SearchNews

Hà Nội trên từng con phố: Phố Hàng Ngang

24/11/2011 12:29

Cùng với Hàng Đào, Hàng Ngang là con phố tạo nên trục chính của phố cổ Hà Nội. Con phố vắt ngang không gian, thời gian và vắt ngang cả hai bờ văn hóa

Cùng với Hàng Đào, Hàng Ngang là con phố tạo nên trục chính của phố cổ Hà Nội. Con phố vắt ngang không gian, thời gian và vắt ngang cả hai bờ văn hóa

Từ cái tên Hàng Ngang

Trong số các phố cổ Hà Nội thì Hàng Ngang không phải là tên gọi phố theo đặc trưng sản phẩm kinh doanh như các con phố khác: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Muối, Hàng Thiếc, Hàng Cót…Hiện không có cứ liệu lịch sử ghi lại chính xác tên Hàng Ngang có tự bao giờ. Chỉ biết cái tên ấy không gắn với sản phẩm đặc trưng mà gắn với kiến trúc mang tính lịch sử.

hàng ngang

hàng ngang

Phố Hàng Ngang xưa thuộc phường Diên Hưng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương thành Thăng Long. Đến thế kỷ XIX phố có tên là Việt Đông - phố tập trung những người Hoa Kiều Quảng Đông. Khu phố buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố người dân cho làm hai cánh cổng ngăn rất chắc chắc để buổi tối đóng lại, khép kín con phố ở hai đầu. Với lối kiến trúc này, phố trở thành phố ngang và cái tên Hàng Ngang được hình thành.

Vắt ngang hai bờ văn hóa

Phố Hàng Ngang từ lâu được coi là cầu nối hai bờ văn hóa Việt-Trung. Từ thời Lê, người Hoa được tổ chức sống tập trung tại một số nơi ở Hà Nội: Việt Đông (Hàng Ngang) và Hà Khẩu (Hàng Buồm), trong đó Hàng Ngang là nơi tập trung nhiều nhất. Theo luật định cư thời đó, hết thời hạn định cư cho phép, những người Trung Quốc này phải về nước, nếu tình nguyện ở lại phải thay đổi y phục, đổi phong tục theo người Việt Nam gọi là người Minh Hương. Trước năm 1945, người Pháp từng đặt tên cho phố Hàng Ngang là “Rue de cantonnais” - phố của những người Quảng Đông.

hàng ngang

Chính vì lẽ trên, tại Hàng Ngang có sự hòa trộn văn hóa Việt Trung trong mỗi nếp sinh hoạt. Người Việt và người Minh Hương (người Hoa kiều) sống xen lẫn và có mỗi quan hệ họ hàng gắn bó mật thiết với nhau, văn hóa sống do đó cũng có những sự giao thoa. Chẳng hạn người Minh Hương ở đây đã đem việc cúng lễ của Trung Quốc kết hợp vào với việc cúng lễ của người Việt Nam trong mỗi gia đình. Điển hình của lối tư duy pha trộn này là việc họ lập hội dựng đền Tam Thánh thờ Quan Công ở Ngọc Sơn cùng với Trần Hưng Đạo.

Hàng Ngang nổi tiếng với những hiệu chè Tàu: Sinh Thái, Chính Thái, Ninh Thái, Song Hỷ. Vào phố này, người ta còn thấy những cửa hiệu cao đơn hoàn tán, họ làm đại lý cho các hãng thuốc Đông Y sản xuất ở Hương Cảng, Thượng Hải, Tân Gia Ba, Chợ Lớn. Nhưng Hàng Ngang cũng nổi tiếng với những hiệu kinh doanh đậm chất người Việt như vải võ, tơ lụa, đồ trang sức...

Vắt ngang không gian

Ca dao Hà Nội xưa còn ghi:

Nhất vui là cảnh bờ hồ

Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Ngang...

Lại có câu:

Ba mươi sáu mặt phố phường

Hàng Giấy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.

Cứ hễ nhắc tới phố cổ Hà Nội là không thể bỏ qua Hàng Ngang. Con phố này đã góp phần quan trọng tạo nên trục không gian cho kiến trúc phố cổ. Phố Hàng Ngang dài khoảng 150m, nối liền phố Hàng Đào với phố Hàng Đường – hai mảng không gian quan trọng của trục phố cổ Hà Nội. Các du khách nước ngoài đến thăm Hà Nội thường thích ngồi xích lô khởi hành từ bờ hồ, qua phố Đinh Tiên Hoàng, qua Hàng Đào, Hàng Ngang rồi mới rẽ sang các phố cổ khác.

Hàng Ngang còn là nơi nối những không gian hẹp với những không gian rộng của phố cổ. Mặt đường hàng Ngang về mặt kiến trúc có vai trò như một xương sống. Nối vào xương sống đó có những ngôi nhà rộng bậc nhất Hà Thành, lại có những ngôi nhà, mặt ngõ hẹp, sâu nổi tiếng phố cổ. Chẳng hạn, số 55 Hàng Ngang là một lối đi hẹp đến mức nếu không chú ý kỹ người ta dễ lầm tưởng đó chỉ là khoảng không làm ranh giới giữa hai căn nhà. Cũng ít ai biết rằng phía trong số nhà 55 đó có hàng chục hộ dân cư sinh sống. Điện trong ngõ sâu này phải bật 24/24 mà vẫn có những góc tối om.

hàng ngang

Về mặt xây dựng, phố Hàng Ngang thay đổi nhiều so với trước đây, bộ mặt phố phường Hà Nội cũng đã có nhiều thay đổi, nhưng vai trò trục chính nối kết các cụm không gian kiến trúc phố Hàng của Hàng Ngang thì vẫn nguyên vẹn.

Vắt ngang thời gian

Hàng Ngang như một gạch nối thời gian, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời đại.

Thế kỉ XIX, phố Hàng Ngang từng nổi tiếng là phố của văn bản tuyên truyền. Ở đây có một điếm vè nổi tiếng. Điếm là nơi dân phủ canh gác ban đêm. Nhưng ở phố Hàng Ngang này, điếm còn trở thành một trạm thông tin văn hóa đặc biệt. Hễ trong phường phố có những chuyện trái với đạo đức thì một ai đó sáng tác ngay một bài vè vừa tường thuật câu chuyện vừa ngụ ý bêu riếu, bí mật đem dán ở đây. Vì vậy đương thời gọi là “điếm vè Hàng Ngang”, nhiều tay nhà giầu cùng quan lại rất sợ cái điếm này vì bài vè sẽ được nhanh chóng lan truyền và các ông bà hát xẩm đem trình diễn luôn ở các chợ hoặc bến tàu bến xe.

hàng ngang

Gần hai thế kỉ sau, cũng tại Hàng Ngang, một văn bản nổi tiếng khác ra đời gắn với số nhà 48. Nhà số 48 Hàng Ngang vốn của ông bà Trịnh Văn Bô nằm giữa khu phố cổ, trung tâm thương mại sầm uất của Hà Nội xưa. Ngôi nhà này có hai lối ra vào là 48 phố Hàng Ngang và 35 phố Hàng Cân. Do có vị trí thuận lợi, lại là cơ sở cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, ngôi nhà này đã được Trung ương Đảng chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội tháng 8/1945. Tại một căn phòng ở gác 2 của ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Người Hà Nội ngày nay mỗi lần đi qua Hàng Ngang vẫn như muốn đi chậm lại để kiếm tìm chút thời gian xưa nơi những ngôi nhà gỗ lợp ngói còn giữ lại được nét nguyên vẹn xưa.

hàng ngang

hàng ngang

Nguyễn (tổng hợp)
Hà Nội trên từng con phố: Đường Láng
Hà Nội trên từng con phố: Phố Hàng Đào
Hà Nội trên từng con phố: Phố Hàng Bạc


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu