“Mong dự án chậm tiến độ”, thậm chí dừng hẳn thì càng tốt, đó là tâm lý của rất nhiều nhà đầu tư hiện nay. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ cũng khiến cho không ít khách hàng phải tiếc hùi hụi vì mất hàng trăm triệu đồng.
Người mừng!
Nhà đầu tư tên Loan, người sở hữu 3 căn hộ tại dự án Vân Canh cho biết, cuối năm 2010 có người trả chênh lệch 300 triệu đồng/căn nhưng chị không bán. Đến thời điểm này, chị chấp nhận bán lỗ, giảm 30% giá trị mỗi căn hộ nhưng cũng không ai hỏi mua. Trong khi đó, theo đúng hợp đồng, tiến độ thanh toán đợt tiếp theo của 3 căn hộ này thì càng ngày càng tiến đến gần.
“Vay ngân hàng để làm tiếp thì tôi không chịu nổi mức lãi suất như hiện nay, bán cũng không xong, trong khi tiền để nộp theo đúng tiến độ thì tôi lại không có. Giờ chỉ mong dự án chậm tiến độ hoặc phải dừng hẳn thì càng tốt”, chị Loan chia sẻ
Đây cũng là tâm trạng của rất nhiều nhà đầu tư đã trót đầu cơ quá nhiều căn hộ trong thời gian trước. Cách đây 2 năm, việc ôm các dự án theo hình thức “mua nhanh, bán nhanh” rất phổ biến trong giới kinh doanh địa ốc. Tuy nhiên, đó là khi thị trường đang nóng, cầu về căn hộ chung cư lớn, nên các nhà đầu tư có thể dễ dàng bán dự án trong “một sáng, một chiều” và thu lời hàng trăm triệu đồng
Tuy nhiên, một năm trở lại đây, do chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước đã khiến cho thị trường bất động sản gần như đóng bằng, giao dịch không có, trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao.
Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đã rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không có tiền đóng theo đúng tiến độ như trong hợp đồng, chủ đầu tư sẽ rất có thể bị mất trắng số tiền gốc. Nhưng để xoay được tiền đóng vào thời điểm này thì lại càng không phải là chuyện dễ dàng.
Không chỉ các nhà cơ, mà ngay cả nhiều người có nhu cầu ở thực cũng mong dự án chậm tiến độ.
Chị Thanh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2010 chị có mua một căn hộ chung cư ở Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) với mức giá 32 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, giá của căn hộ cùng tầng với căn hộ chị mua lại được rao bán với giá rẻ hơn tới 7 triệu đồng/m2, tức là khoảng 25 triệu đồng/m2. Như vậy, tính ra căn hộ 70m2 của gia đình chị chỉ trong vòng 1 năm đã bị thiệt 350 triệu đồng.
“Hợp đồng của tôi ký với chủ đầu tư là hợp đồng góp vốn. Vì vậy, tôi chỉ mong chủ đầu tư chậm tiến độ để có cớ rút tiền về mua dự án khác. Như thế, tôi vẫn được hưởng mức lãi suất theo đúng hợp đồng, lại có thể chọn lựa một căn hộ khác với mức giá rẻ hơn và vị trí đẹp hơn. Hiện giờ, trên thị trường rất nhiều dự án tốt đang giảm giá mạnh, chỉ tiếc tôi không có đủ tiền để mua”, chị Mai nói.
Kẻ lo!
Trái lại, có không ít khách hàng đang phải đứng ngồi không yên vì các dự án chậm tiến độ đã khiến cho một lượng tiền lớn bị “ngâm” hàng năm trời, trong khi nếu gửi tiết kiệm thì số tiền đó có thể thể sinh lời lên đến cả tỷ đồng.
Khi thị trường địa ốc sôi động, người mua sẵn sàng chấp nhận mua giá cao, nộp tiền sớm để mong nhanh có nhà ở. Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ nên số tiền họ bỏ vào đó cũng gần như nằm “án binh bất động”, không sinh lời.
Anh Hiếu, một khách hàng mua nhà tại Khu Chelsea Park (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tôi đã mua nhà tại đây từ năm 2005, chủ đầu tư cam kết là hoàn thành sau 30 tháng, tức là giữa năm 2007. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư đã chậm tiến độ hơn 3 năm trời. Hàng trăm hộ nộp tiền mua căn hộ ở Chelsea Park cũng đã biểu tình, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là những “lời hứa suông”.
Anh Hiếu tính toán, lúc mua căn hộ tại dự án này, giá cam kết trong hợp đồng là 1 4 – 15 triệu đồng/m2, nhưng tính cả phần chênh lệch thì lên tới 17,5 triệu đồng. Căn hộ anh mua là 80m2, tính ra, trong suốt hơn 5 năm qua, số tiền anh phải bỏ ra là trên dưới 2 tỷ đồng, nhưng vẫn không có nhà ở.
“Chỉ tính 3 năm chậm tiến độ, lãi suất vay ngân hàng thấp nhất là 15%, thì ai mua Chelsea Park cũng sẽ mất tới hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Còn nếu không đi vay thì gửi tiết kiệm, mức lãi suất cũng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng”, anh Hiếu nói.
Ngoài ra, trong suốt 3 năm chậm tiến độ, gia đình anh vẫn phải thuê nhà ở ngoài để ở, số tiền này tính ra cũng mất cả trăm triệu đồng.
Không chỉ khách hàng mua nhà, nhiều chủ đầu tư cũng tỏ ra lo lắng khi dự án chậm tiến độ vì những lý do khách quan. Giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội than thở, do gặp trục trặc về thủ tục giấy tờ nên dự án chung cư 18 tầng của công ty anh ở đường Lê Văn Lương kéo dài đã bị thay đổi tiến độ thi công, từ năm 2008 sang 2010.
Trong khi đó, thực hiện theo đúng quy định, sau khi hoàn thành phần móng, công ty anh đã bán 5 tầng của tòa nhà với giá trung bình 18 triệu đồng/m2.
Nhưng hiện giờ bị điều chỉnh tiến độ thi công, giá vật liệu xây dựng lúc này đã tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước, trong khi hợp đồng giá với khách hàng đã ký, cũng không thể điều chỉnh được.
Như vậy, 13 tầng còn lại sẽ phải gánh một mức phí khá cao. “Cái khó là giờ thị trường khá trầm lắng, giảm giá nhà đất còn không có ai mua, nên tăng giá bán là chuyện không tưởng”, vị giám đốc này chia sẻ.
(Theo VTC)