SearchNews

Hà Nội sẽ là đô thị xanh

30/09/2009 15:27

Khác với những bản quy hoạch trước, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đang trong quá trình nghiên cứu được kỳ vọng sẽ kiến tạo ra những hành lang xanh lớn cho thành phố. Không chỉ dành phần lớn diện tích cho cây xanh, hệ thống sông, ao, hồ cũng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khác với những bản quy hoạch trước, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đang trong quá trình nghiên cứu được kỳ vọng sẽ kiến tạo ra những hành lang xanh lớn cho thành phố. Không chỉ dành phần lớn diện tích cho cây xanh, hệ thống sông, ao, hồ cũng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt.

Lúng túng vì “quên” môi trường

Bình luận về hiện trạng môi trường của Hà Nội, ông Bùi Tâm Trung - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô xót xa: “Không gian đô thị ở các khu vực trung tâm bị khai thác triệt để để xây dựng các loại công trình. Diện tích mặt nước, cây xanh bị gặm nhấm dần. Quy hoạch vĩ mô cứ lo lấp kín các khu đất lớn bằng các loại công trình, còn quy hoạch tự phát của người dân thì lại tìm cách “bít kín” số mét vuông hiếm hoi còn lại trong nội thành. Ao hồ cũng bị lấp dần, không gian sống bị các công trình, nhà ở phủ kín, không còn khoảng trống cho cây xanh...”.

Theo ông Bùi Tâm Trung, môi trường và cảnh quan thiên nhiên Hà Nội ngày càng xuống cấp là do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có “thủ phạm” quy hoạch. Hà Nội đã qua 6 lần lập, điều chỉnh quy hoạch nhưng vấn đề môi trường chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Thế nên, thành phố chưa thể giải quyết tốt mâu thuẫn giữa môi trường, bảo tồn và phát triển. Góp ý cho bản Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng, ông Bùi Tâm Trung nhấn mạnh, “thành phố phải là hình ảnh bao trùm mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau”...

Tỏ ra hứng thú với ý tưởng lập hành lang xanh cho Thủ đô mở rộng song ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội không khỏi băn khoăn, vì Hà Nội trước đây đã có vành đai xanh song cuối cùng cũng bị “chọc thủng” bởi các tỉnh lân cận cũng có nhu cầu rất cao về phát triển đô thị, công nghiệp. “Lập lại hành lang xanh rõ ràng là ý tưởng tốt song cần phải làm rõ các “địa chỉ” xanh... để tránh lại bị “thủng” như trước đây” - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

GS. TS Đường Hồng Dật cho rằng, mảng xanh Hà Nội trong định hướng xây dựng thành phố cần phải đảm bảo các chỉ tiêu cơ bản của một thành phố xanh. Theo đó, độ che phủ rừng phải tăng lên 10% diện tích vào năm 2020 (hiện là 7,5%). Dân đô thị phải có 2,5 m2/người cây xanh công viên... GS. TS Đường Hồng Dật nhấn mạnh, phải nhận thức đầy đủ về mảng xanh Hà Nội để xây dựng ý tưởng cũng như định hướng phát triển chiến lược khoa học và toàn diện, làm cơ sở cho Quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng.

Không lấp hồ để phát triển đô thị

Trong chỉ đạo mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo hướng dành khoảng 70% diện tích cho hành lang xanh và khoảng 30% diện tích cho phát triển đô thị. Trong nghiên cứu phương án quy hoạch, cần chú ý bảo đảm tính khớp nối của Thủ đô Hà Nội với vùng, với cả nước và khu vực. Đồng thời, phải chú ý vị trí địa lý của Hà Nội trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong không gian phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế. Nghiên cứu Quy hoạch Hà Nội cũng cần chú ý đến vấn đề bảo tồn, tôn tạo các khu trung tâm đô thị cổ, khu đô thị cũ và di sản Hoàng thành Thăng Long.

Không chỉ chú ý tới cây xanh, hệ thống sông, ao, hồ ở Hà Nội cũng được người đứng đầu Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng cho rằng, các con sông qua Hà Nội cần được tôn tạo, giữ gìn bảo đảm đẹp không gian, sạch môi trường, đóng vai trò điều hoà không khí trong đô thị. Do đó, UBND TP Hà Nội cần rà soát và có biện pháp giữ gìn hệ thống sông, hồ; không để lấp hồ để phát triển đô thị, không đầu tư xây dựng công trình dọc bờ sông. Về phân lũ, tiêu thoát lũ, Thủ tướng chỉ đạo tính toán theo tần suất 500 năm/lần. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực Thủ đô sẽ không còn vùng phân lũ, chậm lũ.

Để hạn chế xu hướng tiếp tục chất tải lên khu trung tâm, Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, bảo đảm công tác đầu tư phát triển được thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Trong đó, cần chú ý quan tâm bảo tồn khu phố cổ, phố cũ cũng như tập trung đầu tư xây dựng các dự án khu vực vành đai 4, hạn chế đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực trung tâm...

(Theo ANTĐ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu