> Toàn cảnh, diễn biến vụ cháy chợ Quảng Ngãi
Ngọn lửa ở chợ Quảng Ngãi đã được dập tắt từ đêm hôm qua 9/2, chính quyền đã có những hành động nhanh chóng, còn tiểu thương chưa hết bàng hoàng, hoang mang, vô vọng.
Động thái từ phía cơ quan quản lý
Tại cuộc họp đánh giá vụ cháy chợ vào chiều 9/2, ông Nguyễn Tăng Bính, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi đã đánh giá: "Đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, có thể xem như thảm họa cho tỉnh".
Sở Công thương đã nhận được lệnh bố trí 28 tỷ đồng bình ổn giá tại TP Quảng Ngãi sau vụ cháy.
Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra giá cả thị trường trên địa bàn; rà soát lại số hộ, quy mô kinh doanh để làm căn cứ hỗ trợ, ưu đãi.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cũng được đề nghị phát lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh chung tay giúp đỡ tiểu thương sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau vụ cháy chợ. UBMTTQ tỉnh đã đưa ra phương án là dùng nguồn kinh phí quỹ hỗ trợ thiên tai của UBMTTQ tỉnh để hỗ trợ cho các tiểu thương, tạo điều kiện cho tiểu thương sớm có nguồn vốn mua lại hàng hóa để buôn bán ổn định cuộc sống.
Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi trong vòng 60 ngày làm ngay chợ tạm để tạo thuận lợi cho hàng trăm tiểu thương buôn bán. Vị trí chợ tạm được xác định lập trên khu đất một ha ở đường Phạm Văn Đồng, đối diện Trung tâm triển lãm.
Công an tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Cục kỹ thuật hình sự, Bộ Công an vào cuộc điều tra, khám nghiệm hiện trường xác định rõ nguyên nhân gây cháy chợ.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng yêu cầu tiếp tục triển khai lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức phương án bố trí chợ tạm trong thời gian sớm nhất. Tỉnh sẽ có giải pháp hỗ trợ chính sách liên quan đến tín dụng, thuế, dãn nợ, cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất cho vay.
UBND tỉnh cũng đồng ý để Cty nông sản thực phẩm hỗ trợ mỗi tiểu thương 3 triệu đồng/tháng trong thời gian 3 tháng liền. UBND TP.Quảng Ngãi hỗ trợ một lần cho mỗi tiểu thương 5 triệu đồng. UBND TP.Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh trích ngân sách cùng với UBND thành phố hỗ trợ thêm cho mỗi hộ kinh doanh 5.000.000 đồng.
Tiểu thương chưa quen được với nỗi bàng hoàng mất mát
Chợ Quảng Ngãi bị cháy rụi đã đẩy hàng trăm tiểu thương vào cảnh khốn cùng. Bởi, nhiều tiểu thương đã dồn cả vốn liếng để nhập hàng về, hy vọng sẽ mua may, bán đắt trong những ngày đầu năm.
Chị Trần Thị Hải Vân (phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi), có 2 kiốt bán quần áo trong chợ, thất thần: “Trước tết, tôi đã tích góp, vay mượn gần 2 tỉ đồng nhập hàng về bán. Chưa bán được bao nhiêu thì lửa đã cuốn sạch hết rồi”.
Chị Hoàng Trang kể: Trước đó vài ngày, gia đình chị dành cả hy vọng vào sạp hàng mỹ phẩm mới sang lại của người bạn, với vốn liếng gần nửa tỉ đồng. Chị dặn lòng, đúng ngày 9.2, sẽ làm lễ khai trương. Nhưng ai ngờ...
Ông Nguyễn Văn Hai bán sạp vải ở chợ Quảng Ngãi nghẹn ngào: "Cháy hết rồi. Bao nhiêu vốn liếng gia đình dồn hết vào đó, có bao nhiêu tiền tích cóp trong dịp Tết, tôi dồn hết mua hàng, trị giá mấy trăm triệu giờ thành tro than rồi".
Bà Thái Thị Hà Thanh thỉnh thoảng lại đưa tay lên ngực thở ngắt quãng. "Cả đời dành dụm, gia đình con cái tôi tích góp đầu tư 6 gian hàng mỹ phẩm ở lầu 2. Hàng hóa mới đưa về sau Tết tổng cộng chừng 6 tỷ đồng, giờ thì..."
Chị Nguyễn Thị Lệ làm chủ một gian giày dép ở chợ thở dài nói: "Gia sản của nhà tôi đầu tư hết cả vào đây gần một tỷ đồng buôn bán nuôi con cái ăn học. Lửa thiêu cháy rụi, mấy ngày tới biết lấy gì làm ăn, nuôi mấy đứa nhỏ học hành đây".
Bà Bùi Thị Mai (65 tuổi, người Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) gắn liền với chợ này từ lúc đôi mươi. Hơn 40 năm buôn bán, tích cóp, bà Mai dẫn dắt bảy người con của mình thành những tiểu thương cùng mưu sinh trong chợ Quảng Ngãi. Bốn kiôt số 80, 81, 85, 90 được chia đều cho tám người buôn bán. Tài sản hàng tỷ của gia đình bà gồm quần áo nhập từ TP.HCM, Hà Nội về đây chưa kịp bán đã bị thiêu rụi. Suốt ngày vật vã trong khói bụi, bà Mai xua tay không nói thành lời, bà vỗ vai con gái bảo: “Gian hàng mình ở đó, kia kìa. Có còn chi không con?”
Bà Trương Thị Én - chủ cửa hàng giày dép da, balô, túi xách tại gian hàng số 05, 06 ở tầng 2 - “Gom góp, vay nợ ngân hàng, mượn nợ mua thêm một gian hàng hơn 200 triệu đồng trước tết, rồi mua nợ thêm 300 triệu đồng tiền hàng chất vào kiôt, chừ cháy sạch. Lấy chi trả nợ đây trời”.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lục (trú thôn 3, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) có cửa hàng kinh doanh quần áo trong chợ ảo não tâm sự: “Hôm trước, như mọi khi, sau khi chợ đóng cửa, vợ chồng tôi đóng cửa hàng rồi về nhà. Vậy mà, giờ đây tài sản cháy hết, gia đình tôi không biết sống ra sao nữa”. Từ một ít vốn của ba mẹ hai bên cho khi cưới nhau cộng với bao năm dành dụm, thế mà chỉ trong chốc lát đã mất sạch” - chị Lục nghẹn ngào nói.
Chị Lê Thị Thanh Tâm có một cửa hàng và một kho hàng trong chợ nói như mếu: “Tài sản dành dụm trong 20 năm của gia đình giờ chỉ còn bấy nhiêu đây! Cả cái sổ đỏ của mảnh đất mới mua để trong cửa hàng cũng bị cháy mất. Hai đứa con tôi đang học trong TPHCM nghe chợ cháy gọi điện thoại về khóc nức nở”...
Và còn biết bao cảnh xót xa như thế của các tiểu thương khi mồ hôi nước mắt bao năm giờ chỉ còn lại trước mắt là một khung cảnh chợ cháy hoang tàn...
Mạnh Hải (T.H)