Tại hội cuộc đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra giải quyết việc cấp sổ đỏ cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết:
Trường hợp này được rất nhiều người quan tâm. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đối với trường hợp này. Trong luật đất đai 1993 (sửa đổi năm 2003) có quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp như đất trồng cây ngắn ngày và đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng cây lâu năm... Mốc thời điểm tính từ năm 1993. Thời hạn sử dụng là 20 năm. Như vậy, sang năm sau, 2013 là tròn 20 năm. Bà con rất quan tâm bây giờ xử lý như thế nào? Có tiếp tục cho sử dụng hay chia lại ruộng đất?
Tôi xin nói rằng, vừa qua, Bộ TNMT đã bàn, báo cáo Chính phủ và sẽ trình lên Quốc hội. Về thời hạn sử dụng đất, về thẩm quyền quyết định, theo luật, thuộc về Quốc hội. Do đó, việc quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật năm 2003 thì chúng ta vẫn áp dụng luật hiện hành. Hiện tại cũng phát sinh vấn đề khi giao dịch ngân hàng (như dùng sổ đỏ để thế chấp), với thời hạn sử dụng đất còn ngắn, thì sẽ tiến hành như thế nào?
Theo Luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn.
Tuy nhiên, có một số loại đất không thuộc đối tượng trên, như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ TNMT nghiên cứu, xây dựng. Chúng tôi đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn.
Một vấn đề nữa, khi thời hạn sắp hết, đối với loại đất nêu trên, có tiếp tục cấp sổ đỏ hay không? Tôi xin trả lời, theo luật hiện hành, tiếp tục cấp sổ đỏ. Đây là nhu cầu thường xuyên, chính đáng. Còn thời hạn thì theo quy định tại khoản 1 điều 67 của Luật đất đai 2003, tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các Ngân hàng yên tâm cho người nông dân vay vốn sản xuất, không gây đứt đoạn.
Quan điểm chúng tôi là đất nông nghiệp là giao ổn định, lâu dài, tuy nhiên, có điều chỉnh nhất định trong trường hợp cần thiết, như trường hợp ở Thái Bình. Hiện nay, chúng ta tiến hành dồn điền đổi thừa thì có sắp xếp lại đất đai, liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có xây dựng nông thôn mới. Có thể có điều chỉnh đối với một số trường hợp nhất định như gia đình có người mất, không làm nông nghiệp nữa, chuyển đi nơi khác. Theo tôi, với trường hợp này, cần bàn bạc trong cộng đồng với sự tham gia của người sở hữu quyền sử dụng đất để đạt sự đồng thuận. Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng nữa thì Nhà nước sẽ thu hồi.
Tiến tới năm 2020, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35%, các vấn đề đất nông nghiệp sẽ không còn quá bức xúc.
Còn về vụ ông Đòan Văn Vương ở Tiên Lãng, Bộ trưởng chia sẻ:
Các vị đều biết, sau vụ Tiên Lãng được sự quan tâm của dư luận cả nước, đặc biệt là thông tin trên báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến về vấn đề này, thông báo số 43 của VPCP đã nói khá rõ.
Tôi xin nói thêm, vụ việc xảy ra có nguyên nhân khách quan, lĩnh vực đất đai có nhiêu văn bản, Luật, Nghị định, Thông tư với gần 300 văn bản…, tức là lĩnh vực này hết sức phức tạp, đòi hỏi người thực thi công vụ phải nắm vững. Bản thân các văn bản cũng có nhiều vấn đề cần sửa.
Thứ hai, liên quan đến thực thi công vụ của các cấp chính quyển, với các quyết định giao đất, thu hồi, cưỡng chế…
Thứ ba, trách nhiệm của người sử dụng đất. Mỗi người dân phải có trách nhiệm sử dụng đất theo đúng pháp luật. Tôi cho rằng thông tin vừa qua mới chủ yếu nói đến vai trò của người thực thi công vụ, nhưng việc sử dụng đất của người dân cũng không phải không có vấn đề. 19,3ha mà ông Đoàn Văn Vươn lấn chiếm là như vậy. Nếu lấn chiếm thì phải thu hồi, nhưng huyện lại hợp thức hóa… Rồi vấn đề phá rừng phòng hộ như thế nào, hoặc chậm nộp thuế sử dụng đất, cho người khác thuê lại…; việc xây dựng nhà kiên cố dù huyện đã cho phép sử dụng nhà 1 tầng… Qua đó, phải thấy rằng bên cạnh cái sai của chính quyền, thì người sử dụng đất cũng phải tuân thủ pháp luật.
Sau vụ Tiên Lãng, chúng tôi đã có công văn yêu cầu các tỉnh kiểm tra các bãi bồi, chúng tôi cũng tổ chức các đoàn kiểm tra… Tinh thần là tất cả đều phải tuân thủ pháp luật, không suy diễn.
Vấn đề người dân mong đợi là xử lý mảnh đất của ông Đoàn Văn Vươn như thế nào, vì có liên quan đến chuyện tương tự pháp luật… Tôi vừa đi Thái Bình về, họ thực hiện cho thuê trên cơ sở đấu thầu, theo quy định của pháp luật và chưa có vấn đề gì.
Với gia đình ông Vươn, tôi đã nghe ý kiến của huyện, của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng. Đề xuất của huyện là đất hết thời hạn từ năm 2007, diện tích 19,3ha đến năm 2011 là hết thời hạn, thì làm thế nào?
Theo quy định, chúng ta chuyển sang cho thuê, tôi đã giao Tổng cục Đất đai, Thanh tra Bộ tham mưu. Bộ sẽ có ý kiến chính thức là cho thuê theo quy định của pháp luật. Thời hạn bao nhiêu, tiền thuê như thế nào thực hiện theo quy định của pháp luật…
H.N (Theo Chinhphu.vn)