Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh BĐS giai đoạn 2011 - 2020. Dự kiến sẽ được trình trong tháng 5/2012.
Vốn nước ngoài… huy động trong nước
Một chuyên gia của Bộ KH&ĐT nhận định: Nhiều DN FDI kinh doanh BĐS huy động vốn ngay trên thị trường nội địa để đầu tư, họ đăng ký dự án với một số vốn làm “mồi”, khi được chấp nhận sẽ huy động vốn trong nước theo kiểu “mỡ nó rán nó” gây không ít hệ lụy trong công tác quản lý và phát triển. Đặc biệt nhiều địa phương do nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư ít chọn lọc nên đã chấp thuận cho một số dự án không có tiềm lực thực chất, thậm chí phá vỡ quy hoạch, nhiều dự án BĐS xin xong rồi bỏ đấy, nhiều năm vẫn chưa triển khai được.
Dẫn chứng cũng được đưa ra: Năm 2008 vốn FDI đăng ký tới mức hơn 71 tỷ USD trong đó vốn vào lĩnh vực BĐS chiếm cao nhất với 23,6 tỷ USD, cao nhất so với các năm, tuy nhiên dòng vốn giải ngân gần như rất ít thay đổi từ đó cho tới nay. Một dự án BĐS có vốn đăng ký tới trên 150 triệu USD, đầu tư thực chất chỉ 110 - 120 triệu USD trong đó một ngân hàng thương mại của Việt Nam đã cho vay tới 90 triệu USD, chủ đầu tư đang rao bán 1,6 tỷ USD…
Trong giai đoạn thị trường BĐS khó khăn về nguồn vốn như hiện nay thì nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) được kỳ vọng là một trong những giải pháp để khôi phục lại sự chuyển động và phát triển cho thị trường này. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, không vì thế mà chúng ta thu hút bằng mọi giá, phải có sự chọn lọc các dự án, không thể để “đánh đồng” như trước kia, phải tìm cách nâng cao hiệu quả thực chất của dòng vốn này, giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện dự án sau cấp phép… Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định: Không phủ nhận nhiều dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, hiện đại, cách làm bài bản, tạo diện mạo mới cho đô thị trong nước… tuy nhiên cần phải chấm dứt tình trạng các dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vốn thì cao, con số thực hiện lại thấp, huy động vốn của khách hàng ngay trong thị trường nội địa để đầu tư…
Nâng cao giám sát
Theo Bộ KH&ĐT, đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS sẽ ngày càng giảm. Nếu trong giai đoạn 2008 - 2010, trên 34% tổng vốn FDI vào Việt Nam là vào BĐS thì năm 2011 vào BĐS chỉ còn 5,8%. Trong 2 tháng đầu năm 2012 chỉ có 1 dự án BĐS đăng ký với số vốn 100 nghìn USD, đứng cuối cùng trong các ngành thu hút FDI… Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đầu tư nước ngoài vẫn là xu hướng phát triển mạnh của thị trường BĐS Việt Nam, bởi nhu cầu của thị trường vẫn lớn, cùng với các chính sách thông thoáng hơn đang nên thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, điều quan trọng là làm sao các cơ quan chức năng và các địa phương phải nâng cao năng lực quản lý, giám sát và phân bổ nguồn vốn trong lĩnh vực BĐS để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của nền kinh tế và phù hợp quy hoạch phát triển.
Theo các chuyên gia kinh tế để hạn chế các dự án FDI vay vốn hoặc huy động vốn trong nước, cụ thể nhất là dự án BĐS, cần phải quan tâm tới các cam kết về tài chính của các nhà đầu tư, phải đưa ra quy định nhà đầu tư phải có một tỷ trọng vốn bao nhiêu khi triển khai dự án, chứ không thể cứ đăng ký vốn rồi sau đó huy động vốn trong nước. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho rằng: Để thật sự tận dụng được nguồn vốn này cần phải có quy định bảo đảm các chủ đầu tư dự án thực hiện theo số vốn đăng ký, ví dụ như nâng tỷ lệ hoàn thành công trình để được huy động vốn lên cao hơn…
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TW:
BĐS là lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất. Vốn của nhà đầu tư đưa vào chiếm tỷ lệ nhỏ, phần lớn là vay ngân hàng hoặc huy động từ khách hàng. Kinh doanh BĐS ít tạo ra ngoại tệ nhưng khi họ rút vốn lại bằng ngoại tệ, gây khó khăn lớn trong cán cân thanh toán của Việt Nam. Cần phải có sự giám sát tình hình trên, từ đó đưa ra những giải pháp cần thiết để điều chỉnh, tính đến hiệu quả thực chất của dòng vốn FDI…
|
(Theo Báo Xây Dựng)