SearchNews

Cháy chợ Quảng Ngãi - Những chuyện bây giờ mới kể

14/02/2012 10:14

Đã 3 ngày sau cháy chợ Quảng Ngãi, có những câu chuyện mà khi nhắc đến lại thêm nỗi nhức nhối, xót xa

Ngày 13/2, gần 100 tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ Quảng Ngãi tiếp tục gặp lãnh đạo tỉnh. Hai phó chủ tịch UBND tỉnh là ông Lê Quang Thích và bà Đinh Thị Loan cùng lãnh đạo UBND TP đã trực tiếp lắng nghe ý kiến bà con. Cũng sau cuộc họp này, nhiều "chuyện cũ" bức xúc được nhắc đến nhiều hơn.

cháy chợ quảng ngãi

Bất chấp bị phản đổi quyết liệt, chợ tạm bao quanh chợ Quảng Ngãi vẫn được lập

Bất chấp phản đối của tiểu thương, cảnh báo từ công an, đơn vị quản lý vẫn quyết làm chợ tạm bao quanh chợ Quảng Ngãi.

cháy chợ quảng ngãi

Các kiốt chợ tạm có thể là nơi phát sinh ra vụ hỏa hoạn hay không thì còn chờ vào kết luận của cơ quan điều tra, song một sự thực mà ai cũng thấy là chợ tạm đã gây rất nhiều khó khăn, cản trở công tác cứu hỏa khi sự việc xảy ra.

Cuối tháng 5/2011, lãnh đạo thành phố chủ trì cuộc họp lấy ý kiến tổ trưởng dân phố xung quanh chợ về việc làm các dãy nhà tôn chợ tạm. Ông Nguyễn Hữu Cường, tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi nhắc lại: "Khi nghe thành phố bàn đến chuyện làm chợ tạm trên đường Ngô Quyền và Nguyễn Bá Loan ở hai bên chợ Quảng Ngãi, chúng tôi đã phản ứng dữ dội". Lập luận của tiểu thương khi ấy là nếu bít hết lối vào hai bên hông chợ thì khi xảy ra hỏa hoạn chẳng khác nào đưa chợ vào đường cùng tự thiêu. "Lúc ấy, lãnh đạo thành phố trấn an là bên công an đã có 5 phương án phòng cháy chữa cháy khi làm chợ tạm này rồi", tổ trưởng dân phố 3 nhớ lại. Tuy vậy trong buổi họp ấy, vị phó chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi từ chối thông báo 5 phương án chữa cháy với lý do "còn bí mật chưa thể công khai". 

Có 4 sạp quần áo ở chợ Quảng Ngãi với tổng trị giá tài sản hơn 2 tỷ đồng trong phút chốc bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, anh Nguyễn Tuấn bày tỏ: "Giữa năm ngoái, trong lúc lãnh đạo thành phố họp bàn với tiểu thương xây chợ tạm vây kín chợ trung tâm, chúng tôi đã phản ứng kịch liệt. Lúc ấy, mấy ông khẳng định chắc nịch nếu chợ mà cháy thì chịu trách nhiệm trước bà con. Giờ đây hỏa hoạn ập đến, tiểu thương gánh đủ thiệt hại. Nếu không có chợ tạm vây quanh thì đám cháy khó thể gây thiệt hại nặng nề như thế".

Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2011 UBND tỉnh cho phép dựng chợ tạm trên các tuyến đường này. Công an phòng cháy chữa cháy khi ấy đã quyết liệt không đồng ý bởi dễ gây nguy hiểm cháy nổ, đồng thời ngăn cản xe chữa cháy tiếp cận khi sự cố "Thế nhưng sau đó chợ tạm vẫn mọc lên vây xung quanh nên khi cháy, xe cứu hỏa gặp vô vàn khó khăn đưa nước vào dập lửa".

Trong khi đó, ông Huỳnh Chánh, Phó chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi giải thích: "Vấn đề là cháy chợ Quảng Ngãi nhiều khả năng do chập điện xuất phát từ một sạp hàng kinh doanh giày dép ở góc phía Đông của chợ chứ không phải do chợ tạm". Theo ông Chánh, quy hoạch chợ tạm là chủ trương của tỉnh chỉ đạo thành phố làm, còn phương án phòng cháy chữa cháy do công an phòng cháy chữa cháy phối hợp với đơn vị quản lý chợ là Công ty CP Nông sản thực phẩm lập trình công an tỉnh phê duyệt.

Phó chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho rằng để xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi chợ Quảng Ngãi trước hết là trách nhiệm của kíp trực bảo vệ vào rạng sáng 9/2. Sau đó, trách nhiệm cao hơn là Ban quản lý chợ đã thiếu chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ, đến khi xảy ra cháy thì các thiết bị này chẳng khác nào phế liệu.

Ngoài việc quy hoạch, bố trí các sạp, kiốt tạm ngay trên lòng đường bên hông chợ khiến xe chữa cháy không vào được, mặt bằng phía trước chợ cũng được lực lượng bảo vệ chợ tận dụng nhận gửi xe chật kín

Công tác đảm bảo an toàn cháy nổ và những chuyện khúc mắc

Thượng tá Nguyễn Văn Vương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an Quảng Ngãi cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị chữa cháy nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên việc cứu hoả gặp nhiều khó khăn vì vướng các kiốt và gian hàng chợ tạm vây quanh, hệ thống điện sinh hoạt đấu nối chung với hệ thống chữa cháy nên khi bị cúp điện các máy bơm nước từ cọc chờ lên xe chữa cháy không thể hoạt động. Xung quanh chợ có 4 cột nước để cung cấp nước khi có hỏa hoạn xảy ra thì 3 cột bị hư. Một cột nước tại chỗ không đủ nước cung cấp nên xe cứu hoả phải chạy ra ngoài tìm nguồn nước. Trong khi đó, tại các gian hàng bên ngoài chợ, cửa sắt đóng nên phải phá khoá, đục thủng vách bê tông mới đưa được vòi chữa cháy tiếp cận hiện trường.

cháy chợ quảng ngãi

Nhiều tiểu thương bức xúc phản ánh, giữa cuối năm ngoái, nhân viên của Ban quản lý chợ đi thu của mỗi hộ kinh doanh 680.000 đồng nói là để mua quả cầu lửa về gắn ở các gian hàng phòng cháy chữa cháy. Số tiền thu được lên đến nửa tỷ đồng, nhưng khi xảy ra cháy chợ thiết bị này chẳng phát huy tác dụng. Cũng thời gian này, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy quy mô lớn ở chợ, song đến khi chợ bị cháy thật thì gặp nhiều lúng túng.

Qua kiểm tra, cơ quan công an cũng xác nhận trong 4 giếng nước cứu hỏa thì 3 không sử dụng được; hệ thống điện sinh hoạt đấu nối chung với hệ thống chữa cháy nên khi bị cúp điện các máy bơm nước từ cọc chờ lên xe chữa cháy không thể hoạt động. Chợ có 2 máy bơm tự động chữa cháy, một máy sử dụng điện và một dùng nhiên liệu để bơm phun sương làm mát khi có hỏa hoạn nhưng không phát huy tác dụng gì.

cháy chợ quảng ngãi

cháy chợ quảng ngãi

Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay: nguồn nước thiếu, xe chữa cháy nhỏ, không có xe thang nên dù có nỗ lực và huy động hết quân số, thiết bị cũng không thể dập lửa cháy chợ Quảng Ngãi trong thời gian ngắn được. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kiến nghị Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trang bị cho tỉnh một xe chữa cháy thang, một xe cứu thương, đến nay vẫn chưa nhận được.

Những thông tin mới nhất liên quan:

- Hiện tại, sàn bê tông tầng 2 góc phía Đông Nam của chợ đã nghiêng lệch do một trụ cột bị gãy quắp. Nhiều mảng tường bị lửa nung suốt hơn 7 giờ nên bong tróc, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, trống hoác... có nguy cơ đổ sập

- Trong hai ngày 11 và 12/2, hầu hết các hộ tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ Quảng Ngãi đã đến Kho bạc Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) Quảng Ngãi nhận 14 triệu đồng tiền hỗ trợ dân sinh. Tuy nhiên, khi đến BIDV nhận tiền, họ rất bức xúc vì phải ký vào một biên bản, trong đó nội dung không phải chi trả hỗ trợ như Công ty CP Nông sản thực phẩm thông báo ban đầu mà văn bản lại ghi là tài trợ. Đồng thời kèm theo điều kiện nếu sử dụng vốn sai mục đích phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Liên quan đến vụ cháy chợ khiến các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết khan hiếm, ông Võ Duy Ngô - giám đốc điều hành siêu thị Thành Nghĩa, Quảng Ngãi - cho biết trong ba ngày qua, sức mua các mặt hàng rau củ quả, thịt heo, bò... trong siêu thị tăng khoảng 15%. “Đơn vị đã chủ động nhập hàng từ các đầu mối, đáp ứng đủ nguồn cung cho khách hàng và cam kết không tăng giá” - ông Ngô nói.

Ông Trần Quang Toản, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi, cũng khẳng định đã chỉ đạo Đội quản lý thị trường số 1 (quản lý khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi) kiểm tra, giám sát. Qua báo cáo của đơn vị này, từ các chợ đầu mối xung quanh khu vực TP cũng như các siêu thị, hiện giá cả các mặt hàng có tăng nhưng tăng nhẹ. “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát, giám sát giá cả thị trường, nếu phát hiện đơn vị nào tăng giá sẽ có biện pháp xử lý ngay”- ông Toản nhấn mạnh.

- Theo ông Ngô Văn Tươi - phó giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, trong ngày 12/2, đại diện Công ty Lavico (trụ sở đóng tại TP Đà Nẵng) đã khảo sát để tiến hành tháo dỡ toàn bộ khu chợ bị cháy. Bắt đầu từ hôm qua, công ty đã huy động lực lượng chuẩn bị đổ bêtông mặt nền chợ tạm. Nếu thời tiết thuận lợi, việc thi công chợ tạm sẽ hoàn thành trong 40-45 ngày. Địa điểm xây dựng chợ tạm được chọn nằm ở cuối phía nam đường Phạm Văn Đồng, có tổng diện tích khoảng 7.000m2. Sau khi chợ hoàn thành sẽ bố trí cho khoảng 1.200 hộ kinh doanh.

- Theo ông Võ Văn Danh - tổng giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, hiện một tổ công tác định giá tài sản đã được thành lập để đánh giá tài sản tiểu thương kê khai, sau đó sẽ đưa ra mức hỗ trợ thiệt hại (ngoài mức hỗ trợ 9 triệu đồng đã chi), chứ không phải bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của tiểu thương. Được biết, qua kiểm tra thì cả công trình chợ lẫn các tiểu thương đều không mua bảo hiểm cháy chợ. Một lãnh đạo của Bảo Việt Quảng Ngãi cũng xác nhận việc công trình chợ lẫn tiểu thương không mua bảo hiểm và đơn vị cũng không bán bảo hiểm bởi không đủ cơ sở, các điều kiện về đảm bảo an toàn cháy nổ, các quy định về sổ sách tài sản, kế toán...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tất cả tiểu thương chợ Quảng Ngãi đều không có bảo hiểm hỏa hoạn cho số tài sản của mình trong chợ. Vì, trước đó tiểu thương muốn mua bảo hiểm cũng không thể mua được, bởi lẽ phía Công ty bảo hiểm đòi hỏi chợ phải được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt yêu cầu PCCC. Thêm vào đó, tiểu thương phải có hệ thống sổ sách kế toán theo dõi từng danh mục mặt hàng cùng lượng hàng hóa khi có tổn thất xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm mới có đủ cơ sở để giám định, xác định mức độ thiệt hại.

- UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông phải nộp học phí là con, em, cháu do hộ tiểu thương trực tiếp nuôi dưỡng. Các học sinh này được miễn học phí nếu đang học tại các cơ sở giáo dục công lập và được hỗ trợ tiền đóng học phí nếu đang học tại các cơ sở ngoài công lập. Thời gian được miễn và hỗ trợ là học kỳ II năm học này và năm học sau. Hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên là con, em, cháu do hộ tiểu thương trực tiếp nuôi dưỡng hiện đang theo học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và dạy nghề. Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/em.

- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa đã có văn bản đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại khoanh nợ, miễn, giảm lãi đối với khoản vay của các hộ tiểu thương bị thiệt hại do vụ cháy chợ Quảng Ngãi. Khoản dư nợ này là 37,318 tỉ đồng của 11 ngân hàng. Tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước VN xem xét hỗ trợ khoản vốn vay ưu đãi để 424 hộ tiểu thương bị thiệt hại được vay vốn tiếp tục kinh doanh với mức cho vay 50 triệu đồng/hộ. Đối với các hộ tiểu thương có tiền bị cháy không đủ tiêu chuẩn, đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét được đổi số tiền để giảm bớt thiệt hại cho tiểu thương.

- UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho phép gia hạn nộp thuế, khoanh nợ thuế theo quy định của Nhà nước đối với số thuế đã phát sinh mà các hộ tiểu thương phải nộp nhưng chưa nộp trước khi xảy ra cháy chợ. Không phạt chậm nộp thuế trong thời gian các hộ tiểu thương làm thủ tục để được gia hạn; miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày các hộ tiểu thương kinh doanh trở lại và có phát sinh thu nhập chịu thuế.

- Lực lượng chức năng tiếp tục tạo điều kiện giúp bà con tiểu thương vào chợ Quảng Ngãi để tìm kiếm tài sản còn sót lại sau vụ cháy. Ước tính ban đầu các tiểu thương tìm lại được trên 600 chỉ vàng và 10kg bạc. Bà Bùi Thị Mai (65 tuổi), là người tìm thấy số vàng của mình nhiều nhất với gần 18 cây vàng.

- Sáng 13/2, anh Lương Hồng Thắng mang số tiền 430 triệu đồng bị cháy vón thành từng cục đến NHNN VN - chi nhánh Quảng Ngãi để đổi nhưng vẫn chưa được.

- Sáng 14/2, tin từ Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi, cho biết hiện đã có 10 cán bộ và nhân viên chợ Quảng Ngãi bị đình chỉ công tác. Danh sách bị tạm đình chỉ gồm: ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Ban quản lý chợ và Nguyễn Đức Vinh, Phó giám đốc chợ. Bảy bảo vệ gồm: Lương Công Hoàng (tổ trưởng), Nguyễn Đắc Thịnh, Bùi Ngọc Hòa, Huỳnh Văn Thành, Nguyễn Thanh Hải, Phạm Trung Hòa, Lê Phạm Nghiêm và 1 nhân viên kỹ thuận (vận hành điện) là ông Nguyễn Việt Hùng.

Theo dòng sự kiện:
> Toàn cảnh, diễn biến vụ cháy chợ Quảng Ngãi
> 1 ngày sau cháy ở chợ Quảng Ngãi
> Chuyện tiền, chuyện vàng ở Quảng Ngãi sau cháy chợ

Mạnh Hải

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu