SearchNews

Doanh nghiệp phải tự cứu mình

30/03/2012 08:55

Trước những khó khăn như hiện nay, điều cần làm lúc này mỗi doanh nghiệp tự phải cứu mình. Đó là chia sẻ của ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Công ty CP Him Lam Thủ đô bên lề hội thảo diễn ra mới đây.
Bất động sản và câu chuyện tái cấu trúc

Trước những khó khăn như hiện nay, điều cần làm lúc này mỗi doanh nghiệp tự phải cứu mình. Đó là chia sẻ của ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Công ty CP Him Lam Thủ đô bên lề hội thảo diễn ra mới đây.

- Thưa ông, Bộ Xây dựng vừa có đề xuất mua lại một số dự án bất động sản. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới thị trường?

Đây là chủ trương rất đúng đắn, trước hết là giải cứu cho thị trường, đồng thời đỡ khó cho doanh nghiệp, khó khăn này của doanh nghiệp liên đới tới ngân hàng. Chủ trương này xuất phát từ tình hình thực tế của nền kinh tế cũng như tình hình thực tế của thị trường.

Theo cá nhân tôi đánh giá, động thái này nhằm cứu thị trường cũng như doanh nghiệp bất động sản tránh hệ lụy của doanh nghiệp liên đới đến tính thanh khoản của ngân hàng, bởi vì hầu như các doanh nghiệp đều phải dùng vốn làm đòn bẩy và đã vay từ ngân hàng rất nhiều.

Đặc thù của thị trường bất động sản là đòn bẩy và chiếm tới từ 50-60% lượng vốn huy động từ khách hàng. Với thị trường phụ thuộc vốn như vậy thì tính thanh khoản không có sẽ trở thành nợ xấu của các ngân hàng và khi đó sẽ liên đới đến hệ thống ngân hàng tạo nên hệ lụy xấu.

Ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Công ty CP Him Lam Thủ đô

- Theo ông, ngoài giải pháp này thì còn có giải pháp nào giúp thị trường phục hồi?

Nếu nói đến thị trường thì phải nói đến cung-cầu. Trước đây, thị trường đã phát triển khá lệch lạc và méo mó, lượng cung hiện tại tăng rất lớn vì nguồn cung chính của chủ đầu tư cũng như của nhà thứ cấp, còn cầu lại đang giảm, hiện chỉ có cầu thực.

Vấn đề ở đây, phải tập trung vào phân khúc có nhu cầu thực, nhưng những người có nhu cầu thực khả năng tài chính lại rất hạn chế. Để tạo được cầu thực phát triển tốt, doanh nghiệp phải có hệ thống tài chính tốt để hỗ trợ khách hàng như lãi suất hợp lý. Lãi suất vay ngân hàng đang còn cao, khi nào lãi suất hợp lý thì lúc đó cầu thực mới phát triển tốt được.

- Vậy, doanh nghiệp đã có giải pháp gì để cứu mình?

Hiện tại, thị trường tham gia với rất nhiều doanh nghiệp và nhiều thành phần. Mỗi doanh nghiệp tham gia có những chiến lược khác nhau, với khó khăn này bản thân doanh nghiệp phải nhìn lại chiến lược kinh doanh của mình.

Thứ nhất, phải tái cơ cấu danh mục đầu tư, danh mục nào thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình thì nên tập trung, còn nếu lĩnh vực bất động sản mà không chuyên thì nên tái cơ cấu. Tái cơ cấu có thể bằng M&A chuyển nhượng hoặc bán dự án giảm gánh nặng về vốn. Với mức lãi như hiện nay, không doanh nghiệp nào có thể kinh doanh để bù đắp được. Kinh tế tiếp tục khó khăn, nếu doanh nghiệp không có tiềm lực thực sự thì rõ ràng phải nhìn lại, phải cơ cấu và thu hẹp lại để tiếp tục phát triển.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản cần hiểu rằng lúc này thị trường không thuộc về người bán. Những sản phẩm muốn đưa ra thị trường phải có tính cạnh tranh cao và khác biệt, tạo ra giá trị chuẩn mực về nhà ở thì mới thu hút được khách hàng

- Về phía ngân hàng lại cho rằng, với mức lãi suất này doanh nghiệp chưa thể đổ vỡ, ông đánh giá ra sao?

Cuối năm 2011, ngân hàng công bố giảm lãi suất còn từ 17 đến 19% nhưng thực sự với mức lãi suất đó không ai có thể tiếp cận được. Mới đây, lãi suất giảm còn 13% và tới đây kỳ vọng sẽ giảm hơn nữa tuy nhiên điều đó cũng cần có độ trễ của chủ trương đi vào thực tiễn.

Đối với doanh nghiệp, để đảm bảo lợi nhuận đầu tư thì mức lãi suất đó vẫn còn cao và khó tiếp cận được việc vay vốn ngân hàng. Bởi bất động sản vẫn là nhóm chưa được khuyến khích cho vay. Tại thời điểm này chưa có tín hiệu nào để khẳng định điều đó.

- Xin cám ơn ông.

H.N (Ghi)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu