Dùng cử chỉ hất hàm, kéo tay… ra hiệu cho khách nước ngoài đi xe búyt là những cách cư xử phổ biến của nhiều nhân viên xe búyt Hà Nội.
Jim- một hành khách người Canada cho biết, một lần đi tuyến xe buýt 31 và sau đó anh không bao giờ dám lên xe buýt của Việt Nam lần nào nữa. Jim kể: Xe đông, nhân viên quát tháo ầm ầm. Vì tôi không hiểu tiếng Việt nên bị nhân viên kia trừng mắt, anh ta kéo tay áo tôi bắt anh đi xuống cuối xe. Tôi xuống xe và ngỡ mình vừa thoát khỏi địa ngục.
Không đến nỗi như Jim nhưng một vị khách người Thụy Điển có lẽ không bao giờ quên được ánh mắt mà anh nhân viên xe buýt tuyến 01 lừ mắt, hất đầu ra hiệu chị ngồi xuống cái ghế gần đó. Được mách nước sẵn là chuẩn bị sẵn tiền lẻ Việt Nam đồng, nên cô thấy mình khá may mắn chứ nếu không không biết cầu cứu ai.
Khách nước ngoài lên xe buýt thường rất lịch sự. Thông thường họ sẽ chào hỏi, đưa giấy ghi sẵn địa điểm cần xuống, hoặc chỉ trên bản đồ địa điểm cần đến nhờ nhân viên chỉ giúp.
Thế nhưng, có một thực tế hiện nay của các phụ xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội, không chỉ bất lịch sự với khách nước ngoài mà do không biết tiếng Anh nên nhiều anh phụ xe tỏ ra rất khó chịu khi gặp khách nước ngoài. Không chào hỏi đáp lại lời khách. Dùng cử chỉ bằng đầu, hất hàm, kéo tay… ra hiệu cho khách là những cách cư xử phổ biến của nhiều nhân viên.
Trên tuyến buýt số 14 Bờ Hồ- Cổ Nhuế- Bờ Hồ, ở điểm lên Học viện Chính trị hành chính Quốc gia, có một vị khách nước ngoài. Cô gái trẻ lóng ngóng với những người xa lạ và chưa biết phải đưa tiền ra sao. Cô gái đưa một mảnh giấy, trên đó ghi “I want go to Hoan Kiem Lake”. Anh nhân viên chừng hơn 20 tuổi tỏ vẻ khó chịu, rồi loay hoay nhìn tờ giấy, cuối cùng đành… nhờ sinh viên đứng cạnh dịch hộ.
Xe buýt Hà Nội vận chuyển một lượng khách là học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập trung bình, một lượng lớn trong đó là khách du lịch. Đặc biệt các tuyến xe buýt chạy trong phố cổ thường xuyên có khách du lịch nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam tham gia. Ví dụ tuyến 01, 14, 22, 31.
Nhân viên các tuyến buýt trên, nên được lựa chọn đầu vào, có đủ khả năng giao tiếp đơn giản nhất với khách nước ngoài. Góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp cho Hà Nội, Việt Nam.
Sắp tới đây, Hà Nội sẽ khởi động lại dự án xe buýt nhanh BRT, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 3.2012. Và cũng trong thời gian gần, hệ thống thẻ thông minh sẽ thay thế vé thông thường, tiết kiệm chi phí, hạn chế gian lận tiền vé của nhân viên.
Tuy nhiên, từ bây giờ đến khi các dự án trên đi vào thực tế còn là một khoảng thời gian không ngắn. Xe buýt, cơ sở vật chất trên xe có hiện đại đến đâu, nhưng nhân viên nhà xe không biết tiếng Anh, có những hành vi bất lịch sự với hành khách thì mọi nỗ lực cố gắng của ngành giao thông vận tải cũng đành dậm chân tại chỗ.
(Theo Lao Động)