Theo đánh giá của TS. Trần Kim Chung – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì “Hệ thống tiền tệ không ủng hộ thị trường BĐS”, trong khi đó hoạt động thanh toán ở các sàn giao dịch cho đến cuối tháng 9 vẫn rất chậm. Chính vì vậy, rất khó để đánh giá xu hướng chuyển động của thị trường BĐS trong 3 tháng cuối năm 2011.
Ông Chung cho rằng, thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2011, có 3 vấn đề chính: thị trường bất động sản nhìn đang chờ cơ hội, nguồn vốn và có nhiều đánh giá nhận định nhưng chưa rõ rệt và chính thống.
Dự báo trong ngắn hạn thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm, ông Chung nhận định, không có câu trả lời chính xác ở thời điểm này vì yếu tố cấu thành nên xu hướng của thị trường bất động sản đang rất khó đoán và chưa rõ xu thế chủ đạo.
Hiện, lượng tiền vào thị trường bất động sản chưa rõ rệt. Việc bất động sản đưa ra khỏi danh mục phi sản xuất vật chất là tín hiệu tích cực cho luồng tiền vận hành vào thị trường bất động sản. Lãi suất cho vay giảm cũng là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, một số nguồn vốn đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường bất động sản cũng là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, ông Chung cho rằng những tín hiệu này chưa đủ mạnh để tạo thành dòng tiền làm cho thị trường bất động sản có những biến động.
Vấn đề thứ hai ông Chung đề cập tới, việc cho phép xây căn hộ nhỏ cũng là yếu tố tích cực do nhu cầu thực về phân khúc có giá trung bình vẫn còn cao.
Khoảng thời gian từ tháng 8 đến tết âm lịch, thị trường bất động sản được thanh toán, giao dịch nhiều nhất. Chính vì thế, một đợt giao dịch đích thực được mong đợi tại thời điểm này. Nhưng thực tế, đã hết tháng 8 âm lịch, tình hình mới chỉ dừng lại ở việc mua bán sản phẩm được bán ra từ chủ đầu tư, chưa lan sang các sản phẩm giao dịch trên thị trường. Hiện, có một vài động thái về luồng tiền, về giao dịch có thuận lợi cho thị trường nhưng không đúng như chờ đợi đáng có ở thời điểm này.
Ông Chung cũng chỉ ra, việc hình thành và ra đời các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản đã manh nha hình thành nhưng chưa đi vào hoạt động nên chưa tác động tới thị trường bất động sản.
Theo ông Chung, “Năm 2012 không có sự kỳ vọng lớn cho thị trường bất động sản. Thị trường sẽ diễn biến chậm và chờ sự trỗi dậy của một vài yếu tố vĩ mô ”
Quỹ tín thác: Phao cứu sinh cho thị trường
Dựa trên tình hình đó, hội nghị đã tập trung tìm kiếm giải pháp về vốn cho thị trường BĐS, trong đó giải pháp được nhiều chuyên gia kỳ vọng đó là mô hình quỹ tín thác bất động sản (REITs). REITs được giới địa ốc coi là “phao cứu sinh” cho thị trường bất động sản trong thời điểm hiện nay.
Qua phân tích, đánh giá của ông Nguyễn Văn Hoàng – TGĐ Công ty Vreit Management thì REITs có rất nhiều ưu điểm, đã được triển khai ở nhiều nước phát triển trên thế giới và trong khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... nhưng ở Việt Nam lại chưa có quỹ tín thác nào 100%”.
Ông cũng nhận định: “Để quỹ tín thác phát triển ở Việt Nam cần quan tâm đến nhu cầu của nhà đầu tư. Lợi nhuận yếu tố hàng đầu nhưng sự an toàn, ổn định và minh bạch mới là những yếu tố lâu dài mà người đầu tư cần”
Các thành viên Mạng các sàn giao dịch miền Bắc hy vọng nhà nước sẽ sớm đưa ra một khung pháp lý đầy đủ để hạn chế những rủi ro mà REITs có thể đem lại, khi thị trường chứng khoán tại Việt Nam còn thiếu ổn định. Có như vậy, giải pháp REITs ở Việt Nam mới thực sự đem lại hiệu quả và là một kênh huy động vốn cho thị trường nhà ở, làm tăng nguồn cung, hỗ trợ thị trường BĐS đang khát vốn như hiên nay.
TS. Trần Kim Chung tin tưởng: “Nếu có cơ chế tốt, chính sách tốt dành cho BĐS. Lập được nguồn vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ từ REITs thì hoàn toàn có thể giải cứu BĐS. Và như vậy, BĐS có thể tự quyết định được đường đi, nước bước của mình mà không sợ bất kỳ sự thay đổi về chính sách hay nguồn tiền cũng như các chuyển biến lớn của thị trường”.
Lê Hoa - Duy Khánh