SearchNews

Thị trường bất động sản: Cần một “cú huých”

02/04/2012 08:45

Thị trường bất động sản khu vực Hà Nội không phải chịu áp lực trả nợ nhiều, do tiền đầu tư chủ yếu từ khoản tiết kiệm của người dân. Vì vậy, giá bất động sản sẽ khó giảm sâu hơn nữa, do các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có thể trụ vững.

Phát biểu tại Hội thảo “Tìm vốn cho thị trường bất động sản” do Tập đoàn FLC tổ chức cuối tuần qua, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguồn vốn lớn nhất cho thị trường bất động sản từ trước đến nay là từ huy động của người mua, nhưng hiện đang bị tắc nghẽn vì tâm lý chờ đợi giá bất động sản giảm thêm. Vì vậy, thị trường đang rất cần một “cú huých” từ chính sách và từ các tổ chức tín dụng để tạo đà khơi thông nguồn vốn.

Mất niềm tin

Theo số liệu mà ông Võ công bố tại hội thảo, tỷ lệ nguồn vốn vay để đầu tư vào bất động sản từ hệ thống ngân hàng tại khu vực Hà Nội là 40%, còn huy động từ người mua chiếm tới 60%. Ngược lại, tại TP. HCM, tỷ lệ vay từ ngân hàng chiếm tới 80%, còn huy động từ người mua chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên, theo ông Võ, dù chiếm tỷ lệ nào đi nữa thì nguồn vốn huy động từ người mua cũng là rất lớn và đóng vai trò quyết định cho tính thanh khoản của thị trường.

thi truong bat dong san

Cũng phân tích từ tỷ lệ huy động vốn trên, ông Võ cho rằng, thị trường bất động sản khu vực Hà Nội không phải chịu áp lực trả nợ nhiều, do tiền đầu tư chủ yếu từ khoản tiết kiệm của người dân. Vì vậy, giá bất động sản sẽ khó giảm sâu hơn nữa, do các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có thể trụ vững. Trong khi đó, tại khu vực TP. HCM, giá sẽ còn giảm thêm vì áp lực trả nợ từ ngân hàng đang đè nặng lên cả nhà đầu tư nhỏ lẻ và DN đầu tư kinh doanh bất động sản.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Mùi, nguyên thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, từ trước đến nay, nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại chủ yếu là vốn ngắn hạn, nhưng lại cho vay đầu tư bất động sản là nhu cầu trung và dài hạn, nên rất rủi ro. Chính vì vậy, khi thị trường bất động sản gặp khó, thì để tránh rủi ro, ngân hàng sẽ hạn chế vốn vào lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, người dân chưa có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường bất động sản trong ngắn hạn, nên không tham gia đầu tư, khiến thị trường này càng kém thanh khoản.

Ánh sáng cuối đường hầm

Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, động thái giảm lãi suất huy động tiền gửi vừa qua cũng như cam kết của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về tiếp tục giảm lãi suất huy động từ nay đến cuối năm về khoảng 10%/năm sẽ có tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường bất động sản.

Dưới góc độ chủ đầu tư, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, lãi suất huy động giảm đã gián tiếp đẩy một lượng tiền mặt lớn từ tiền tiết kiệm ra thị trường, cải thiện đáng kể tình trạng khan hiếm tiền mặt thời gian qua.

thi truong bat dong san

“Gần đây, thị trường đã bắt đầu có giao dịch trở lại tại một số phân khúc có giá cả hợp lý”, ông Quyết nói và đưa ra nhận định, hiện lãi suất cho vay đã giảm về 17 - 19%/năm và cuối năm nay sẽ còn khoảng 13 - 14%/năm, cộng với áp lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng cho bất động sản giảm xuống, các ngân hàng thương mại cũng đang tái cơ cấu để giảm chi phí trung gian và tăng hiệu quả hoạt động, là những tác nhân thuận lợi cho thanh khoản của thị trường bất động sản.

Đồng tình với đánh giá trên, bà Mùi cho rằng, về phía DN bất động sản cũng cần tái cơ cấu hoạt động, tìm ra loại hình sản phẩm phù hợp với đa số người tiêu dùng, tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm… “Trong trường hợp khả năng tài chính của DN yếu thì có thể tiến hành liên doanh, liên kết nhằm hoàn thiện dự án để có thể bán được và quan trọng nhất là lấy lại được niềm tin nơi khách hàng”, bà Mùi nói.

Cho rằng bất kỳ động thái nào của hệ thống ngân hàng thương mại cũng sẽ có tác động mạnh đến thị trường bất động sản dù trực tiếp hay gián tiếp, bà Mùi kiến nghị, các ngân hàng cần triển khai mạnh việc tiết giảm chi phí để góp phần sớm giảm được lãi suất cho vay để kích cầu cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, chuyên gia này cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để phát triển và giám sát thị trường bất động sản, đồng thời tạo đầy đủ các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản như quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm nhà ở…

Đánh giá cao những đề xuất trên và cho rằng đó chính là những “cú huých” mạnh để thị trường bất động sản hồi phục, ông Võ đưa thêm kiến nghị cho phép các DN bất động sản được thế chấp dự án tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn. Ông Võ tiết lộ rằng, Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép triển khai hoạt động này nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có DN nào triển khai được do vướng hướng dẫn thực hiện.

Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Phan Thành Mai cũng kiến nghị Nhà nước nên mua lại một số khoản nợ xấu của DN bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận với nguồn vốn mới, nhằm hoàn thiện dự án để cung cấp sản phẩm ra thị trường.


Các bài đọc nhiều:

> Bất động sản và những dự báo của năm 2012

> Bất động sản khép lại 1 năm đầy sóng gió

> "Méo mặt" vì trót ngâm tiền vào dự án chậm tiến độ

> “Sa lầy” với đất dịch vụ

> "Vớt vát" cứu thị trường bất động sản

> TP HCM: Gỡ “nút thắt” cho bất động sản


(Theo ĐTCK)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu