất quy định thu hồi thêm 50m hai bên đường để quy hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng.

Đối với những thửa đất còn lại quá bé thì phải thu hồi hết, với kinh phí bồi thường được bố trí trong nguồn vốn thực hiện dự án giao thông. Làm được điều này chắc chắn sẽ không tái diễn nhà siêu méo.

Bao giờ mới là hạn “chốt”

Chủ trương xóa nhà siêu mỏng, siêu méo của UBND thành phố Hà Nội nhằm lập lại trật tự đô thị, hướng đến xây dựng Hà Nội thành Thủ đô văn minh, hiện đại. Và để cụ thể hóa quyết tâm của chính quyền và nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã ban hành Quyết định 15/2011/QĐ-UBND về việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Và quyết tâm đó càng được khẳng định khi lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội liên tiếp đưa ra thời hạn “chốt” cho các quận, huyện và Sở Xây dựng phải báo cáo kết quả thống kê, rà soát và đưa ra phương án xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo với lãnh đạo TP.

Theo Quyết định 15/2011/QĐ-UBND thì các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng là các thửa đất có diện tích dưới 15m2 và có kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m. Theo đó, đối với các trường hợp trước đây đã có quy hoạch nhưng chưa thực hiện, phát sinh ra các thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, thì chính quyền quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm xử lý theo quy hoạch và quy định này.

Trường hợp chưa có quy hoạch xây dựng, mà xuất hiện các mảnh đất quá nhỏ, không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, thì chính quyền có trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch và tổ chức xử lý theo quy hoạch được duyệt. Chính quyền địa phương sẽ lựa chọn theo 3 hình thức: Cho phép chủ sử dụng đất thực hiện việc hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng theo quy định; tổ chức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cho phép chủ sử dụng đất được tổ chức khai thác, sử dụng thửa đất đúng mục đích và quy hoạch được duyệt.

Nếu Nhà nước áp dụng biện pháp thu hồi đất để xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì sẽ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Và mới đây, một lần nữa, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo các quận, huyện phải hoàn thành công tác ra soát, thông kê, phê duyệt phương án nhà, đất trong tháng 8 và xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố Hà Nội phải hoàn thành dứt điểm trong tháng 10 tới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc triển khai xử lý ở nhiều quận, huyện vẫn ì ạch. Thậm chí, ở một số khu vực như Cầu Giấy, Từ Liêm,… nhà siêu mỏng, siêu méo lại có dấu hiệu gia tăng.

Quy định đã rõ ràng và quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội cũng được thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn khi đưa ra thời hạn “chốt” cho các quận, huyện và Sở Xây dựng phải báo cáo kết quả thống kê, rà soát và đưa ra phương án xử lý với nhà siêu mỏng, siêu méo.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dường như vẫn chưa có tín hiệu gì từ phía TP cho thấy, đã có hướng xử lý với những kiến trúc làm xấu cảnh quan TP. Toàn TP Hà Nội hiện có trên 600 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng tính đến ngày 23/6, theo khảo sát của PV, hiện trạng những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn giữ nguyên và thậm chí, hầu hết đã được cho thuê để bán hàng. Không có chủ nhà nào thỏa thuận được với “hàng xóm” để hợp khối.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo UBND thành phố có chỉ đạo thời hạn “chốt” các quận, huyện xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Trước đó, lãnh đạo thành phố từng đặt thời hạn “chốt” cho các quận, huyện vào tháng 3, tháng 6 nhưng hầu như không có chuyển biến khi mà bệnh nhà siêu mỏng, siêu méo của Hà Nội vẫn chưa thể tìm ra thuốc đặc trị.

Thậm chí là trầm trọng hơn, người dân Thủ đô đang tỏ ra rất băn khoăn, phải chăng lãnh đạo thành phố đã “đánh trống bỏ dùi”.

(Theo Petrotimes)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu